Ngành Ngân hàng và “chất lượng” tín dụng

Hà Minh Lục

(Tài chính) “Dư nợ tín dụng biến động hàng ngày, mỗi thời điểm có thể có sự xê dịch nhất định. Ví dụ như trong báo cáo, đến ngày 20/11 ước tăng 7,21% so với tháng 12/2012 (cùng kỳ tăng 3,5%), nhưng thực tế đến ngày 25/11 đã tăng lên 7,54%”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói tại buổi họp báo Thường kỳ Chính phủ tháng 11/2013.

Tính đến ngày 20/11, dư nợ tín dụng ước tăng 7,21% so với tháng 12/2012 (cùng kỳ tăng 3,5%). Nguồn: Internet
Tính đến ngày 20/11, dư nợ tín dụng ước tăng 7,21% so với tháng 12/2012 (cùng kỳ tăng 3,5%). Nguồn: Internet
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vừa qua, một số giải pháp của ngành Ngân hàng đối với việc xử lý nợ xấu, bán nợ cho công ty quản lý tài sản cũng làm ảnh hưởng nhất định đến con số về tín dụng. Tuy nhiên, cùng kỳ năm ngoái tăng 3,5%, còn năm nay tăng khoảng 7,54%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kích cầu nền kinh tế còn thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì đây là cố gắng rất lớn của ngành Ngân hàng, đặc biệt trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, tăng trưởng tín dụng cũng đạt trên 10%.

Thông thường, trong tháng 12 là thời điểm theo quy luật tăng trưởng tín dụng cao hơn mức bình thường để đáp ứng nhu cầu của sản xuất.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh, chất lượng tín dụng đặc biệt quan trọng chứ không vì chạy theo chỉ tiêu số lượng mà không quan tâm đến chất lượng tín dụng.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo giới liên quan tới vấn đề các khoản vay của người nông dân ở các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra trong thời gian vừa qua, đại diện NHNN cho biết, ngay khi bão lũ xảy ra từ đầu tháng 10 gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung, ngành Ngân hàng đã nắm bắt thông tin qua hệ thống ngân hàng thương mại và NHNN ở các địa phương.

Trên cơ sở đó, NHNN đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo hệ thống ngân hàng phối hợp với địa phương đánh giá các khoản vay. Bên cạnh đó, NHNN có những chính sách miễn giảm lãi suất, cơ cấu các khoản nợ, đề xuất những biện pháp khoanh nợ với các hộ dân, người sản xuất bị thiệt hại, đồng thời chỉ đạo dành vốn để đầu tư cho vay mới phục hồi sản xuất và khắc phục khó khăn về đời sống.

Đến nay, qua nắm bắt sơ bộ thiệt hại do bão lũ gây ra tại 10 tỉnh miền Trung, ngành Ngân hàng ước tính số thiệt hại liên quan đến các khoản vay ngân hàng là 10.500 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã kịp thời phân loại, cơ cấu lại nợ, khoảng 300 tỷ đồng. Đối với các khoản nợ chịu thiệt hại, NHNN đã thực hiện miễn, giảm lãi và khoanh nợ trên 2.200 tỷ đồng.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng lớn, đã thực hiện cho vay mới để khắc phục sản xuất, ổn định đời sống của các vùng bị thiệt hại do lũ lụt gây ra. Bên cạnh đó, NHNN sẽ ban hành các văn bản tiếp tục chỉ đạo kịp thời toàn Ngành trong việc hỗ trợ các giải pháp để cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi và cho vay mới./.