Thị trường sáng, doanh nghiệp dễ dàng gọi vốn hơn

Theo Tinnhanhchungkhoan.vn

Từ đầu năm đến nay, đà tăng điểm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động huy động vốn của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, mấu chốt thành công vẫn nằm ở chất lượng của doanh nghiệp.

Đà tăng điểm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động huy động vốn của nhiều doanh nghiệp. Nguồn: Internet
Đà tăng điểm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động huy động vốn của nhiều doanh nghiệp. Nguồn: Internet

Những doanh nghiệp gọi được vốn lớn từ TTCK

Tính đến ngày 10/11, VN-Index đạt mức 868 điểm, tăng 29,5% so với cuối 2016, đạt mức cao nhất từ tháng 2/2008 đến nay. HNX-Index vượt mốc 100 điểm, tăng 35% so với đầu năm. Điểm số của TTCK Việt Nam lọt Top tăng trưởng hàng đầu thế giới, vượt qua các chỉ số chứng khoán tên tuổi như Nikkei 225 (19,68%), Dow Jones (19,2%), S&P 500 (15,71%), FTSE 100 (5,18%) (xem bảng).

TTCK sáng đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho nhiều doanh nghiệp huy động vốn. Tại Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Hòa Phát (HPG), trong tháng 7/2017, HPG đã huy động được 5.050 tỷ đồng qua chào bán 252,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ tăng vốn 20%) tại mức giá 20.000 đồng/cổ phần cho cổ đông hiện hữu, nhằm phục vụ cho dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát - Dung Quất.

Trước đó, tháng 6/2017, Tổng công ty Viglacera (VGC) cũng đã huy động được 1.940 tỷ đồng qua đấu giá cổ phần phát hành tăng vốn.

Lượng vốn mới của VGC dự kiến sẽ được đầu tư vào hàng loạt dự án gồm Khu công nghiệp Yên Phong, Đồng Văn IV, Nhà máy Viglacera Mỹ Xuân sản xuất kính nổi siêu trắng... với kỳ vọng đem lại bước phát triển mạnh trong tương lai. Tháng 4/2017, CTCP Tập đoàn Kido (KDC) thông qua IPO công ty con là Kido Food đã thu về trên 1.000 tỷ đồng bổ sung cho sản xuất, kinh doanh.

Diễn biến mới nhất là CTCP Chứng khoán Artex (ART) vừa chốt danh sách để chào bán 17,55 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tại giá 10.000 đồng/cổ phần. Nếu thành công, sau đợt tăng vốn này, vốn điều lệ của ART sẽ đạt 310,5 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với hiện tại, đáp ứng yêu cầu bổ sung vốn kinh doanh để thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành và bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động cho vay ký quỹ, ứng trước.

Sự tích cực của TTCK đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp gọi vốn thành công. Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng mức huy động thông qua phát hành cổ phiếu đạt 33.500 tỷ đồng, bằng 93% mức thực hiện trong cả năm 2016.

Dù con số này chiếm tỷ lệ khá thấp trong tổng lượng vốn huy động vốn qua TTCK (kênh đấu thầu trái phiếu chính phủ huy động được 166.000 tỷ đồng) và còn khá khiêm tốn nếu so sánh với kênh tín dụng ngân hàng (riêng huy động vốn của một ngân hàng là Vietcombank đã tăng 97.600 tỷ đồng), nhưng lượng vốn huy động từ cổ phiếu có giá trị riêng có với doanh nghiệp.

Đó là lượng vốn được bổ sung vào vốn chủ sở hữu, được sử dụng lâu dài, không phải lo trả gốc, trả lãi như các kênh vay nợ khác, mà trách nhiệm của doanh nghiệp là phải làm ra lợi nhuận và chi trả cổ tức cho cổ đông.

Phát hành cổ phiếu huy động vốn là 1 trong 2 giá trị cốt lõi (giá trị còn lại là tạo thanh khoản) mà các doanh nghiệp đều mong muốn đạt được khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp huy động được vốn trên TTCK còn rất nhỏ bé trong số cả nghìn doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu lên sàn.

