Tái cấu trúc ngân hàng lớn: Chờ kết quả

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, thời gian tới sẽ tái cấu trúc cả những ngân hàng thương mại lớn. Các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) cũng đang lộ diện.

Giao dịch ngân hàng đã sôi động trở lại sau thời gian khá dài im ắng. Nguồn: internet
Giao dịch ngân hàng đã sôi động trở lại sau thời gian khá dài im ắng. Nguồn: internet
Nếu nhanh, trong quý III và đầu quý IV tới, một trong 2 thương vụ sáp nhập đình đám liên quan đến Sacombank với Southern Bank, Martime Bank với Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Phát triển MeKong (MDB) sẽ được duyệt. 

Công cuộc tái cấu trúc toàn ngành ngân hàng được xác nhận đang bước vào chiều sâu sau khi NHNN hoàn thành được nhiệm vụ ổn định thị trường. 

Các ngân hàng được đặt trong tầm ngắm tái cấu trúc trong thời gian tới được đồn đoán có nhiều điểm khác biệt: Theo đó, có thể là những ngân hàng TMCP lớn, có thanh khoản ổn định nhưng vướng ở sở hữu chéo. Cách thức tái cơ cấu trong giai đoạn này vẫn thiên về hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A). 

Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng, NHNN Chi nhánh TP Hà Nội khẳng định: "M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang tiếp tục là một xu hướng. Cụ thể, tới thời điểm hiện nay NHNN đã thu hồi giấy phép của 7 tổ chức tín dụng, trong đó có 5 ngân hàng và 2 công ty tài chính thông qua hoạt động M&A”. 

Thời gian gần đây, các tin tức liên quan đến mua bán của ngành ngân hàng cũng làm thị trường sôi động. Ngoài thông tin chính thức từ phía NHNN khẳng định VPBank được quyền sáp nhập Công ty Tài chính Vinacomin (CMF). Một số trường hợp khác cũng dần được vén bức màn. Chẳng hạn, trong tháng 7 này, SHB sẽ lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu thực hiện giao dịch sáp nhập công ty tài chính. Maritime Bank cũng mua lại 64% vốn điều lệ Công ty tài chính Dệt May.

Tuy nhiên, điều thị trường đang ngóng là các đại gia lớn của thương mại cổ phần, như thương vụ Maritime Bank, hay Sacombank,…về đâu? TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc các ngân hàng có mối quan hệ sở hữu chéo như Maritime Bank và MDB sáp nhập với nhau là phù hợp với định hướng quản lý và yêu cầu tự thân của từng ngân hàng. Bởi trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các chủ sở hữu phải dồn lực để phát triển, thay vì đầu tư tràn lan như trước.

Chuyên gia ngành tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần có thêm nhân tố mới, chất xúc tác mới để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Việc ngân hàng nhỏ xin được về với ngân hàng lớn là điều dễ hiểu vì bối cảnh cạnh tranh của ngành ngày càng phức tạp. Chưa kể mục tiêu tái cấu trúc hệ thống đặt ra,  đến năm 2015 Việt Nam chỉ còn khoảng 15 ngân hàng lớn.

Nhưng liệu có đại cuộc sáp nhập các ngân hàng là rút gọn số lượng ngân hàng? Phía sau nó liệu còn nguyên cớ khác. Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, nợ xấu toàn khối đang tăng mạnh. Có khả năng đã vượt xa khỏi con số 4,01% như NHNN công bố. Khi 2 ngân hàng sáp nhập một số khoản nợ xấu quy về một mối có khả năng "giảm đẹp”. Các ông chủ ngân hàng có thể tránh được cảnh "giám sát đặc biệt” từ phía thanh tra NHNN.

Theo đánh giá chung, tiến trình M&A ngân hàng đang diễn ra sôi động, và phù hợp với thực tế của nền kinh tế. Hiện nay, ngành ngân hàng đang phải cùng lúc thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu: xử lý nợ xấu, cắt sở hữu chéo, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.