Tín dụng ngoại tệ: “Nới” trong thận trọng

Theo Thời báo Ngân hàng

Một số dự báo gần đây cho thấy, nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2013, đi cùng với đó là áp lực lạm phát cũng lớn hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thêm lựa chọn cho người vay

Trước thực tiễn tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2012 và lường trước những khó khăn trong năm 2013, NHNN đã đưa nhiều biện pháp để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN và nền kinh tế. Định hướng điều hành của NHNN là sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao.

Mới đây nhất, NHNN cũng “mở hơn” trong cho vay ngoại tệ thể hiện qua Thông tư 37/2012/TTTT-NHNN (Thông tư 37) quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo giới phân tích và một số lãnh đạo ngân hàng, Thông tư 37 vẫn tương đối chặt chẽ. Thông tư yêu cầu khách hàng muốn vay ngoại tệ phải có nguồn thu ngoại tệ từ sản xuất kinh doanh, tức là sẽ chỉ phù hợp với những DN nào vừa có hoạt động nhập khẩu nhưng đồng thời vừa xuất khẩu thì mới có được nguồn thu ngoại tệ.

“Tuy nhiên, điểm mở ở đây là Thông tư cho phép các DN vay trung hạn và dài hạn. Trước đây, khi các DN muốn nhập khẩu máy móc, thiết bị đầu tư tài sản cố định không được vay ngoại tệ thì giờ sẽ được vay”, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Tiền tệ, Phòng Kinh doanh vốn và ngoại tệ, Ngân hàng HSBC Việt Nam ghi nhận và nhấn thêm: “Quy định như vậy là phù hợp hơn vì bản thân các DN có nguồn thu ngoại tệ nên được vay ngoại tệ phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh”.

Cũng theo nhìn nhận của ông Quang, Thông tư 37 đã mở rộng đối tượng vay. Cụ thể, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể xem xét cho vay với một số nhu cầu vay vốn ngoại tệ không nằm trong phần đối tượng được cho phép nhưng nếu thuộc các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ sau khi được NHNN chấp thuận.

Đây là một hướng mở vì vẫn có những DN muốn tìm kiếm lãi suất thấp hơn thông qua vay ngoại tệ (hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND khoảng 11%/năm đến 15%/năm; trong khi lãi suất cho vay bằng USD chỉ từ 5,5%/năm đến 7%/năm).

Bên cạnh đó, Thông tư cũng cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét cho vay ngoại tệ đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

Hiện các dự án, công trình như vậy chưa nhiều (mới chỉ xuất hiện ở một số lĩnh vực như dầu khí, viễn thông) nhưng đây có thể là một động thái đón đầu trước một xu hướng trong tương lai gần khi các DN của chúng ta mạnh hơn và có nhu cầu mở rộng đầu tư ra các nước.

Nhưng không phải liều thuốc thần

Dự báo trong năm 2013, tỷ giá VND vẫn rất ổn định do nhu cầu nhập khẩu không tăng mạnh. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu của Việt Nam dự báo có thể sẽ có những cải thiện; dòng vốn FDI, FII, kiều hối vẫn rất mạnh. Tỷ giá ổn định trong khi chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền lớn, sẽ kích thích nhu cầu vay ngoại tệ của DN. Do đó, khi Thông tư này ra đời, khả năng lượng khách hàng vay ngoại tệ có thể tăng lên.

Tuy nhiên theo ông Quang, mức tăng chắc sẽ không nhiều vì thực ra, vấn đề nằm ở nhu cầu chứ không phải do Thông tư này. “Tác động lớn nhất có thể đến từ phần mở rộng cho vay thêm phần trung, dài hạn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc các DN có mạnh dạn vay nhiều để mở rộng sản xuất kinh doanh không còn là câu hỏi lớn. Cho nên việc tín dụng bằng ngoại tệ tăng hay không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào phần vĩ mô nhiều hơn”, ông Quang dự báo.

Như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ ra, tín dụng tăng trưởng thấp so với mục tiêu đề ra, chủ yếu là do các nhân tố bên cầu: sức cầu trong nước và cầu nước ngoài yếu; hàng tồn kho tăng cao nên nhiều DN gặp khó khăn, không đủ điều kiện vay vốn; tồn kho bất động sản khá lớn...

Điều đó cho thấy, để lưu thông dòng vốn tín dụng, cần có sự phối hợp đồng bộ các chính sách từ phía các bộ, ngành trong thời gian tới. Chỉ khi các yếu tố của nền kinh tế được cải thiện thì cầu tín dụng (trong đó có tín dụng ngoại tệ) mới tăng lên. Vì vậy không nên xem Thông tư này là liều thuốc thần để đẩy tín dụng ngoại tệ lên.

Mặt khác, một số dự báo gần đây cho thấy, nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2013, đi cùng với đó là áp lực lạm phát cũng lớn hơn. Tại Việt Nam, áp lực tăng của giá cả thực phẩm và giá các mặt hàng thiết yếu khác cũng như hàng loạt phí cũng đang “trực chờ”.

Xét trong bối cảnh đó, tín dụng ngoại tệ nếu tăng lên ở một mức độ vừa phải sẽ giúp cho tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm nay. Tuy nhiên, nếu tăng quá lớn thì vô hình trung lại tạo áp lực lên tỷ giá và cái vòng luẩn quẩn giữa tín dụng ngoại tệ với tỷ giá có thể lại tái diễn.