Cải cách thị trường tài chính khẩn trương hơn

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Hệ thống tài chính cần có sự đón lõng tình hình trong bối cảnh các đối tác của Việt Nam trong FTA mới rất mạnh và quan tâm tới lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là hướng tới cái đích quốc tế hóa tiền đồng.

Cần tách chức năng giám sát tài chính độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường tài chính để đảm bảo tính độc lập, khách quan. Nguồn: internet
Cần tách chức năng giám sát tài chính độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường tài chính để đảm bảo tính độc lập, khách quan. Nguồn: internet
Đây là quan điểm của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan tại Hội thảo “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế” do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức ngày 14/10 tại Hà Nội.

Mới là giải pháp tình thế

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cho rằng: Được ví như hệ thần kinh của nền kinh tế, thị trường tài chính thế giới đang trải qua quá trình tái cơ cấu một cách mạnh mẽ, sâu rộng và Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” đang thực hiện mới tập trung vào các vấn đề cấp bách là ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, lành mạnh hóa tình trạng tài chính, tập trung xử lý nợ xấu, tái cơ cấu tổ chức, quản trị hệ thống ngân hàng. Những biện pháp đó chủ yếu mới mang tính tình thế và ngắn hạn, chưa thấy được bức tranh tổng thể và dài hạn về quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính.

Còn đại diện cơ quan giám sát tài chính, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khẳng định: Đã tới lúc cần phải triển khai ngay quy chuẩn an toàn theo thông lệ quốc tế trong hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Đặc biệt, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo với sự liên thông của cả 3 khu vực ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp một cách thiếu minh bạch đã làm lệch lạc các dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế. Những hạn chế về minh bạch thông tin và chuẩn mực kế toán đã tạo điều kiện để sở hữu chéo, đầu tư chéo phát huy các mặt tiêu cực của nó.

Nhận xét về thị trường tài chính ngân hàng hiện tại, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) ra đời là tín hiệu đáng ghi nhận, nhưng thực tế đơn vị này vẫn còn chưa tháo gỡ được các khó khăn về xử lý nợ xấu, đặc biệt các khoản nợ liên quan đến thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản còn đang đóng băng và vướng mắc nhiều về pháp lý trong việc xử lý tài sản liên quan đến bất động sản.

Chính sách tiền tệ đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kết quả khả quan đạt được một phần do yếu tố khách quan. Việt Nam đang tận dụng đồng USD yếu để có biện pháp tăng lòng tin tiền đồng bằng cách giữ ổn định tỷ giá. Vấn đề đặt ra là nếu USD lên giá, liệu Việt Nam còn vừa giữ được lãi suất USD và giữ được tỷ giá không.

Phải đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu ra các vấn đề cần giải quyết để cải cách thị trường tài chính còn kém phát triển và dựa nhiều vào ngân hàng như ở Việt Nam. Đó là định vị mối quan hệ giữa ngân hàng với các thành tố khác của nền kinh tế, từ đó có sự phối hợp nhịp nhàng chính sách tiền tệ với tài khóa, giữa các tổ chức tín dụng với các thành tố khác của thị trường tài chính.

Đặc biệt, nguyên Phó Thủ tướng lưu ý nước ta đang đối mặt với làn sóng hội nhập sắp tới, trong đó có các cam kết liên quan đến các thị trường tài chính hùng mạnh trên thế giới, vì thế cần rà soát lại những “lệch chuẩn” của thị trường tài chính trong nước từ đó đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập. Nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, hệ thống tài chính cần có sự đón lõng tình hình, trong bối cảnh các đối tác của Việt Nam trong FTA mới rất mạnh và quan tâm tới lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là hướng tới cái đích quốc tế hóa tiền đồng.

Nhấn mạnh về việc quản lý sở hữu chéo, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, trên thế giới cũng xuất hiện tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng với nhau nên không thể nghĩ sở hữu chéo là không tốt. Tuy nhiên, mức độ sở hữu chéo thế nào để tránh lây lan rủi ro hệ thống và cần có sự quản lý chặt chẽ với đầy đủ chế tài. Nếu không sớm xây dựng lộ trình hội nhập và kiên quyết áp dụng theo chuẩn mực quốc tế thì khả năng bị tụt hậu, làm cho nền tảng tài chính của Việt Nam dễ xảy ra.

Theo ông Ngoạn, bản thân hệ thống định chế tài chính cũng phải có kiểm soát nội bộ tốt, đồng thời, hệ thống giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước cần giám sát tốt các định chế tài chính để đưa nó trở về khuôn khổ.

Còn ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng vẫn còn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính, bổ sung hành lang pháp lý cho sự phối hợp này. Việc phối hợp trong việc giám sát tài chính còn chậm chạp, hình thức.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia được thành lập nhưng chủ yếu giới hạn trong “tham mưu, tư vấn” cho lãnh đạo Chính phủ trong điều phối, giám sát thị trường tài chính quốc gia, không thực hiện chức năng đầu mối các cơ quan giám sát tài chính.

Do đó, theo ông Trần Kim Chung, cần khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về giám sát tài chính ở Việt Nam, không để tình trạng chồng chéo. Cần tách chức năng giám sát tài chính độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường tài chính để đảm bảo tính độc lập, khách quan. Cơ quan giám sát tài chính được chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, thực hiện các công cụ thị trường, hạn chế đến mức thấp nhất can thiệp hành chính vào quá trình vận hành thị trường.