Muốn huy động được vốn, doanh nghiệp phải chất lượng và minh bạch

Bên cạnh những doanh nghiệp “đắt hàng” khi chào bán cổ phiếu ra công chúng (như VGC có khối lượng cổ phần đăng ký mua gấp 2,6 lần lượng chào bán với hơn 1.000 nhà đầu tư đăng ký tham gia), thì tại nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ mua cổ phần của cổ đông trong các đợt chào bán rất thấp, phải đến lần phân phối riêng lẻ thứ 2, thứ 3 mới thành công, mà trường hợp của MBG, L12, SJ1 là ví dụ.

Tại CTCP Phát triển và xây dựng và thương mại Việt Nam (MBG) trong đợt chào bán tháng 5/2017, chỉ 18,1% (tương đương gần 2,2 triệu cổ phiếu) trên tổng số 12 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành được cổ đông nộp tiền. Tại CTCP Licogi 12 (L12), trong đợt chào bán tháng 8/2017, chỉ có 48,25% số quyền mua được cổ đông đăng ký. Hay tại CTCP Nông nghiệp Hùng Hậu (SJ1), trong đợt chào bán tháng 9/2017, cũng chỉ có 26% số cổ phần được cổ đông thực hiện quyền.

Số cổ phần còn lại của các doanh nghiệp trên đều được phân phối riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức đăng ký với giá bằng giá chào bán, nhưng với giá phát hành cao hơn khá nhiều so với thị giá và cổ đông đại chúng hờ hững, thì kết quả các đợt tăng vốn này dù thành công, nhưng cũng bị nhà đầu tư đặt nhiều dấu hỏi.

Dòng tiền khó chảy vào những doanh nghiệp chưa chứng minh được hiệu quả hoạt động và chất lượng minh bạch thấp. Nếu doanh nghiệp có gọi vốn thành công, thì câu hỏi lớn đặt ra là ai mua, mua với mục đích gì, khi từ kết quả kinh doanh đến thị giá tại các mã trên không có gì cải thiện?

Nhìn lại những năm gần đây, để huy động được vốn qua TTCK, không ít doanh nghiệp đã thực hiện các chiêu trò, sử dụng các biện pháp đẩy, đỡ giá cổ phiếu trước thời điểm gọi vốn. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã không còn dễ dàng đặt niềm tin vào đà tăng giá trong ngắn hạn. Bài học từ quá khứ với những câu chuyện doanh nghiệp vốn huy động bị sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, cổ phiếu bị pha loãng, mất giá trị như KTB, AVF, KSA… đã khiến thị trường cảnh giác hơn rất nhiều. Những phương án tăng vốn “lạ”, những doanh nghiệp có tiền sử kém hiệu quả và minh bạch... khó có cửa gọi vốn qua TTCK.

Ngày càng nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng, chất lượng doanh nghiệp là điều quan trọng nhất trong các yếu tố phải xem xét khi quyết định rót vốn. Đây cũng là điểm mấu chốt giúp doanh nghiệp thành công hay thất bại trong huy động vốn, yếu tố đà tăng điểm của TTCK chỉ mang tính hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh dễ dàng hơn trong việc thực hiện kế hoạch gọi vốn từ thị trường.

Tính đến tháng 11/2017, trên cả 2 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đã có 720 doanh nghiệp niêm yết và 658 doanh nghiệp đăng ký giao dịch. Việc đón nhận hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành, vốn hóa hàng tỷ USD lên sàn như PLX, VJC, VRE…, cùng đà tăng giá của các cổ phiếu như VNM, ROS, VIC…, đưa tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 51,09% so với đầu năm.

Về thanh khoản, quy mô giao dịch bình quân tăng 54,9% so với năm 2016. Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào chứng khoán Việt tăng mạnh. Tính riêng sàn niêm yết, khối ngoại đã mua ròng hơn 21.000 tỷ đồng kể từ đầu năm 2017 đến nay.

Bối cảnh thị trường thuận lợi tạo cơ hội cho các doanh nghiệp huy động vốn, nhưng trước khi tính việc huy động vốn, các doanh nghiệp cần “chuẩn hóa” hoạt động của chính mình.