Thị trường chứng khoán phái sinh và dư địa phát triển mới của chứng khoán Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Phương Dung

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, với nhiều thành quả đạt được đáng khích lệ, ngành Chứng khoán đang đứng trước cơ hội có thêm không gian phát triển mới khi theo định hướng của cơ quan quản lý, dự kiến trong năm 2017 sẽ mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh.

Sau giai đoạn ban đầu phát triển với không ít thách thức, dần dần thị trường chứng khoán phái sinh sẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia vì sức hấp dẫn của nó. Nguồn: Internet.
Sau giai đoạn ban đầu phát triển với không ít thách thức, dần dần thị trường chứng khoán phái sinh sẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia vì sức hấp dẫn của nó. Nguồn: Internet.

Không gian phát triển mới

Sau 20 năm phát triển (1996 đến nay), thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tuy đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhưng cấu trúc thị trường vẫn còn ở dạng sơ khai, thiếu độ sâu và chưa hoàn thiện cấu trúc thị trường theo mô hình một thị trường hiện đại như thông lệ quốc tế. Hạn chế này cùng với yêu cầu từ thực tiễn đòi hỏi cần sớm hoàn thiện cấu trúc thị trường để hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường cơ sở. Bởi vậy, trong những năm gần đây, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành nhiều giải pháp để khởi tạo sự hình thành TTCK phái sinh (TTCKPS).

Định hướng đầu tiên cho các bước chuẩn bị về pháp lý hình thành TTCKPS tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đề cập tại Quyết định 252/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020: “Xây dựng và phát triển TTCKPS được chuẩn hóa theo hướng phát triển các công cụ từ đơn giản đến phức tạp; về dài hạn cần thống nhất hoạt động thị trường phái sinh có công cụ gốc là chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ...”

Để cụ thể hóa định hướng này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS Việt Nam tại Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014. Để đưa các nội dung của Đề án này vào triển khai trong thực tiễn, đồng thời định hình khung pháp lý cho TTCKPS ra đời và phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCKPS, đồng thời Bộ Tài chính ban hành Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP.

Sự ra đời của TTCKPS sẽ mở ra dư địa phát triển mới cho TTCK trên nhiều khía cạnh như: phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; cung cấp nguồn hàng mới; hình thành lớp nhà đầu tư mới… Việc cung cấp hàng hóa mới sẽ đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư, nên sẽ huy động được một lượng vốn lớn tham gia thị trường.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sau giai đoạn ban đầu phát triển với không ít thách thức, dần dần TTCKPS sẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia vì sức hấp dẫn của nó. Chẳng hạn như tại Ba Lan, TTCKPS được triển khai từ năm 1998, 7 năm sau khi thị trường cơ sở hình thành. Tới tháng 8/2014, quy mô TTCKPS (tổng giá trị bù trừ) đạt 104 tỷ Euro (khoảng 134 tỷ USD), tương đương 1/3 mức vốn hóa toàn TTCK cơ sở. TTCKPS của Ba Lan phát triển thận trọng, bền vững và đã trở thành một mảng lớn trong cấu trúc thị trường vốn của quốc gia này (chiếm 18,8% quy mô thị trường vốn, bao gồm cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu).

Sự phát triển của TTCKPS còn hình thành một lớp nhà đầu tư mới, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường cơ sở. Tại nhiều quốc gia, giai đoạn ban đầu mở cửa TTCKPS thu hút đông nhà đầu tư tổ chức tham gia nhưng sau giai đoạn này, nhà đầu tư cá nhân lại chiếm áp đảo. 

Hướng đến phát triển an toàn, hiệu quả

Những năm qua, vì chưa đủ điều kiện chín muồi cho Việt Nam triển khai TTCKPS, nên mỗi khi thị trường biến động đã buộc nhiều nhà đầu tư, thậm chí là các nhà đầu tư tổ chức phải bán tháo, cắt lỗ. Việc thiếu những công cụ phòng vệ rủi ro cộng với tâm lý đám đông vẫn chi phối mạnh trên TTCK Việt Nam, khiến cho những biến động trên thị trường bị khuyếch đại nhiều lần. Điểm yếu này không những làm thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn khiến tổ chức phát hành khó huy động vốn trên thị trường... Những hạn chế này sẽ được giảm thiểu khi vận hành TTCKPS.

