Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 2016 - 2020: Cần thay đổi cách tiếp cận

Theo daibieunhandan.vn

Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo suốt 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, giảm nghèo giai đoạn vừa qua gặp nhiều khó khăn và thách thức như: Vấn đề phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cơ sở; sự tham gia của người dân trong giảm nghèo; chồng chéo trong chính sách...

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Chuyển đổi phương thức hỗ trợ

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung nguồn lực, chỉ đạo, chính sách cho vùng dân tộc thiếu số, xã, huyện đặc biệt khó khăn, địa phương ven biển hải đảo…

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên trên cả nước. Giảm nghèo vừa tập trung thực hiện cải thiện cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn, thúc đẩy phát triển sinh kế, tạo thu nhập cho người dân. Đồng thời tạo cơ hội cho người dân, người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đánh giá về chương trình, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Chương trình giảm nghèo là 1 trong những chương trình mục tiêu quốc gia trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020. Chính vì vậy, trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cần rà soát lại hệ thống chính sách, thay đổi một số chính sách.

Một trong những thay đổi chính là cần quan tâm nhiều đến sản xuất, bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng. Giai đoạn trước đánh giá hợp phần sản xuất chưa được quan tâm đúng mức.

Trên thực tế, việc triển khai chính sách giảm nghèo theo 4 phương thức:

Một là,tập trung hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình tiền, hiện vật (cây con giống, đất, chuồng trại, phát triển các mô hình liên kết…).

Hai là,hỗ trợ tín dụng, đây là phương thức chủ yếu, thông qua ngân hàng CSXH. Hỗ trợ theo phương thức thứ 3 là các chính sách khuyến khích phát triển. Phương thức thứ 4 là hỗ trợ thông qua các mô hình kinh tế để nhân rộng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ người nghèo sản xuất đạt kết quả không được như mong muốn. Hỗ trợ hiện vật cho bà con đã tạo ra sức ỳ, không phát huy được sự tham gia của người nghèo. Người nghèo không được bàn bạc, mà thường là huyện mua gà, dắt dê phát cho từng nhà… Từ tính thụ động như vậy nên ý thức quan tâm của chính người nghèo về những hiện vật được hỗ trợ không cao, làm chăng hay chớ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng thừa nhận: Chính chúng ta làm thay họ nhưng nhiều khi chúng ta không hiểu phong tục tập quán, thiên nhiên khí hậu, địa hình… đưa chính sách vào triển khai không trúng, không hiệu quả. Các mô hình đưa xuống: năm nào, ở đâu, giải ngân xong là xong, thiếu theo dõi, quản lý để nhân rộng. Do đó, tới đây nên chuyển đổi phương thức hỗ trợ: từ cho không chuyển sang hỗ trợ cho vay, cho mượn.

Từ những bất cập, hạn chế trên, để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, hiện nay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng và cho lấy ý kiến dự thảo “Quyết định ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG)”.

Theo dự thảo, cộng đồng dân cư thụ hưởng kết quả từ các dự án, công trình thuộc chương trình MTQG có các quyền và nghĩa vụ: được chính quyền địa phương cung cấp thông tin kịp thời và công khai về chủ trương, chính sách, kết quả lựa chọn, thứ tự ưu tiên các dự án/công trình thuộc chương trình MTQG trên địa bàn.

Đóng góp ý kiến vào phương án quy hoạch khu dân cư, đề án định canh, định cư vùng kinh tế mới; kế hoạch, dự án huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, người dân được tham gia vào quá trình thực hiện các chương trình MTQG, từ khâu xây dựng kế hoạch, đến khâu tổ chức thực hiện.

Nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng

Theo các chuyên gia, từ những yêu cầu thực tiễn và bài học kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng, hơn lúc nào hết, yêu cầu phát huy nội lực của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững nên được coi là cách tiếp cận hợp lý trong giai đoạn mới.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ NN - PTNN, TS. Đặng Kim Sơn: song song với việc tiếp thêm các nguồn tài trợ mới cho cư dân nông thôn và người nghèo thì điều quan trọng là khơi dậy tinh thần chủ động và sáng tạo cộng đồng nơi họ sinh sống, từ đó kích hoạt các nguồn nội lực hiện có, phát huy hiệu quả nhất sự hỗ trợ từ bên ngoài.

“Hiện bản thân nông dân chưa đóng vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông thôn mới vẫn là chỉ đạo từ trên là chính. Vì vậy, trong thiết kế chính sách thời gian tới, ý kiến của người dân là vô cùng quan trọng. Chỉ khi người dân được tham gia về lập kế hoạch, tài chính, đặc biệt các chương trình về phát triển nông thôn mới phải có sự tham gia của cộng đồng mới xử lý được vấn đề nghèo một cách gốc rễ” - TS. Đặng Kim Sơn để xuất.

Theo khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là gần 46.000 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động nguồn viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 2.000 tỷ đồng. Chương trình dự kiến sẽ gồm 5 dự án thành phần, trong đó bao gồm nhiều tiểu dự án: Dự án Chương trình 30a; Chương trình 135; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 5 là nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình.