Lộ diện những cổ phiếu tiềm năng

Theo Lam Anh/thoibaonganhang.vn

Sau khi nhiều doanh nghiệp (DN) đã tổ chức ĐHCĐ 2018, dễ nhận thấy có một số ngành đáng để đầu tư trong năm 2018. Đó là ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tài chính (chứng khoán) và thực phẩm-đồ uống.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

VN-Index đã trải qua một đợt điều chỉnh mạnh sau khi vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm, nguyên nhân từ các tín hiệu rủi ro cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong khi nguy cơ về một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế toàn cầu, thì thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tiêu cực trong ngắn hạn bởi một số lý do.

Theo ghi nhận từ báo cáo của CTCK Rồng Việt, trước hết, lợi suất trái phiếu Chính phủ của Việt Nam đã xuống mức thấp nhất và tương đương với Mỹ. Điều này khá bất ngờ khi Việt Nam là thị trường cận biên, vốn được xem là có tính rủi ro cao hơn so với thị trường phát triển như Mỹ. Với khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2018, giới phân tích cho rằng thị trường tài chính Việt Nam sẽ vẫn biến động trong những tháng tới.

Trong bối cảnh đó, đã có quan ngại về rủi ro bong bóng đối với các tài sản tài chính như bất động sản và cổ phiếu. Do đó, các nhà điều hành cũng đã có các hành động nhằm hạ nhiệt giá tài sản. NHNN hút ròng từ thị trường OMO trong quý I/2018 và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cũng bày tỏ quan điểm về thắt chặt tỷ lệ cho vay ký quỹ từ đầu tháng 6/2018.

Với những lý do này, lời khuyên các chuyên gia đưa ra cho nhà đầu tư lúc này là nên thận trọng hơn khi sử dụng đòn bẩy để đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Tuy vậy, đối với những nhà đầu tư trung và dài hạn thì các vấn đề trên không đáng để quan ngại bởi lẽ sự can thiệp của nhà điều hành sẽ giúp thị trường tài chính lành mạnh hơn và NHNN có đủ tiềm lực để hỗ trợ thanh khoản trong ngắn hạn và hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế.

Minh chứng là khi nhu cầu vốn kinh doanh tăng cao trong quý II/2018, NHNN đã bơm ròng thanh khoản vào nền kinh tế trong tháng 4/2018. Hầu hết các chỉ số ngành đều giảm hơn 10 - 20% so với đỉnh năm 2018 và tháng 5 được đánh giá là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu ở mức giá hợp lý.

Đồng thời, sau khi nhiều DN đã tổ chức ĐHCĐ 2018, dễ nhận thấy có một số ngành đáng để đầu tư trong năm 2018. Đó là ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tài chính (chứng khoán) và thực phẩm-đồ uống.

Hầu hết các ngân hàng trong mùa ĐHCĐ này đều đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh về doanh thu trong năm 2018 mặc dù tăng trưởng tín dụng sẽ được duy trì ở mức tương đương năm 2017. Triển vọng cho năm 2018 của ngành này được xác định đến từ việc cải thiện về NIM; Tăng thu nhập dịch vụ nhờ lệ phí tăng (đóng góp nhiều từ bancassurance) và thu nhập cao hơn từ mua bán chứng khoán. Với quy mô nhỏ hơn về tổng tài sản rủi ro và ít hạn chế hơn các NHTM nhà nước, các NHTMCP có thể tăng trưởng nhanh hơn. Các mã chứng khoán cần được nhà đầu tư chú ý là ACB, MBB, VIB, HDB và LPB.

Còn ở ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) thì nhà đầu tư có thể thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh khi tất cả các DN dẫn đầu đều lạc quan trong năm 2018. Điều này được phản ánh bởi kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, với dự báo tăng trưởng lợi nhuận hai con số như KDC với lợi nhuận trước thuế (tăng 43%) hay MSN với lợi nhuận sau thuế tăng 55-58%. Định giá cho các công ty trong ngành này khá cao, nhưng nhà đầu tư có thể chú ý đến mã VNM sau sự sụt giảm đáng kể của thị trường chứng khoán trong những phiên cuối tháng 4.

Một ngành khác cũng đang thu hút sự chú ý của thị trường đó là bán lẻ. Các nhà bán lẻ Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng tốt trong quý I/2018, với doanh thu của MWG và FRT được đóng góp chủ yếu từ các cửa hàng mở vào cuối năm 2017. Một điểm đáng chú ý là dù các công ty này vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 2 con số, nhưng phần lớn đều đặt kế hoạch tăng trưởng chậm hơn trong năm 2018. Trong đó, DGW sẽ là một mã đáng chú ý với kế hoạch tăng trưởng 23% doanh thu và  29% lợi nhuận so cùng kỳ.

Bên cạnh những ngành nói trên vẫn còn khá nhiều ngành đang thể hiện triển vọng phát triển vượt bậc ở năm 2018 như dược phẩm, du lịch, hàng không… vì triển vọng tươi sáng trong dài hạn đến từ lực lượng dân số trẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi đầu tư vào những nhóm ngành dược phẩm hay du lịch thì nhà đầu tư vẫn nên chú ý đến sự thay đổi về chính sách, có thể làm chậm lại quá trình tăng trưởng của ngành. Còn đối với ngành hàng không, mặc dù triển vọng dài hạn của ngành vẫn khả quan thì định giá một số DN trong ngành này hiện chưa thật sự hấp dẫn...

Các nhà đầu tư phải nhìn thấy được cả hai mặt tích cực và tiêu cực của ngành để đầu tư hạn chế rủi ro. Mặt khác, giới chuyên môn cũng dự báo thị trường chưa có nhiều lý do để phục hồi mạnh, nên nhà đầu tư cần canh chuẩn đúng thời điểm để sau đó chuyển sang tích lũy tạo đáy là tốt nhất.