Vốn ngoại vào chứng khoán: Những con số "biết nói"…

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Không khó để nhận ra sự tham gia bền bỉ và mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm tới nay. Thậm chí, tại một số thời điểm, dòng tiền khối ngoại đã trở thành “cứu cánh” cho thị trường khỏi những tác động không mong muốn...

tại một số thời điểm, dòng tiền khối ngoại đã trở thành “cứu cánh” cho thị trường. Nguồn: Internet
tại một số thời điểm, dòng tiền khối ngoại đã trở thành “cứu cánh” cho thị trường. Nguồn: Internet

13 tỷ USD…

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Thành Long cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, dòng vốn ngoại vào thuần trên thị trường chứng khoán niêm yết đã tăng gấp 2,52 lần (khoảng 252%) so với cả năm 2013 và gấp 3,53 lần (tăng 353%) so với cùng kỳ năm 2013 (chưa kể số vốn vào qua mua bán sáp nhập doanh nghiệp và đầu tư vào chứng khoán chưa niêm yết).

Tổng giá trị chứng khoán mua thuần (sau khi đã trừ đi giá trị bán)  trên TTCK trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt 7.200 tỷ đồng, tăng khoảng 65% so với 6 tháng đầu năm 2013 (4.300 tỷ đồng); đồng thời cao hơn cả năm 2013 (6.600 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Thành Long cũng cho biết, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tính tới hết tháng 6 năm 2014 đạt mức tăng khoảng 12% so với thời điểm cuối năm 2013  và đã đạt trên 13 tỷ USD.

Có thể thấy rằng, số liệu thống kê của dòng vốn nước ngoài tuy chưa đầy đủ, nhưng với những số liệu như trên đã cho thấy, một sự dịch chuyển mạnh mẽ của dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2014 vừa qua.

Hành vi đầu tư nói lên tất cả…

Đánh giá về sự tích cực của dòng vốn ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng: lượng vốn ngoại tham gia mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới. Sự khởi sắc của kinh tế Việt Nam còn được thể hiện qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Sự tham gia ngày một tích cực hơn của dòng vốn ngoài sẽ giúp tính thanh khoản của thị trường thứ cấp tốt hơn, từ đó tiếp tục thu hút thêm dòng vốn nước ngoài vào thị trường sơ cấp, đặc biệt nhằm thúc đẩy công tác cổ phần hóa DNNN.

“Bởi không một nhà đầu tư nào lại muốn vào một thị trường sơ cấp mà khi mua rồi không bán được. Do vậy, điều này không chỉ có tác dụng trực tiếp thúc đẩy thị trường thứ cấp mà còn thúc đẩy gián tiếp khối ngoại tham gia mạnh hơn vào thị trường sơ cấp”, ông Long nhấn mạnh.

Chưa dừng ở đó, quan sát thị trường trong suốt thời gian qua, dòng tiền của khối ngoại rõ ràng có sự biến động ngược chiều với tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Bởi vậy, ở một góc độ nào đó, dòng vốn khối ngoại tự thân đã trở thành “bệ đỡ” hay nói cách khác là làm giảm tác động không mong muốn ở bên ngoài vào thị trường chứng khoán. Mặt khác, dòng vốn ngoại đã củng cố niềm tin của khối nhà đầu tư trong nước nói riêng và cả thị trường chứng khoán nói chung.  

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ trong vòng 3 tuần của tháng 5, khi nhà đầu tư nội ồ ạt bán ra, thì khối ngoại lại liên tiếp mua vào, nên đã kìm hãm được sự sụt giảm của thị trường, đồng thời thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường. Như vậy, “dòng vốn ngoại có 2 tác dụng: vừa thúc đẩy chính niềm tin của khối ngoại và củng cố niềm tin cho khối nội”, ông Long nói.

Giải thích cho nguyên nhân vì sao khối ngoại lại tham gia mạnh mẽ vào thì trường chứng khoán trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán trả lời ngắn gọn rằng: “Động thái và hành vi đầu tư của khối ngoại đã nói lên tất cả”.

