Lĩnh vực ngân hàng: Năm mới, thách thức cũ

Huệ Văn (Thời báo Doanh nhân)

Tổng thể bức tranh ngành ngân hàng (NH) năm 2008 là 2 gam màu “nóng và lạnh” tương xứng với 2 thái cực đối nghịch "lạm phát và giảm phát" của nền kinh tế. Điểm lại những khó khăn của năm 2008 vừa qua của ngành NH để thấy rõ ưu nhược và từng bước khắc phục trong năm 2009.

 

Những vấn đề nổi cộm năm cũ

Vấn đề nổi cộm đầu tiên được nhắc đến đó là lạm phát bởi đây chính là tác nhân chính của gam màu nóng trong bức tranh của ngành NH năm 2008, gây ra không biết bao hệ lụy cho các NH và DN. Ngay từ đầu năm, kinh tế đất nước phải đối mặt với lạm phát tăng cao (theo tính toán sơ bộ lạm phát cả năm 2008 khoảng 22%), do đó, chính sách thắt chặt tiền tệ đã gây khó khăn không nhỏ cho NH khi phải tăng lãi suất. Hậu quả là không ít DN phải từ bỏ ý định vay vốn đầu tư, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình đốn. Không chỉ thế, do mức lãi suất cao đã làm khả năng hoàn trả của các DN bị giảm sút, việc thu hồi nợ khó khăn hơn, các khoản nợ xấu gia tăng, làm tăng khả năng rủi ro của các NH. Cũng chính vì vậy, khi chính sách tiền tệ được nới lỏng, các NH lại trở nên dè dặt trong việc cho vay vốn, khiến nguồn vốn khả dụng trong hệ thống NH dư thừa ngày một nhiều, trở thành khoản “tiền chết” và làm tăng chi phí cho NH.

Năm 2008 cũng là năm chính thức khởi động cuộc đua giữa các NH nội và giữa NH ngoại khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép cho 3 NH nước ngoài được phép thành lập NH con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam là HSBC, ANZ và Standard Chartered Bank, trong đó đáng nói nhất là HSBC - một NH nước ngoài tích cực nhất về nhiều mặt hiện nay. Việc thành lập NH con sẽ cho phép HSBC mở rộng mạng lưới phân phối rộng và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. HSBC cũng là NH nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam sở hữu 20% cổ phần của Techcombank sau khi nâng cổ phần sở hữu từ 14,4% lên 20%. Điều này cho phép HSBC mở rộng sức ảnh hưởng và gia tăng tầm hoạt động của mình.

Với lợi thế có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị hiện đại, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu nhận định, sự xuất hiện của 3 NH 100% vốn nước ngoài báo hiệu một cuộc cạnh tranh ngày càng tăng lên trong ngành tài chính - NH. Ba NH nước ngoài đầu tiên được cấp phép đều là những NH lớn, đã hiện diện tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với mục tiêu rất rõ ràng - chiếm lĩnh thị trường trong dài hạn. Do vậy, dù trong năm 2008, công việc kinh doanh gặp khó khăn thì việc họ chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam mới là cái được lớn nhất.

Cùng với đó ra sự góp mặt của 3 NH nội là LienVietBank, TienPhongBank và BaoVietBank cũng làm “nóng” hơn cuộc chạy đua giành thị phần của các NH. Trong đó, LienVietBank, TienPhongBank đã đi vào hoạt động, còn BaoVietBank sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày đầu tháng 1/2009. Các chuyên gia nhận định, sự cạnh tranh dù là giữa nội - ngoại hay nội - nội vẫn là cần thiết để các NH nội không ngừng cải thiện và gia tăng chất lượng dịch vụ, luôn sáng tạo để làm thỏa mãn những nhu cầu của khách hàng và sự phát triển của đất nước.

Một vấn đề khác cần nói tới đó là sự điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Vẫn biết, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo diễn biến của nền kinh tế nên khó đưa ra một lộ trình cụ thể mà chỉ có thể dự báo xu hướng. Tuy nhiên, ông Ashok Sud, Tổng giám đốc NH Standard Chartered tại Việt Nam đã ví von, thị trường NH trong năm 2008 giống như trải qua hai loại thời tiết lạnh giá và nóng nực trong cùng một ngày. Nếu như các chính sách tiền tệ được thắt chặt một cách gấp gáp bao nhiêu trong 9 tháng đầu năm thì cũng được nới lỏng với một tốc độ tương ứng trong 3 tháng cuối năm. Vì vậy, để tránh rủi ro trong lãi suất, các NH phải tự quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh cho tốt từ hệ số an toàn trong hoạt động tín dụng, đặc biệt chính sách lãi suất của NH cũng phải linh hoạt.

