Tín dụng sẽ tăng mạnh trong quý IV?

Theo baodautu.vn

Tăng trưởng tín dụng đang được xem là điểm sáng của nền kinh tế và dự đoán còn tăng trong quý IV/2015 - thời kỳ tăng tốc sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cũng phải suy tính bởi lãi suất đầu vào của ngân hàng nhích lên.

Tăng trưởng tín dụng đang được xem là điểm sáng của nền kinh tế. Nguồn: internet
Tăng trưởng tín dụng đang được xem là điểm sáng của nền kinh tế. Nguồn: internet

Tín dụng đang tăng nhanh, với mức tăng 10,23% trong 8 tháng đầu năm nay và toàn ngành ngân hàng kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay khoảng 15-17%. Đặc biệt, sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nới “room” tăng trưởng dư nợ tín dụng cho hàng loạt ngân hàng lên mức 30-36%, các nhà băng đã mạnh tay đẩy vốn ra thị trường, với nhiều chính sách cho vay ưu đãi.

Cụ thể, SHB cho vay lãi suất từ 6,8%/năm, nhưng cố định trong 3 tháng đầu tiên hoặc từ 7,3%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên. VIB đang triển khai gói cho vay ưu đãi 5,99%/năm trong 6 tháng đầu cho các khách hàng vay vốn với thời hạn trên 12 tháng… Eximbank cho vay các khách hàng là doanh nghiệp xuất, nhập khẩu với lãi suất 6,5-7%/năm. Hoặc Sacombank, OCB ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các ngân hàng, việc nới “room” tín dụng không phải là động lực để họ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng. Một phó tổng giám đốc của Eximbank cho hay, theo quy luật, nhu cầu vốn của khách hàng (cả doanh nghiệp và cá nhân) thường cải thiện tốt trong quý IV hàng năm và đây là thời điểm tốt để ngân hàng kinh doanh vốn

Tuy nhiên, vị phó tổng giám đốc trên cũng thừa nhận, tín dụng không vì thế mà tăng đột biến trong quý còn lại của năm. Cạnh tranh về thị phần tín dụng dần gay gắt khi ngân hàng phải từng bước cắt giảm lãi suất để có thể thu hút được khách hàng vay vốn.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Viet Capital Bank cho hay, mức tăng trưởng tín dụng của khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng trong 8 tháng đầu năm đang nằm trong mức bình quân chung của toàn hệ thống (hơn 10%). Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này, Ngân hàng cũng từng bước giảm dần lãi suất đầu ra, thậm chí lãi suất chỉ còn 0% trong 3 năm đầu tiên áp dụng cho khách hàng mua căn hộ tại Dự án Mega Village của Khang Điền.

Cho dù bài toán tỷ giá đã được hóa giải khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên chính sách lãi suất thấp, nhưng câu chuyện lãi suất cao lại đang nóng lên khi ngân hàng tăng nhẹ chi phí đầu vào. Lãi suất huy động của các ngân hàng cổ phần, nhất là những nhà băng quy mô nhỏ, đã nhích lên trong tháng 9 và tháng 10/2015, với các kỳ hạn ngắn điều chỉnh tăng lãi suất 0,1-0,5%/năm.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính – tiền tệ, lãi suất huy động vốn tăng nhẹ là do áp lực huy động vốn cuối năm gia tăng khi nhu cầu tín dụng mùa cao điểm của doanh nghiệp cải thiện tích cực hơn. Nhưng đây lại chính là rào cản với những người cần vốn, nhất là các khách hàng doanh nghiệp vốn vẫn e ngại sử dụng vốn vay trước áp lực sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp là cơ hội cho việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động đầu vào và có cơ hội giảm thêm so với mặt bằng hiện nay. Tuy nhiên, các nhận định đưa ra cho thấy, rất khó kỳ vọng được điều này ở thời điểm cuối năm. Mặc dù các ngân hàng đang tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi 6 -7%/năm, nhưng cũng chỉ áp dụng trong 3-6 tháng đầu giải ngân, hoặc chỉ ưu đãi cho một số khách hàng thực sự tốt.

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Mở TP.HCM cho rằng, so với 3 năm trước, mặt bằng lãi suất đã giảm, nhưng không có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp đều chịu đựng được mức lãi suất này. Vì vậy, muốn tăng trưởng được tín dụng tốt hơn, cần xem xét điều chỉnh thêm lãi vay trung, dài hạn, kèm theo đó là các chương trình kích cầu sức mua, tín dụng trong mùa cuối năm.