Tự do hóa lãi suất:

Việc cần làm ngay khi bước vào sân chơi lớn!

PV.

Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, để tham gia vào sơn chơi lớn này một cách hiệu quả, theo giới chuyên gia, một trong những việc cần làm ngay, đó là phải nhanh chóng tiến tới tự do hóa lãi suất.

Xu thế tất yếu

Tại phiên thảo luận ngày 24/10, vấn đề trần lãi suất cho vay trong quan hệ dân sự vẫn là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý. Tại Dự thảo mới nhất trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đưa ra 2 phương án: Một là, quy định mức lãi suất cố định tối đa 20%/năm của khoản tiền vay; Hai là, không quá 200% so với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, giữ như quy định của Dự thảo trình Quốc hội, tức là sử dụng lãi suất cơ bản làm tham chiếu.

Nêu quan điểm về 2 phương án trên, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nghiêng về phương án 1. Trước đó, ông Giàu cũngtừng thẳng thắn phản đối việc sử dụng lãi suất cơ bản, vì theo ông thuật ngữ này, là không đúng và “Nếu lãi suất cơ bản 0% thì lấy căn cứ gì để xử?”, ông đặt câu hỏi.

Nhìn nhận về vấn đề lãi suất cơ bản - rào cản lớn trong quá trình tự do hóa lãi suất, ông Giàu cho rằng: “Thực tế không có lãi suất cơ bản, các nước cũng không có... Về mặt từ ngữ, chúng ta phải xem lại. Hiện nay, chúng ta không có lãi suất cơ bản, nói trung thực là như thế!”.

Trước đó, ông Giàu cũng đã nhiều lần đề nghị là thay vì căn cứ vào lãi suất cơ bản, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần căn cứ vào lãi suất cho vay bình quân của 10 ngân hàng thương mại lớn khi xử lý các tranh chấp liên quan đến lãi suất cho vay.

Phản đối quan điểm nghiêng về phương án thứ 2, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ nới con số như vậy thì không thay đổi được bản chất vấn đề, mà cần phải có quy định mở, để tiến tới tự do hóa lãi suất.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, hiện chúng ta đã đi được một nửa chặng đường của quá trình tự do hóa lãi suất. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước chỉ đang khống chế lãi suất huy động ngắn hạn, còn lãi suất huy động dài hạn đã thả nổi. Lãi suất cho vay cơ bản theo đó cũng thả nổi, chỉ khống chế ở một số lĩnh vực có tính chất ngắn hạn và ưu tiên.

“Như vậy, về cơ bản, việc điều hành thị trường tài chính - tiền tệ của nước ta đã đi đúng hướng, hướng theo lộ trình tự do hóa lãi suất. Còn trong triển vọng thì rõ ràng tự do hóa lãi suất là xu thế tất yếu khi hội nhập kinh tế quốc tế”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Để lãi suất cho thị trường quyết định

Các chuyên gia chỉ rõ, tự do hóa tức là nâng cao tính cạnh tranh và theo hướng minh bạch hóa các hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng được pháp luật cho phép hoạt động. Trong khi đó, chỗ nào dịch vụ tốt và lãi suất thấp thì khách hàng sẽ tìm đến nhiều; chỗ nào lãi suất cao thì doanh nghiệp sẽ bỏ, tìm đối tác khác.

Nhiều ý kiến cho rằng khi gia nhập Hiệp định TPP cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải tạo một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp được tiếp cận dịch vụ tài chính như doanh nghiệp các nước thành viên khác. Mặt khác, cũng nên để các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính có cơ hội đa dạng hóa sản phẩm dựa vào các phân khúc khách hàng khác nhau, qua đó, tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ. Để đạt được điều này, không còn cách nào khác là phải đẩy nhanh lộ trình tự do hóa lãi suất.

Khi tự do hóa lãi suất, thị trường sẽ tự cân đối và tự tìm ra con đường để tiếp tục hạ giá cho đồng vốn. TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân tích: “Ở các quốc gia khác, nếu không áp dụng mức trần, hai bên có quyền tự thỏa thuận, tuy nhiên, đấy là những thỏa thuận thực sự cho nên cũng chỉ dừng ở một ngưỡng nào đó, còn nếu TCTD đòi hỏi mức, lãi quá cao thì người dân sẽ đi vay chỗ khác. Sự cạnh tranh này thực sự là minh bạch, Việt Nam nên học tập và hướng đến”.

“Trong thời gian tới, khi nền kinh tế hoàn chỉnh, cung - cầu vốn trở lại bình thường, bớt căng thẳng thì thị trường tài chính mới thực sự lành mạnh. Chính vì vậy, theo tôi nên để thị trường tự do hoàn toàn” – TS. Cao Sỹ Kiêm nêu quan điểm.