Điều đáng nói nhất là trong một năm qua, các NH có được bài học "xương máu" từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ - quản trị rủi ro. Theo ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank, khi nhìn thấy sự khủng hoảng của ngành NH tại Mỹ, các NH Việt Nam sẽ suy xét và nhìn nhận lại cách làm ăn của mình. Họ sẽ thận trọng hơn với các khoản cho vay của mình và tìm cách giảm rủi ro trong quá trình cho vay; đề phòng và miễn dịch với các dự án đầu tư hay cho vay mà ở đó các khoản nợ xấu, khó đòi là cao; tập trung vào các khoản mục sinh lợi tốt, khả năng hoàn vốn cao và có sự phát triển trong tương lai.

Năm mới và "Những việc cần làm ngay"

Vấn đề đầu tiên được các chuyên gia đề cập đến cho ngành NH năm 2009 vẫn là lãi suất. Nền kinh tế thế giới đã rơi vào suy thoái khiến cho xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Để giúp đỡ các khách hàng của mình, các NH tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Với động thái này, các DN sẽ dễ dàng tiếp cận với vốn vay NH. Nhưng bên cạnh đó, các khoản vay sẽ được giám sát kỹ hơn do di chứng và bài học từ khủng hoảng Mỹ để lại.

Thêm vào đó, với việc ba NH nước ngoài là ANZ, Standard Chartered và HSBC đã được cấp phép thành lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2008 đã đánh dấu mốc cho sự bình đẳng với các NH nội về hoạt động. Đây chính là thách thức lớn của các NH nội kể từ cuối năm 2008. Tính tới hết tháng 10/2008, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng nước ngoài đã đạt 22.957 tỷ đồng, tăng tới 46% so với cuối năm 2007. Đây là một mức tăng rất cao nếu so với mức tăng chung của thị trường NH là 16,61% tính tới hết tháng 10/2008..

Năng lực quản trị rủi ro là một trong những vấn đề được ưu tiên của các NH trong năm 2009. Đã đến lúc, Việt Nam cần phải có cơ chế quản lý rủi ro. Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ chính là bài học giá trị cho ngành NH Việt Nam.

2009 cũng sẽ là năm các NH dành thời gian để cơ cấu, củng cố lại sản phẩm, dịch vụ và chú trọng hơn đến mảng bán lẻ. Phát triển dịch vụ NH bán lẻ sẽ giúp kích cầu trong nước và các NH giảm thiểu rủi ro khi kinh tế vĩ mô có biến động. Nhiều chuyên gia dự đoán, sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn trong mảng dịch vụ bán lẻ giữa các NH trong năm 2009. Sẽ có hàng loạt các dịch vụ mới được các NH tung ra thị trường khi các mảng đầu tư lớn đang ẩn chứa nhiều rủi ro.

Khắc phục những yếu kém của hệ thống ATM cũng là việc sẽ được các NH làm ngay trong năm tới. Mặc dù đã có sự liên kết giữa các NH và các tổ chức thẻ như Smartlink, Banknetvn nhưng năm 2009 vẫn còn nhiều việc cần phải làm cho các NH như: mở rộng liên minh ATM hơn nữa. Không chỉ vậy, các NH cũng nên chú trọng mở chi nhánh đến các đô thị loại 2, 3 và các thị tứ để đón đầu trước sự cạnh tranh của NH ngoại.

Cuối cùng, tỷ giá là một trong những thách thức "nặng ký" nhất của ngành NH trong năm 2009. Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc Lienvietbank, tùy theo chính sách kích cầu xuất khẩu của Việt Nam thế nào mà nới tỷ giá USD/VND cho hợp lý. Hiện nay, xuất khẩu Việt Nam chiếm 60% GDP của cả nước, vì vậy, việc nới tỷ giá sẽ kích thích hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, như vậy đồng thời sẽ kích cầu trong nước, giải quyết được công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, DN. Điều này sẽ tốt hơn việc kìm giá đồng nội tệ với USD như hiện nay của Việt Nam.