Ngăn chặn việc lợi dụng "luồng xanh" để đưa hàng hóa sai quy định vào trong nước

Gia Hân

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, ngành Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp, chẳng hạn như áp dụng khoa học, công nghệ trong việc xác định được lô hàng để hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng luồng xanh để đưa hàng hóa sai quy định vào Việt Nam.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. 
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. 

Tăng cường phối hợp với cơ quan biên phòng và công an để lập chuyên án

Theo đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, việc triển khai thủ tục hải quan điện tử đã thay đổi toàn diện, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đơn giản hóa hồ sơ hải quan, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nay, số lượng tờ khai hải quan được hệ thống phân luồng xanh chiếm tỷ trọng lớn, các thủ tục được thực hiện thông qua hệ thống thông quan tự động.

Tuy nhiên, đại biểu này phản ánh, một số doanh nghiệp đã lợi dụng hệ thống tự động phân khai luồng của hải quan, lợi dụng thời gian thông quan nhanh cho tờ khai luồng xanh để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đưa hàng kê khai không đúng, thậm chí đưa hàng cấm vào nước ta với nhiều phương thức, thủ đoạn.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hệ thống xuất nhập khẩu hiện nay có 3 luồng: luồng xanh; luồng vàng; luồng đỏ.

Đối với luồng xanh thì gần như thông quan tự động, có nghĩa là các hồ sơ chỉ được chuyển bằng hồ sơ điện tử và hàng hóa không bị kiểm tra. Theo Bộ trưởng, điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với các doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thông quan cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng không loại trừ, buông lỏng đối với những doanh nghiệp lợi dụng luồng xanh để đưa hàng hóa không đúng quy định vào trong nước.

 

Ngành Hải quan trong năm qua đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 15.993 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 12.476 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 40 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. 

“Chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp, chẳng hạn như áp dụng khoa học, công nghệ trong vấn đề xác định được lô hàng như dùng hệ thống camera soi từ xa, hay là dùng lực lượng tình báo tài chính để xác định từ sớm, từ xa và phân tích trên dữ liệu cũng như nhiều lĩnh vực khác để hạn chế tối đa vấn đề lợi dụng luồng xanh để đưa hàng hóa sai quy định vào Việt Nam”, Bộ trưởng khẳng định.

Liên quan đến giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đề cập, Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rất nỗ lực để thực hiện việc chống buôn lậu và gian lận thương mại. Theo Bộ trưởng, trong các vụ bắt giữ hàng lậu có cả hàng cấm, thậm chí cả ngà voi, tê tê hoặc các động vật theo sách cấm quy định. Về cơ bản, ngành Hải quan đã tăng cường phối hợp với cơ quan biên phòng và công an để có nhiều thông tin trao đổi và phối hợp xử lý, bắt giữ và lập các chuyên án đối với các chuyên án về hàng cấm để bắt giữ và xử lý một cách nghiêm minh.

Đã siết chặt các cửa khẩu để quản lý vàng, ngoại tệ nhập lậu

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh việc có nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến thị trường vàng Việt Nam. Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết vấn đề này thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, nghĩa là quản lý vùng biên giới để khi giá vàng, ngoại tệ của Việt Nam tăng cao, thì hàng lậu không tuồn vào Việt Nam. 

Ngành Hải quan tham gia triệt phá nhiều vụ án ma túy.
Ngành Hải quan tham gia triệt phá nhiều vụ án ma túy.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã siết chặt, tăng cường quản lý các cửa khẩu để quản lý vàng, ngoại tệ nhập lậu. Thời gian qua, đã bắt được một số vụ chuyển USD, ngoại tệ trong nước ra nước ngoài như chuyển đi Hàn Quốc, hay hiện đang điều tra, xử lý 3.700 tỷ đồng, hoặc vụ 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không.

Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến buôn bán ma túy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, ngành Hải quan đã phối hợp với cơ quan Công an và Biên phòng triệt phá rất nhiều vụ án ma túy lớn. Riêng đối với lực lượng hải quan của hàng không, thông qua hệ thống soi chiếu và các giải pháp nghiệp vụ khác đã phát hiện và bắt giữ 2,8 tấn ma túy.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan công an, cơ quan biên phòng và với các tỉnh để xác định, đưa ra giải pháp mới để đấu tranh với tội phạm ma túy, đặc biệt là qua đường hàng không, cảng biển, lối mở, các cửa khẩu...