Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Theo CTTĐTCP

Chiều 21/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đại biểu Hoàng Công Long (Gia Lai) cũng chưa đồng tình với việc thành lập Quỹ này vì không thực tế. Đại biểu cho rằng, Quỹ chỉ bảo vệ cho doanh nghiệp khi phá sản và không có khả năng chi trả.

Chú ý tính đặc thù của kinh doanh bảo hiểm

Các đại biểu Quốc hội tán thành việc sớm sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu hội nhập sau 10 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về việc một số quy định của Luật được giao lại cho các cơ quan khác hướng dẫn, cũng như việc cho phép thành lập thanh tra chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm và Quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm...

Đại biểu Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên cho rằng, cần thống nhất luật này với các luật liên quan khác như Luật Hải quan, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, cũng như phù hợp với các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Về quy định đấu thầu và cạnh tranh sản phẩm bảo hiểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ cần quy định chi tiết “đặc thù kinh doanh bảo hiểm” để phân biệt với quy định hiện hành của Luật đấu thầu và Luật cạnh tranh…

Việc lập Quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, đại biểu này lưu ý việc có quá nhiều Quỹ được thành lập mà chưa quan tâm thích đáng đến số tiền có được và các quyền lợi hợp pháp khác. Trong khi đó, kinh doanh bảo hiểm là loại hợp đồng dân sự, một trong hai bên vi phạm thì phải đưa ra Tòa án để xét xử theo Luật Dân sự.

Bên cạnh đó, quyền lợi của người đóng bảo hiểm chưa được đề cập tới nhiều, cần quy định rõ ràng hơn.

Cân nhắc về thanh tra chuyên ngành bảo hiểm

Đối với thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Luật hiện hành đã có quy định và giao cho Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm thực hiện, nay dự thảo lại quy định thêm thành “thanh tra chuyên ngành”. “Rất nhiều ngành “thích” được thành lập thanh tra chuyên ngành bên cạnh thanh tra chung về kinh tế - xã hội vì loại hình thanh tra này có quyền tác động trực tiếp đến đối tượng xử lý. Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến không nên lập thanh tra chuyên ngành tránh sự chồng chéo, trùng lắp. Vì thế, nên cân nhắc quy định này”, đại biểu Lê Thị Nga kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) lại bày tỏ sự quan tâm đến hoạt động của đại lý bảo hiểm.“Không ít đại lý bảo hiểm hoạt động khi chưa đủ điều kiện, không bảo đảm chất lượng, rủi ro xảy ra khách hàng phải chịu thiệt. Quy định chặt chẽ điều kiện của đại lý bảo hiểm hết sức cần thiết trong luật này”, đại biểu Thu Hà lưu ý.