Ngành Hải quan chú trọng xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Khánh Chi

Cùng với nỗ lực xây dựng Hải quan số và để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, phù hợp với chủ trương, kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ, của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về Hải quan trình Chính phủ…

Về Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan đã kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 09 nước thành viên ASEAN.
Về Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan đã kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 09 nước thành viên ASEAN.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1135/QĐ-BTC ngày 06/6/2023 phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tổng cục Hải quan, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, về ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thiện các hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ phục vụ làm thủ tục hải quan của người dân, doanh nghiệp, rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho người dân, doanh nghiệp thuộc nhóm 4 nước hàng đầu ASEAN; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện thủ tục hải quan thông qua các API.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thông tin trên Cổng thông tin điện tử Hải quan để phục vụ người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan trên nền tảng ứng dụng di động, trong đó đảm bảo 100% thủ tục hành chính (TTHC) có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau.

Theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục Hải quan tập trung hiện đại hóa và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình thông quan; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới; có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số.

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên, Tổng cục Hải quan đã, đang tập trung xây dựng và triển khai dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan giai đoạn 2023 - 2025; Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung.

Cùng với nỗ lực xây dựng Hải quan số và để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, phù hợp với chủ trương, kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ, của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về Hải quan trình Chính phủ.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trong những năm qua, Tổng cục Hải quan thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối với trên 6,4 triệu bộ hồ sơ của hơn 63 nghìn doanh nghiệp.

Về Cơ chế một cửa ASEAN, đã kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 09 nước thành viên ASEAN. Phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên để triển khai kết nối trao đổi tờ khai hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung (dự kiến kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2023). Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Để đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, tính đến nay trong số 219 TTHC do cơ quan Hải quan thực hiện, đã có 140 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 64%), 58 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 26,5%), 21 TTHC được cung cấp thông tin trực tuyến (chiếm 9,5%).

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện Hệ thống giám sát, quản lý hải quan và một số phần mềm để đưa vào áp dụng, gồm: Hệ thống tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử đối với hàng hóa nhập khẩu qua đường khẩu đường bộ, đường thủy nội địa; Phần mềm quản lý tem điện tử; Phần mềm quản lý kinh doanh hàng miễn thuế; xây dựng mẫu niêm phong hải quan để quản lý, giám sát đối với hàng hoá vận chuyển trong container lạnh; thống nhất với UBND các tỉnh biên giới đất liền thiết kế, quy hoạch tổng thể và phối hợp đầu tư trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan tại các cửa khẩu theo mô hình cửa khẩu số (cửa khẩu thông minh).

Đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan phê duyệt Đề án thí điểm nộp thuế điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhằm phát triển và gia tăng tiện ích cho người nộp thuế; đa dạng hóa phương thức nộp thuế điện tử đáp ứng Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, giảm thời gian nộp thuế, góp phần rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với Cổng thanh toán điện tử Hải quan. Đến nay, Tổng cục Hải quan triển khai thu thuế điện tử đạt trên 98% tổng số thu ngân sách của Ngành.