Cần những giải pháp đột phá cho kinh tế Việt Nam năm 2013

TS. LÊ ÐÌNH ÂN - Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia

Trong điều kiện kinh tế thế giới, với những biến động mạnh mẽ, cùng xu thế tái cấu trúc kinh tế, bảo hộ hàng hóa nội địa của thế giới và kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn nhiều khó khăn trong năm 2013, thì để đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế năm 2013, đòi hỏi sự quyết tâm thực hiện những giải pháp mang tính đột phá cao và kiên trì thực hiện trong một vài năm tới.

Cần những giải pháp đột phá cho kinh tế Việt Nam năm 2013
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước hết, giải pháp căn bản là đổi mới tư duy và mạnh dạn đột phá trong khâu xây dựng các cơ chế, chính sách phục hồi kinh tế trong năm 2013 và đến năm 2015. Việc xây dựng các chính sách kinh tế hiện nay không nên gò bó vào xử lý tình huống trước mắt của năm 2013, quá thiên về giãn, hoãn thuế các loại cũng như không nên quá nặng về việc ban hành các văn bản hành chính áp đặt, lại càng không nên quá chú ý đến việc dùng các công ty nhà nước làm công cụ lan tỏa chính sách như hiện nay.

Ngược lại, việc xây dựng chính sách, giải pháp điều hành kinh tế trong tình trạng nền kinh tế Việt Nam đang "yếu sức khỏe" cần hướng tới chính sách trung hạn đến năm 2015 hoặc dài hơn. Cần có chính sách cho cơ chế thị trường nhằm tạo điều kiện cho kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được quyền bình đẳng thật sự, được cạnh tranh bình đẳng với các cơ sở kinh tế nhà nước, nhằm khởi động niềm tin trong sản xuất, kinh doanh cũng như thu hút được các nguồn lực khác góp phần phát triển đất nước.

Nên chăng cần xây dựng kế hoạch ba năm (kế hoạch trung hạn) nhằm phục hồi nền kinh tế Việt Nam và xử lý khẩn cấp các vấn đề nóng của nền kinh tế: tái cơ cấu, nợ xấu, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh... thay vì kế hoạch hằng năm như hiện nay.

Thứ hai, khẩn trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mặc dù điều kiện đang khó khăn, song phải tập trung chỉ đạo và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Tiến hành phân định, tách bạch quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương với việc quản lý sản xuất, kinh doanh; kiên quyết không để "Bộ chủ quản các doanh nghiệp".

Ðiều quan trọng hơn là đẩy mạnh sự nghiệp xã hội hóa, phát triển mạnh mẽ các dịch vụ công, không nên quá tập trung vào cơ quan nhà nước. Trong quá trình đổi mới vừa qua, chúng ta đã bỏ rất nhiều giấy phép "con", bãi bỏ quy định hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu... và hiện nay càng cần phải bỏ nhiều loại công việc mà Nhà nước không nên "ôm vào". Thay vào đó, Nhà nước tăng cường thông tin minh bạch, đưa ra các cảnh báo đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiểm tra, kiểm soát theo tiêu chí. Ðây là điều quan trọng, làm cơ sở cho thị trường phát triển, đẩy lùi tệ nạn quan liêu, bao cấp, nhũng nhiễu khiến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng xấu đi.

Thứ ba, trong tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như "lạm phát lõi" vẫn cao gấp hai lần tốc độ tăng GDP, nguồn hàng hóa lương thực, thực phẩm vẫn phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, thời tiết, dịch bệnh; hàng nhập lậu, hàng giả tràn lan... thì nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn phải được quan tâm hàng đầu và tập trung chỉ đạo trong năm 2013.

Cần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Trước mắt, phải phân loại doanh nghiệp để có chính sách ưu đãi phù hợp. Những doanh nghiệp đang hoạt động mà gặp khó khăn thì cần áp dụng phương thức cho vay bằng cách thẩm định hiệu quả từng dự án, không nên áp dụng phương thức vay thế chấp; nếu doanh nghiệp khó khăn về vốn lưu động thì áp dụng các chính sách giãn, hoãn thuế của Chính phủ đã ban hành. Tạo niềm tin sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp là khâu quan trọng hiện nay.

Nghiên cứu bỏ trần lãi suất huy động và cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tạo thông thoáng cho việc tiếp cận thị trường của ngân hàng thương mại cũng như các doanh nghiệp, không nên kéo dài mệnh lệnh hành chính về áp trần lãi suất làm cho việc huy động nguồn lực bị méo mó.

Thứ tư, thực hiện ngay việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành sản xuất, kinh doanh. Những việc nào làm được nên tổ chức và có văn bản thực hiện nhất quán; đặc biệt phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, xây dựng các vùng chuyên canh có chất lượng, đầu tư khoa học - công nghệ cao; không xuất khẩu mặt hàng thô, nguyên liệu...

Ðẩy nhanh việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng kể cả cách thức quản lý hiện nay của NHNN. Thiết lập lại quá trình phân bổ nguồn lực tài chính (kể cả vốn xây dựng cơ bản), muốn vậy phải củng cố chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch, coi kế hoạch trung hạn là công cụ quản lý quan trọng của Nhà nước.

Thứ năm, đổi mới tư duy, quan điểm về điều hành nền kinh tế. Ðặc biệt vấn đề trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm cá nhân cán bộ, công chức, sự phối hợp công tác trong điều hành và kỷ cương kỷ luật của bộ máy hiện nay cần được siết lại chặt chẽ hơn.

Trước mắt nên củng cố lại số liệu thống kê theo Luật Thống kê; số liệu ngân hàng; số liệu tài chính. Công khai đến mức cao nhất các số liệu trên và cả số liệu thực hiện hằng tháng của các DNNN để nghiên cứu và chỉ đạo, điều hành cũng như dự báo tốt hơn, chính xác hơn.

Triệt để tiết kiệm trong chi tiêu, trong phân bổ ngân sách, đã đến lúc phải có quyết định mạnh mẽ về xử lý những hành vi lãng phí của cải của nhân dân, tài nguyên của đất nước.

Với sự nỗ lực của Ðảng, Nhà nước, với những đổi mới cơ bản về tư duy quản lý kinh tế, hy vọng tình hình kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc trong năm 2013 và những năm sau.