Cơ hội và sức hút mới

Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài thường đầu tư dựa trên phân tích của những con số vĩ mô của nền kinh tế, cũng như của thị trường chứng khoán. Do vậy, khối này thường ít khi đầu tư theo phong trào, hay chỉ dựa vào tâm lý đám đông. 

“Chúng ta thấy rằng, trong suốt thời gian qua, các con số về kinh tế vĩ mô đã thực sự tạo ra được niềm tin “hút” dòng tiền ngoại. Cụ thể như: dự trữ ngoại hối tăng và đạt ở mức cao; chỉ số CPI được kiểm soát; tỷ giá ổn định; chính phủ thể hiện quyết tâm thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế; đã thành công trong việc kiểm soát tốt vấn đề vàng hóa hay đôla hóa; bên cạnh đó còn có một số yếu tố khác như triển vọng tham gia TPP của Việt Nam trong thời gian tới…”, ông Nguyễn Thành Long chia sẻ.

Một điểm khác đáng chú ý hơn, đó là thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang được xếp ở hạng “thị trường cận biên” – một thứ hạng chưa thật sự thu hút được sự quan tâm nhiều của các quĩ đầu tư lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên mức “thị trường mới nổi” theo bảng xếp hạng của MSCI (Morgan Stanley Capital International), thì sẽ là một vấn đề khác biệt lớn.

Theo ông Nguyễn Thành Long, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã đạt phần lớn các tiêu chí cơ bản để nâng lên hạng “thị trường mới nổi”. Cụ thể các chỉ tiêu như: Thanh khoản thị trường, qui mô thị trường, số lượng doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn… thì đã đạt được.

Đối với nội dung liên quan tới mở cửa TTCK cho nhà đầu tư nước ngoài, thì trong phạm vi thẩm quyền của UBCK, cơ quan này đang nghiên cứu để sớm triển khai  hệ thống đăng ký giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài, tiết giảm thủ tục hành chính để rút ngắn quá trình tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, UBCK cũng đang nghiên cứu, sửa đổi quy định, nhằm cải thiện thông tin cung cấp  cho NĐTNN, đặc biệt là chế độ công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, các báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động của các tổ chức này…Mặc dù vậy, vẫn còn một số nội dung khác liên quan tới quy định của pháp luật về doanh nghiệp, quy định của pháp luật về đầu tư cần có sự điều chỉnh, giúp cải thiện thứ hạng của TTCK Việt Nam trong con mắt của giới đầu tư nước ngoài.

Giả sử như TTCK Việt Nam được nâng hạng, từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi, thì dòng vốn nước ngoài sẽ tự động được điều chỉnh tăng. Theo các tiêu chí giải ngân khá chặt chẽ của các tổ chức đầu tư tài chính lớn trên thế giới, thì mỗi hạng mức thị trường sẽ có giới hạn đầu tư khác nhau. Chẳng hạn, đối với “thị trường cận biên”, thì hạn mức đầu tư của quỹ A cho thị trường này có thể là một tỷ lệ vài phần trăm. Tuy nhiên, nếu đó là “thị trường cận biên” thì hạn mức đầu tư của quỹ vào thị trường đó sẽ có thể gấp vài, ba lần.

Như vậy, nếu được chính thức nâng hạng, uy tín của của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế cũng sẽ nhảy theo. Khi đó, cái tên Việt Nam sẽ được nằm trong “rổ” ưu tiên đầu tư hơn đối với các tổ chức đầu tư quốc tế, theo các tiêu chí giải ngân đầu tư và khi đó sẽ có cơ hội để thu hút các nhà đầu tư lớn, nguồn vốn lớn tìm đến với Việt Nam

Được biết, trong khoảng quý III hoặc quý IV/2014, bản dịch tiếng Anh các quy định pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán, cũng như các nội dung liên quan mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, sẽ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của UBCKNN, nhằm giúp nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ hơn về TTCK Việt Nam.… 

Mặc dù việc cải thiện thứ hạng của TTCK trên bảng tổng sắp các TTCK quốc tế còn nhiều việc phải làm và cũng cần thêm thời gian, nhưng cũng có thể dự cảm rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước một cơ hội mới, với một tương lai không còn quá xa vời…/.