Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động hơn trong tiếp cận vốn ngân hàng

PV.

Dù đã có nhiều chính sách từ Nhà nước giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như các quỹ đầu tư dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng nhiều doanh nghiệp không biết rõ, do đó không tiếp cận được các nguồn vốn này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khó khăn không chỉ từ phía các ngân hàng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, đóng góp 30% cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, khi chia sẻ về vốn đầu tư cho khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, TS. Cấn Văn Lực cho biết, vốn đầu tư cho kinh tế ngoài nhà nước chiếm khoảng 39%, vốn cho kinh tế nhà nước là gần 38%. Vấn đề là kinh tế ngoài nhà nước đóng góp cho GDP 43% trong khi khu vực kinh tế nhà nước chỉ chiếm 29% GDP.

Như vậy, đồng vốn bỏ ra cho khu vực ngoài nhà nước mang lại hiệu quả hơn nhưng theo các chuyên gia, dù có nhiều chính sách hỗ trợ thời gian qua, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa vẫn chưa tiếp cận được vốn ngân hàng.

Lãi suất vay luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của DN, đặc biệt là những DNNVV có nguồn vốn hạn hẹp. Mặc dù đã có rất nhiều chính sách và định hướng hỗ trợ nhưng thực tế khi đi vay thì DN gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về mặt thủ tục vay vốn.

Theo một nghiên cứu gần đây về các rào cản đối với khu vực DN tư nhân của trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26 điểm phần trăm nếu DN nộp hồ sơ thuộc DNNVV, sẽ tăng khoảng từ 2,3 đến 2,8 điểm phần trăm nếu đó là DN thuộc sở hữu Nhà nước.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất khi vay vốn tại ngân hàng là DN không có tài sản đảm bảo. Nhiều DN mong muốn mở rộng sản xuất và tăng trưởng để có cơ hội tiếp cận những đơn hàng lớn nhưng nguồn vốn bị hạn chế nên hầu như chỉ có thể huy động vốn từ gia đình và các nguồn khác bên ngoài để hoạt động.

Tuy nhiên, về phía ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều vấn đề tồn tại của DNNVV là rào cản khi họ tiếp cận vốn ngân hàng. Cụ thể, nhiều chủ DN không hiểu rõ quản lý tài chính nên thiếu các hoạch định kế hoạch tài chính ngắn hạn, dài hạn. Thêm vào đó, hiện tượng hai sổ sách kế toán, nhằm giảm mức thuế phải đóng cũng khiến cho ngân hàng ngần ngại khi cho DN vay vốn.

Cần chủ động hơn trong tiếp cận các nguồn vốn vay

Ngoài những khó khăn về vốn, khu vực kinh tế tư nhân cũng gặp phải những thách thức tương tự như các DN khác trong nước như về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, chi phí lương và bảo hiểm ngày càng cao, chi phí logistics lớn... Để giúp DN tư nhân Việt Nam cạnh tranh được với các DN trên thế giới, các thách thức trên cần được giải quyết, đặc biệt là vấn đề tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách khơi thông nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như các quỹ đầu tư dành cho DNNVV nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, còn có hai quỹ rất quan trọng dường như bị DN bỏ quên là Quỹ Phát triển DN, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV.

Theo ông Đỗ Tấn Trúc, đại diện Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, ngoài vốn ngân hàng, TP. Hồ Chí Minh cũng có rất nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành với DN, nhiều khoản vay Thành phố không tính lãi, hoặc hỗ trợ 50% lãi vay, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ…

Ông Trúc cho rằng, nhiều DN không biết rõ các chương trình này, do đó đã không tiếp cận các nguồn vốn rẻ này. Hiện tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV cũng đang tư vấn, kết nối cho nhiều DN để tiếp cận vốn ngân hàng một cách dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, ngoài việc chú trọng xây dựng thương hiệu, tiếp thị, bán hàng … thì DN cần quan tâm xem xét kỹ vấn đề tài chính trước khi thực hiện một phương án kinh doanh, chuẩn bị kỹ hồ sơ xin vay vốn ngân hàng. Cùng với đó, các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới mô hình giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiện ích nhất cho DN trong giao dịch với ngân hàng, đặc biệt là giao dịch và quan hệ tín dụng ngân hàng.