Năm 2022, giá trị vốn hóa niêm yết và thanh khoản thị trường chứng khoán giảm

PV. (t/h)

Năm 2022, thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cho thấy, các chỉ số chứng khoán, thanh khoản thị trường, giá trị vốn hóa niêm yết... đều có mức giảm khá mạnh so với năm 2021.

VNIndex vẫn đạt ngưỡng trên 1.000 điểm

 2022 là năm thế giới dần hồi phục sau khi đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, khi những hậu quả về mặt kinh tế mà đại dịch này gây ra vẫn cần thời gian dài để khắc phục, thế giới lại phải đối mặt thêm những khó khăn mới tới từ sự bất ổn chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine. Bối cảnh đó đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bảng 1: Thống kê giao dịch theo chỉ số trong tháng 12/2022

Chỉ số

Điểm chỉ số

(30/12/2022)

Thay đổi
MoM (%)

Thay đổi
YOY(%)

Tổng KLGD

Tổng GTGD (1000đ)

VNINDEX

1.007,09

-3,94%

-32,78%

17,756,024,869

309,726,699,882

VNALLSHARE

970,65

-2,24%

-37,83%

16,893,220,914

301,681,176,999

VN30

1.005,19

-4,20%

-34,55%

5,895,561,524

138,168,545,000

 

Số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12/2022, chỉ số VNIndex đạt 1.007,09 điểm, giảm 3,94% so với tháng 11 và giảm 32,78% so với cuối năm 2021. VNAllshare đạt 970,65 điểm, giảm 2,24% so với tháng 11, và giảm 37,83% so với cuối năm 2021; VN30 đạt 1.005,19 điểm, giảm 4,20% so với tháng 11 và giảm 34,55% so với cuối năm 2021.

Một số ngành ghi nhận mức tăng được thể hiện tại các chỉ số: ngành năng lượng (VNENE) tăng 8,37%; ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) tăng 6,23%; ngành tài chính (VNFIN) tăng 2,39%.

Tuy nhiên, trong năm 2022 vẫn chứng kiến xu thế giảm điểm của một số ngành như: ngành Bất động sản (VNREAL) giảm 14,30%; ngành Hàng tiêu dùng thiết yếu (VNCONS) giảm 6,09%; ngành Công nghiệp (VNIND) giảm 2,13%.

Thanh khoản thị trường cổ phiếu giảm

Theo HOSE, thanh khoản thị trường cổ phiếu trong năm 2022 với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 653,96 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 17.004 tỷ đồng; giảm lần lượt 11,30% về khối lượng và 21,24% về giá trị so với bình quân phiên năm 2021.

Bảng 2: Top 5 cổ phiếu giao dịch trong tháng

Năm 2022, giá trị vốn hóa niêm yết và thanh khoản thị trường chứng khoán giảm - Ảnh 1

Tuy nhiên, tháng 12/2022, thanh khoản thị trường cổ phiếu ghi nhận sự tăng trưởng với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 807,29 triệu cổ phiếu và 14.078 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 16,42% về khối lượng bình quân và 23.05% về giá trị bình quân so với tháng 11.

Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong tháng đạt 17,76 tỷ cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 309.816 tỷ đồng và cũng tăng lần lượt 16,42% về khối lượng bình quân và 23.06% về giá trị bình quân so với tháng 11.

Giao dịch bình quân phiên chứng quyền có bảo đảm đạt hơn 21,05 tỷ đồng

Năm 2022, thanh khoản giao dịch của CW ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân phiên là 32,36 triệu CW, tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 21,05 tỷ đồng.

Trong tháng 12/2022, khối lượng giao dịch bình quân chứng quyền có bảo đảm (CW) đạt khoảng 37,16 triệu CW với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 11,13 tỷ đồng; tương ứng giảm 10,48% về khối lượng bình quân và tăng 36,61% về giá trị bình quân so với tháng 11/2022.

Tổng khối lượng và giá trị giao dịch CW trong tháng lần lượt đạt 817,55 triệu CW và 245,04 tỷ đồng, tương ứng giảm 10,48% về khối lượng và tăng 36,61% về giá trị giao dịch so với tháng 11/2022.

Giao dịch của khối ngoại chiếm hơn 7,9% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường

Số liệu của HOSE cho thấy, trong năm 2022, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 670.000 tỷ đồng, chiếm hơn 7,9% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng trong năm với giá trị hơn 23.604 tỷ đồng.

Bảng 3: Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 12/2022

Chỉ tiêu

Khối lượng giao dịch

Mua - Bán

Giá trị giao dịch (1000đ)

Mua-Bán

Tháng 12

Mua

Bán

 

Mua

Bán

 

1,370,114,245

909,920,160

460,194,085

37,038,127,705

25,125,701,178

11,912,426,527

Lũy kế đầu năm

9,331,901,430

8,320,117,455

1,012,101,925

346,368,749,843

322,764,329,769

23,604,420,073

Thay đổi

MoM (%)

-16,23%

-10,89%

 

-6,16%

2,37%

 

Thay đổi

YoY(%)

123,41%

29,86%

 

28,21%

-21,05%

 

 

Trong đó, riêng tháng cuối cùng của năm, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 62.163 tỷ đồng, chiếm hơn 10,03% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng trong tháng với giá trị hơn 11.912 tỷ đồng.

Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,01 triệu tỷ đồng

Xét về quy mô thị trường trên HOSE, tính đến hết ngày 30/12/2022, có 515 mã chứng khoán niêm yết trong đó gồm: 402 mã cổ phiếu, 03 mã chứng chỉ quỹ đóng, 11 mã chứng chỉ quỹ ETF và 99 mã chứng quyền có bảo đảm.

Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 141,29 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,01 triệu tỷ đồng, giảm gần 4,00% so với tháng trước, chiếm hơn 94% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 42,22% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).

Đến hết tháng 12/2022, trên HOSE có 37 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 01 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).