Nếu như TTCK cơ sở giúp nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, thì với chức năng chính là phòng ngừa rủi ro, TTCKPS chủ yếu sẽ hỗ trợ nhà đầu tư bảo vệ những lợi nhuận đã kiếm được. Bởi vậy, triển khai TTCKPS không chỉ giúp nhà đầu tư giảm thiểu các rủi ro trong quá trình đầu tư, mà còn hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, việc triển khai sản phẩm ban đầu khi mở cửa TTCKPS tại Việt Nam đang được hoàn thiện theo hướng trước mắt sẽ đưa vào giao dịch các chứng khoán phái sinh đã được chuẩn hóa để niêm yết, các sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng với mục đích phòng ngừa rủi ro là chính như: Hợp đồng tương lai chỉ số dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu; Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu. Các sản phẩm phức tạp hơn, chẳng hạn như quyền chọn, sẽ được đưa vào giao dịch tiếp sau này, khi nhà đầu tư đã nắm bắt được tính năng, cũng như cách thức giao dịch các chứng khoán phái sinh...

Có ý kiến cho rằng, việc triển khai các sản phẩm như trên là hơi thận trọng, nhất là sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ như kinh nghiệm nhiều thị trường không mấy hấp dẫn, nên sẽ khó thu hút nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là việc triển khai TTCKPS tại Việt Nam theo hướng thận trọng là cần thiết, bởi điều này được đúc rút từ kinh nghiệm quốc tế, trong đó có những bài học về sự thất bại, đổ vỡ thị trường.

Chứng khoán phái sinh là công cụ phòng ngừa rủi ro nhưng ranh giới giữa phòng ngừa rủi ro và đầu cơ rất mong manh, nên việc triển khai TTCKPS tại Việt Nam đang được thúc đẩy theo hướng phát huy tối đa những mặt tích cực của các sản phẩm phái sinh, đồng thời đặc biệt coi trọng quản trị rủi ro nhằm giảm thiểu tác động không mong muốn của các sản phẩm này...

Là quốc gia đi sau trong triển khai TTCKPS nên Việt Nam phải dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm phát triển và các bài học quốc tế về lộ trình phát triển sản phẩm; cấu trúc sản phẩm; cơ cấu tổ chức, vận hành thị trường… để không lặp lại các thất bại trong quản lý TTCKPS đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia. Các chứng khoán, sản phẩm phái sinh tuy được sử dụng để phòng ngừa rủi ro nhưng bản thân chúng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư không quản lý tốt các hoạt động đầu tư của họ dẫn tới phản ứng tiêu cực dây chuyền.

Việc triển khai TTCKPS nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam sẽ được thừa hưởng được nhiều thành tựu, cũng như bài học về các giải pháp triển khai hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin từ nhiều thị trường trên thế giới. Đặc biệt, sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009, hệ thống này của các thị trường được chuẩn hóa, nâng cấp bằng các giải pháp mới theo hướng kiểm soát rủi ro chặt hơn, giúp thị trường vận hành an toàn và bền vững hơn.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, ngân hàng thanh toán, cũng như các công ty chứng khoán và các bên liên quan... đang nỗ lực chạy nước rút hoàn thiện các khâu cuối cùng để sẵn sàng cho mở cửa TTCKPS trong năm nay. Việc mở cửa TTCKPS sẽ là một dấu mốc mới đối với lịch sử phát triển của TTCK Việt Nam sau chặng đường 20 năm phát triển. Sự ra đời của TTCKPS không chỉ hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam hiện đại theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mà còn mở ra dư địa mới cho một giai đoạn phát triển hứa hẹn đầy triển vọng của TTCK thời gian tới.    

Tài liệu tham khảo:

1. Trung tâm sáng tạo tài chính: Khung pháp lý cho TTCKPS;

2. ThS. Phạm  Thị Bích Thảo: Các nhân tố ảnh hưởng đến TTCKPS (Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2016);

3. Các trang điện tử: ssc.gov.vn; bvsc.com.vn, Tapchitaichinh.vn...