Khó giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng thương mại

Theo Yên Lam/Saigondautu.com.vn

Theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%.

Đến năm 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%. Nguồn: Internet
Đến năm 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là cơ chế chưa cho bơm vốn vào các ngân hàng này, nên việc tăng vốn theo Basel II nhưng vẫn bảo đảm tỷ lệ sở hữu nhà nước ở mức 65% là điều khó khăn.

Định hướng giảm tỷ lệ sở hữu

Tại Diễn đàn Mua bán và sáp nhập (M&A) 2018 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cho biết Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động M&A. Nguyên nhân do Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bán bớt vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)… nên M&A là vấn đề rất quan trọng.

Hiện quá trình tái cơ cấu tạo điều kiện cho các thương vụ M&A phát triển, và ở chiều ngược lại các thương vụ M&A cũng giúp quá trình tái cơ cấu thành công. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, DNNN, cơ cấu lại thu chi ngân sách đảm bảo nợ công…

Riêng với lĩnh vực tài chính ngân hàng, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao những ngân hàng yếu kém và trong tình trạng đặc biệt như CB, GPBank, Oceanbank… Sắp tới, Chính phủ không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng cho phép ngân hàng nước ngoài mua ngân hàng yếu kém trở thành 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ tổ chức cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các ngân hàng có vốn nhà nước.

Liên quan đến việc bán bớt vốn tại các NHTM có vốn nhà nước, Quyết định 986 của Chính phủ ban hành ngày 8/8/2018 đã nêu những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, trong giai đoạn 2018-2020, các NHTM có vốn nhà nước (không bao gồm Agribank) phải tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện tiền đề, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Agribank giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại theo mô hình NHTM đa năng, triển khai cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và bảo đảm Nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ.

Giai đoạn 2021-2025, các NHTM có vốn nhà nước tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế; đảm bảo tỷ lệ sở hữu nhà nước ở mức 51%; thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Riêng Agribank, thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước.

Còn nhiều khó khăn

Tại thời điểm 30/6/2018, vốn điều lệ của các ngân hàng có vốn nhà nước như BIDV đạt hơn 34.187 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ 95,28%; Vietcombank hơn 35.977 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 77,1%; VietinBank 37.234 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 64,46%; Agribank 29.126 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 100%. 4 ngân hàng này chiếm đến 40% vốn điều lệ của toàn hệ thống.

Tuy vậy, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, áp lực tăng vốn rất lớn và kéo dài vì hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng này đã tiệm cận mức 9%. Nếu áp dụng Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%. Ước lượng nhu cầu tăng vốn trong giai đoạn 2018-2020 của VietinBank, BIDV và Vietcombank gấp 1,8-2 lần hiện tại, đạt tốc độ tăng trưởng tài sản 14-18%/năm, đáp ứng tỷ lệ CAR 8% và tỷ lệ tài sản có rủi ro/tổng tài sản khi áp dụng Basel II 65-95%.

Giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước về mức 65% là điều nhiều nước áp dụng đối với các DNNN lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tỷ lệ 35% còn lại là thanh khoản trên thị trường cũng giúp định giá một DN đúng nghĩa. Còn hiện nay, một số NHTM có vốn nhà nước đã niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng phần vốn nhà nước nắm giữ lớn và không mua bán trên sàn nên không có thanh khoản.

Như vậy, phần vốn hóa trên thị trường chứng khoán cũng không đúng sự thật vì vốn hóa tính toàn bộ vốn điều lệ. Chẳng hạn hiện nay thanh khoản thực tế của BIDV vẫn chưa đến 5%. TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định vấn đề quan trọng nhất của ngành ngân hàng hiện nay là đạt chuẩn Basel II.

Tuy nhiên, thời hạn hoàn thành Basel II vẫn bị lần khất do quá trình tái cơ cấu. Đến năm 2020, để đạt được Basel II, vốn chủ sở hữu ít nhất phải đạt 8% tổng tài sản. Với tình hình hiện nay để đạt được yêu cầu này phải tăng vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng lên ít nhất 130.000 tỷ đồng.

Để đạt được chuẩn Basel II như mục tiêu, Chính phủ phải cho các NH này dùng lợi nhuận để tăng vốn, tức thay vì lấy cổ tức tiền mặt cho phép ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đây là mấu chốt cần phải xử lý. Nếu Nhà nước muốn lấy cổ tức tiền mặt lẫn muốn lành mạnh hóa các ngân hàng này là điều rất khó. Bên cạnh đó, để giảm tỷ lệ sở hữu phải tính toán dứt khoát Nhà nước muốn giữ ngân hàng nào hay giữ hết các ngân hàng.

 

Khi đó, ngân hàng nào không cần giữ nên bán dần cổ phần, còn nếu muốn giữ tỷ lệ sở hữu 65% phải bơm vốn vào. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống ngân hàng tư nhân trong nước rất yếu kém, chỉ vài NH lành mạnh còn đa số vẫn do các đại gia thao túng. Hơn nữa, ở các ngành công nghiệp, xuất khẩu… khu vực đầu tư nước ngoài đã lấn lướt, nếu để tình trạng này diễn ra trong hệ thống ngân hàng, nền tài chính sẽ có vấn đề. Điều này đặt yêu cầu phát triển các NHTM có vốn nhà nước vào một tình thế khó khăn.

 

Việc bán bớt cổ phần, giảm dần tỷ lệ sở hữu nhà nước là phù hợp với yêu cầu nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng. Song vướng ở chỗ Nhà nước muốn giữ 65% nên khi khối tư nhân hoặc nước ngoài tham gia, vốn điều lệ tăng lên, Nhà nước phải bỏ thêm tiền để giữ tỷ lệ này, nếu không nó sẽ tự động giảm xuống. Trong khi cơ chế hiện nay là Nhà nước không bỏ thêm tiền được, nên đến nay các ngân hàng này vẫn chưa thể cổ phần hóa, chưa giảm được tỷ lệ sở hữu nhà nước.

 

TS. TRẦN DU LỊCH