Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Theo Đông An/thanhtra.com.vn

Nước Việt Nam có truyền thống văn hoá lâu đời và là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam có những tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với đời sống kinh tế, văn hoá và xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (năm 1946) đến Hiến pháp của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay đều luôn khẳng định quyền “tự do tín ngưỡng, tôn giáo” là một trong các quyền cơ bản của con người.

Ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; các tín đồ theo tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hoà trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam cam kết tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trên thực tế, đồng thời không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng và tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, dân chủ, công bằng và văn minh.

Đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo.     

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Với tinh thần đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước, kiến quốc, từ đó xóa dần những định kiến, mặc cảm do lịch sử để lại và âm mưu chia rẽ tôn giáo của các thế lực thù địch.

Chỉ sau một ngày khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó vấn đề thứ sáu là thực hiện "tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết".

Ngày 9/11/1946, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó ghi nhận: Nhân dân có quyền "tự do tín ngưỡng".

Ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL quy định những hoạt động tôn giáo trong chế độ mới, được đồng bào theo và không theo tôn giáo nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tôn giáo là một yếu tố cấu thành và là di sản văn hoá của nhân loại. Tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt về nhận thức, tư tưởng; tìm ra và phát huy điểm tương đồng, mẫu số chung về mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả của dân tộc luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo với dân tộc một cách giản dị, dễ hiểu như­ng rất độc đáo và sâu sắc: Kính Chúa gắn liền với yêu n­ước, phụng sự Thiên chúa và phụng sự Tổ quốc, nư­ớc có vinh thì đạo mới sáng, nư­ớc có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do.

Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với ngư­ời có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nư­ớc không hề mâu thuẫn. Một ng­ười dân Việt Nam có thể vừa là một ngư­ời dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính.

Tôn giáo với dân tộc bao giờ cũng đư­ợc Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét và giải quyết trên tinh thần của khối đại đoàn kết toàn dân. Tôn giáo chỉ có thể khẳng định đ­ược mình khi sống giữa lòng dân tộc và dân tộc trên con đư­ờng phát triển cần biết phát huy những giá trị tích cực của các tôn giáo.

Đảng, Nhà nước tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như trong lãnh đạo việc quản lý xã hội và điều hành đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến tôn giáo và có chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn và phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng.

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Năm 1990, Đảng Cộng sản Việt Nam có sự đổi mới trong chính sách đối với tôn giáo qua Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) "về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới".

Sau 13 năm thực hiện chính sách đổi mới đối với tôn giáo, tổng kết thực tiễn, đồng thời xem xét những vấn đề mới nẩy sinh, trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thay đổi quan trọng, ngày 12/3/2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo. Văn kiện đã trở thành nền tảng chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với tôn giáo trong thời kỳ đổi mới.

Điều 24, Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021 đã khẳng định: Tình hình tôn giáo ổn định; đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp quy khác như Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục, Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016)...

Mới nhất, Điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người như sau:

- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

- Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 12/2020,  Việt Nam có 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Hồi giáo, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bà la môn giáo…

Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo là 4 tổ chức và 1 pháp môn. 1 tôn giáo (Bửu Sơn Kỳ Hương) có một số chùa tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận ban trị sự, ban quản trị chùa. 1 Thánh đường của Hồi giáo tại số 12 Hàng Lược, Hoàn Kiếm, Hà Nội, được công nhận Ban Quản trị Thánh đường.

Tính đến năm 2018, có 12 báo, tạp chí liên quan tôn giáo. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng.