Ngân hàng "miệt mài" rao bán bất động sản của khách để xử lý nợ xấu ứ đọng


Việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng phần nhiều phụ thuộc vào bất động sản. Rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng buộc ngân hàng phải liên tục rao bán hàng nghìn tài sản bảo đảm với mức chiết khấu hấp dẫn nhưng thanh khoản cũng không hề dễ.

Rao bán bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh, thành

Mới đây, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank AMC) ra thông báo đấu giá cùng lúc 11 căn nhà ở phố cổ Hội An.

Trong số đó có tài sản diện tích lên tới hơn 340m2. Giá đấu khởi điểm của các tài sản này thấp nhất là 8,5 tỷ đồng và cao nhất lên tới 71,179 tỷ đồng. Tổng giá trị của 11 tài sản đảm bảo tính theo giá khởi điểm lên tới hơn 252 tỷ đồng.

Theo Agribank AMC, đây đều là tài sản thế chấp cho các khoản vay tại Agribank chi nhánh Bắc TPHCM từ 2016 - 2018.

Cũng tại Hội An, VietinBank rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3 - 4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng. Trong đó có hai khách sạn 4 sao với quy mô 98 - 104 phòng được VietinBank chào đồng giá 420 tỷ đồng/khách sạn.

Ngoài ra, VietinBank cũng siết nợ hàng loạt khách sạn 4 - 5 sao, homestay, biệt thự tại các thành phố du lịch khác như Đà Nẵng, Nha Trang... Chẳng hạn, tại Đà Nẵng có một khách sạn 5 sao xây dựng trên diện tích hơn 1.200 m2, quy mô 236 phòng, được VietinBank chào bán với giá 600 tỷ đồng.

VietinBank cũng có thông báo về việc bán đấu giá lần thứ 4 khoản nợ hơn 560 tỷ đồng của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để thu hồi nợ vay. Toàn bộ dư nợ của Descon tại VietinBank được đảm bảo bằng 18 hợp đồng bảo đảm đã được ký kết trong giai đoạn từ 2015 - 2018. Trong đó, tài sản đảm bảo gồm quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon (phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai)…

Chỉ trong cuối tháng 10, MSB rao bán khoảng 20 tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của khách hàng để thu hồi nợ. Ví dụ như hai thửa đất có diện tích hơn 200m2 và tài sản gắn liền trên hai thửa đất này ở Quảng Nam của khách vay là Công ty TNHH phân phối Thái Dương được MSB đưa ra giá bán là 4,72 tỷ đồng.

Xử lý nợ xấu phần nhiều phụ thuộc vào bất động sản

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, hiện nay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và yếu tố khách quan, sẽ có nhiều ngân hàng thanh lý tài sản đảm bảo là các bất động sản hay tích sản. Dù giá trị của các tài sản này trên thị trường không rớt xuống thấp nhưng một số ngân hàng vẫn muốn thanh lý, thu hồi vốn để đảm bảo an toàn.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho rằng do tình hình kinh tế không mấy khả quan đã tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách hàng, khiến rủi ro nợ xấu gia tăng.

Để cứu vớt các khoản nợ xấu, ngân hàng phải “ráo riết” công bố danh sách ngày càng nhiều các bất động sản là tài sản thế chấp cho các khoản vay của khách hàng cần xử lý để thu hồi nợ. Trong đó phần lớn là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn 4 - 5 sao ở nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa, Kiên Giang.

Bên cạnh đó, cũng có nhà đầu tư “vỡ nợ”, bị ngân hàng phát mãi do không tính toán phương án tài chính hợp lý, lạm dụng đòn bẩy tài chính để đầu cơ nhà đất…

Việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng phần nhiều phụ thuộc vào bất động sản. Rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng buộc ngân hàng phải liên tục rao bán hàng nghìn tài sản bảo đảm với mức chiết khấu hấp dẫn nhưng thanh khoản cũng không hề dễ dàng.

TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận xét, có nhiều lý do khiến tài sản bất động sản được rao bán nhiều lần nhưng vẫn không thu hút người mua.

Phần lớn bất động sản phát mại đều là cao ốc văn phòng, đất nông nghiệp, nhà xưởng, kho bãi… của doanh nghiệp.

Những bất động sản này có giá trị lớn nhưng tính thanh khoản sẽ không cao bằng căn hộ, nhà phố. Nếu tài sản là nhà xưởng, máy móc gắn liền với bất động sản thì theo thời gian, các tài sản này sẽ xuống cấp, không còn hấp dẫn người mua. Dù tài sản đã được ngân hàng thẩm định kỹ trước khi cho vay nhưng vẫn có nguy cơ rủi ro pháp lý, các thủ tục xử lý tài sản này vẫn còn chậm so với mua trực tiếp từ chủ đầu tư…

VARS dự báo, trong thời gian tới, tỷ lệ nợ xấu sẽ có xu hướng tăng lên do thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, thanh khoản tài sản bất động sản phát mại sẽ có khả năng được cải thiện hơn.

Theo đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khuyến cáo, trong trung hạn, hợp lý nhất là phải xây dựng một luật chung để xử lý nợ xấu của nền kinh tế, trong đó trọng điểm là nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Còn trước mắt cần xem xét bổ sung một quy định mở rộng phạm vi áp dụng chương xử lý nợ xấu cho cả nền kinh tế.

Theo Thanh Hồng/vnbusiness.vn