Đấu thầu vàng miếng đã giải quyết sự mất cân đối cung – cầu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Qua việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã giải quyết sự mất cân đối cung - cầu vàng trên thị trường, khoảng 40% lượng vàng đấu thầu đã đi vào trong dân chúng… TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng đã nói như vậy khi trao đổi về những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ cũng như những khó khăn mà NHNN gặp phải trong sự phối hợp với các chính sách vĩ mô khác.

Đấu thầu vàng miếng đã giải quyết sự mất cân đối cung – cầu - Ảnh 1
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Phóng viên: Trong 2 năm qua, NHNN đã kiên định mục tiêu trong điều hành tỷ giá, quản lý thị trường vàng mặc dù gặp không ít những phản ứng gay gắt. Đến nay, ông có nhận xét gì về hiệu quả của những chính sách và biện pháp mà NHNN thực hiện trong quản lý thị trường vàng?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: NHNN đã nỗ lực và có thành công nhất định trên các lĩnh vực quản lý thị trường vàng, ổn định tỷ giá và điều hành lãi suất. Về lĩnh vực quản lý thị trường vàng, NHNN đã khẳng định thiết lập trật tự thị trường, sau đó ổn định giá. Trật tự trên thị trường vàng đã được thiết lập, không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mỗi lần xảy ra đoản cung, tạo ra những cơn sốt vàng gây xáo trộn thị trường; chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được thu hẹp đáng kể; NHNN cũng thành công trong việc chống “vàng hóa”, cụ thể NHNN đã tách vai trò người huy động và cho vay vàng ra khỏi các ngân hàng thương mại (NHTM), bởi bản thân các NHTM cũng thua lỗ nặng nề, hiện tượng đầu cơ vàng đã giảm.

Qua việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng, NHNN đã giải quyết sự mất cân đối cung - cầu vàng trên thị trường, nhờ đó giải tỏa cơn khát của thị trường, khoảng 40% lượng vàng đấu thầu đã đi vào trong dân chúng… Tôi nghĩ, về lâu dài, NHNN nên thành lập sàn vàng quốc gia để có sự liên thông với thế giới, thị trường vận hành thông suốt.

Việc đấu thầu vàng miếng đã giúp tăng lượng cung lớn ra thị trường. Vậy theo ông, nhu cầu của thị trường về vàng đã thực sự giảm chưa? Có nên mua vàng thời điểm này không? Ông dự báo chênh lệch giá vàng nội - ngoại sẽ thu hẹp ở mức nào trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, NHNN chưa thể dừng đấu thầu vàng dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã giảm (còn trên 2 triệu đồng/lượng). Mặc dù nhu cầu về vàng đã giảm dần, nhất là sau khi các ngân hàng hoàn tất đóng trạng thái vàng, nhưng cầu vàng giảm chưa bền vững. Trong số gần 60 tấn vàng NHNN đấu thầu vàng miếng thì có gần một nửa số vàng được các TCTD mua để tất toán số dư huy động vàng, số còn lại đã được đưa ra thị trường. Điều này cho thấy, nhu cầu mua vàng của người dân là không nhỏ. Ước tính thị trường vẫn cần khoảng 50 tấn vàng nữa nên trong năm nay chắc chắn NHNN chưa thể dừng đấu thầu vàng, ngay cả khi mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới xuống thấp hơn 1 triệu đồng/lượng. Tôi dự đoán điều này sẽ không xảy ra trước khi hết quý I.2014.

Khi chênh lệch giá vàng nội - ngoại được thu hẹp ở mức trên và duy trì trong một thời gian nhất định (3 - 6 tháng) thì NHNN nên cân nhắc biện pháp đấu thầu vàng. Không loại trừ phương án mua vàng miếng. Tôi nghĩ, hoạt động đấu thầu vàng chỉ chấm dứt khi nhu cầu bình ổn không còn.

Còn về điều hành tỷ giá của NHNN,  ý kiến đánh giá của ông như thế nào?

Về điều hành tỷ giá, theo tôi, NHNN chủ trương giữ ổn định đồng tiền Việt Nam là đúng. Nếu tỷ giá bất ổn sẽ ảnh hưởng đến giá trị của đồng Việt Nam, ảnh hưởng đến lạm phát, mất lòng tin với đồng nội tệ, khi đó người dân sẽ đổ xô sang các lĩnh vực đầu tư khác như ngoại tệ, vàng… Mất niềm tin vào đồng nội tệ thì giá cả hàng hóa sẽ tăng, lạm phát cao. NHNN đã điều chỉnh tỷ giá rất đúng mực, thận trọng, linh hoạt, không phá giá VNĐ là điều hợp lý. Có thể thấy rõ thành công của NHNN trong việc duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối.

Theo tôi, việc điều chỉnh tỷ giá chưa chắc đã hỗ trợ hàng xuất khẩu của Việt Nam. Về lý thuyết, việc giảm giá đồng nội tệ sẽ hỗ trợ hàng xuất khẩu, nhưng hàng xuất khẩu của Việt Nam còn tùy thuộc vào giá cả, chất lượng và tính cạnh tranh, sức mua của thị trường thế giới với hàng Việt Nam. Hơn nữa, việc điều chỉnh tăng tỷ giá chưa chắc có lợi cho xuất khẩu khi hàng hóa của Việt Nam chủ yếu gia công, nhập khẩu nguyên liệu, giá thành sản phẩm vẫn rất cao.

Từ nay đến cuối năm, chắc chắn nhu cầu về ngoại tệ sẽ tăng khi các NHTM, doanh nghiệp cần ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ hoặc các đơn hàng nhập khẩu… Trong điều kiện cầu ngoại tệ tăng, NHNN sẽ cân nhắc thận trọng trong điều chỉnh tỷ giá, dù dư địa để tăng tỷ giá trong năm nay vẫn còn.

Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD đã có những kết quả bước đầu, NHNN có nên sử dụng các biện pháp mạnh, có tính chất áp đặt hơn để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không? Điều kiện hệ thống và bối cảnh nền kinh tế có cho phép không?

Theo tôi, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần sự mạnh mẽ. Chính ở môi trường của Việt Nam, các biện pháp mạnh mẽ có tác động mạnh hơn. Nếu chúng ta khoan nhượng, nhẹ nhàng trong biện pháp, thì khó vượt qua được nhiều rào cản. Một trong những yếu tố cản trở quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là thiếu sự ủng hộ của các cổ đông lớn có quyền lực. Xét bối cảnh của Việt Nam, biện pháp mạnh là cần thiết.

Thực tế, thời gian qua các ngân hàng đã tự nguyện sáp nhập với nhau. Mô hình ngân hàng sáp nhập với tổ chức kinh tế - tài chính là rất tốt. Việc khuyến khích các ngân hàng yếu kém tự tìm cách tháo gỡ khó khăn và tìm đối tác để sáp nhập hoặc hợp nhất cần có lộ trình và thời gian nhất định, để không gây xáo trộn và bất ổn hệ thống, chính vì thế cũng khiến quá trình tái cơ cấu ngân hàng bị kéo dài thêm.