Kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận phục hồi sớm trên cả 3 trụ cột

Theo T. Duyên/ Báo Bình Thuận

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận phục hồi sớm trên cả 3 trụ cột: Về công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, trong đó du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 đã có bước phục hồi nhanh. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 9 tháng tăng 9,19% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động du lịch sôi động trở lại. Ảnh: T. Duyên
Hoạt động du lịch sôi động trở lại. Ảnh: T. Duyên

Tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 9,19%

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận trong 9 tháng  năm 2022 vẫn tăng trưởng, đạt được kết quả tích cực. Kinh tế của tỉnh phục hồi sớm trên cả 3 trụ cột: Về công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, trong đó du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 đã có bước phục hồi nhanh. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 9 tháng tăng 9,19% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng so cùng kỳ (tăng 16,51%). Hầu hết các sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu đều tăng so cùng kỳ (13/16 sản phẩm). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, tổng đàn gia súc, gia cầm, sản lượng nuôi trồng thủy sản đều tăng so cùng kỳ. Hoạt động du lịch sôi động trở lại sau dịch Covid -19, toàn tỉnh đón 3.971,5 ngàn lượt khách, đạt 89,25% KH, tăng 126,8% so cùng kỳ; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 130,19% so cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 52.919 tỷ đồng, đạt 75,17% KH, tăng 22,39% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 624,9 triệu USD, đạt 85,85% KH, tăng 35,26% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh ước đạt 8.583 tỷ đồng, đạt 101,1% so dự toán năm, giảm 4,88% so cùng kỳ. Công tác đầu tư công được quan tâm chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm…

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp khó khăn. Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là một số công trình giao thông, khu công nghiệp. Một số dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… Cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính.

Lãnh đạo thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc

Tại cuộc họp nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022. Các đại biểu đã tập trung phân tích những kết quả đạt được cũng như làm rõ những tồn tại hạn chế và đề xuất những giải pháp quyết liệt trong thời gian tới để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh gắn liền với kiểm soát tốt dịch Covid-19, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt lưu ý về công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, trật tự xây dựng, an ninh trật tự có lúc, có nơi chưa thực hiện đồng bộ. Vệ sinh môi trường nhiều nỗ lực cố gắng nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ nét, còn những trăn trở. Chất lượng khám chữa bệnh chưa cao, cơ sở y tế xuống cấp, tình trạng chung như thiếu thuốc, vật tư y tế tác động không tốt việc khám chữa bệnh đảm bảo sức khỏe nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng, với kết quả đạt được trong 9 tháng qua tỉnh sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2022, tuy nhiên có một số chỉ tiêu tuy đạt và vượt nhưng chưa có sự bứt phá. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo chất lượng, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo kế hoạch đã đề ra và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt kết luận của Thủ tướng  Chính phủ tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh. Phân công cụ thể cán bộ cơ quan, đơn vị địa phương, lãnh đạo quản lý, thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc. Trước tiên, ưu tiên giải quyết vấn đề đánh giá năng lực lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ga hàng không Phan Thiết thuộc dự án Cảng hàng không Phan Thiết.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Bình Thuận. Hoàn thành việc thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của cấp huyện. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai.

Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng cường công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã được HĐND tỉnh Bình Thuận thông qua. Ngành y tế quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế, đảm bảo thuốc điều trị cho bệnh nhân, không chủ quan dịch bệnh. Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo tốt cho người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục trình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm để phục vụ nhân dân tốt hơn…