Lan tỏa tinh thần quyết tâm giảm rác thải nhựa đại dương trên toàn bộ đảo của Việt Nam

PV

Với mục đích góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức đã tài trợ cho Việt Nam Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Dự án được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT ngày 02/7/2020. Đây là dự án có quy mô quốc gia đầu tiên được phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ quốc tế.

Theo UNDP Việt Nam, hằng năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, tương đương cứ mỗi phút lại có một xe tải chở đầy rác đổ ra biển.
Theo UNDP Việt Nam, hằng năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, tương đương cứ mỗi phút lại có một xe tải chở đầy rác đổ ra biển.

Dự án được thực hiện thông qua các hợp phần quan trọng liên quan đến chính sách, truyền thông, mô hình đô thị giảm nhựa và bảo tồn các khu vực đảo và huyện đảo.

Dự án được tài trợ thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) với các hoạt động như: Tài trợ hướng dẫn quản lý hiệu quả và giảm lượng tồn đọng rác thải nhựa tại ba khu bảo tồn biển quan trọng Phú Quốc, Cù Lao Chàm và Côn Đảo… tạo động lực, lan tỏa tinh thần, quyết tâm giảm rác thải nhựa đại dương trên toàn bộ các đảo lớn, nhỏ của Việt Nam.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường,  Dự án được giao cho Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì thực hiện. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật nhằm hỗ trợ thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn, bao gồm cơ chế hỗ trợ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa.

Dự án xây dựng các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa (dựa trên chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF) thí điểm tại bảy thành phố/quận (huyện) bao gồm: Huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế), TP. Đà Nẵng, TP. Đồng Hới (Quảng Bình), TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), TP. Rạch Giá (Kiên Giang), TP. Tuy Hòa (Phú Yên) và Tỉnh Long An. Sau đó sẽ được rút kinh nghiệm, áp dụng triển khai trên toàn quốc, cũng như quản lý hiệu quả nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lượng tồn đọng rác thải nhựa tại 3 khu bảo tồn biển quan trọng: Côn Đảo, Cù Lao Chàm và Phú Quốc.

Đến nay, qua hơn 03 năm thực hiện, Dự án đã bước đầu ghi nhận một số kết quả tích cực, nhiều kinh nghiệm đã được chia sẻ nhằm kiểm soát các loại rác, bảo tồn đa dạng sinh học biển, hải đảo. Nhiều huyện đảo đã quyết tâm thực hiện chương trình đảo không rác thải nhựa, việc quản lý chất thải rắn nói chung, chất thải nhựa nói riêng đã phát huy hiệu quả. Nhiều giải pháp về quản lý rác thải nhựa đại dương tại các địa bàn của Dự án được triển khai đồng bộ mang lại kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại cần được khắc phục như: Rác đại dương mang về không dễ xử lý, không phải rác thải nào cũng tái chế được, không phải rác thải nhựa nào cũng có thể xử lý bằng đốt nhiệt bởi đã nhiễm mặn, rác nhựa đã thải ra môi trường, công việc xử lý quá phức tạp, khó khăn...

Chính vì vậy, trong thời gian tới, việc thực hiện dự án phải tìm được những giải pháp căn bản khắc phục tồn tại trên, ví dụ như: giải pháp tái sử dụng, tuần hoàn nhựa ngay từ khi chọn vật liệu sản xuất, tiêu dùng; giảm đầu vào, giảm thói quen sử dụng nhựa một lần, tiến tới tìm vật liệu thay thế. Đây chính là định hướng lâu dài cho các huyện đảo trên cả nước trong tương lai, để bảo vệ môi trường sống cho con người và các loài sinh vật biển, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.