Dạy nghề: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

PV.

(Taichinh) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình quốc tế hoá sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu sắc, việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu đối với các nền kinh tế; chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh và sự thành công của mỗi quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phát triển dạy nghề theo hướng xã hội hóa

Việc mở cửa thị trường lao động tạo ra sự dịch chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi các quốc gia phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình; mặt khác, đòi hỏi người lao động phải có năng lực cạnh tranh cao. Người lao động phải thường xuyên câp nhật kiến thức, kỹ năng nghề và phải có năng lực sáng tạo, có khả năng thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của công nghệ và đòi hỏi người lao động phải học tập suốt đời.

Hiện nay, hầu hết các nước đã chuyển đào tạo từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động. Chương trình việc làm toàn cầu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), đã khuyến cáo các quốc gia tổ chức đào tạo nghề linh họat theo nhu cầu của thị trường lao động, nhằm tạo việc làm bền vững.

Đây là thách thức rất lớn đối với Việt Nam vì hiện nay chất lượngnguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn rất thấp.

Trước yêu cầu đó, Đảng và Nhà nước cũng có nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy, tạo điều kiện cho công tác dạy nghề được phát huy mạnh mẽ, tạo nguồn lực lao động tay nghề cao, để đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ hội nhập quốc tế.

Năm 2014, lĩnh vực dạy nghề đã tuyển mới 2,023 triệu người, đạt 113,7% kế hoạch, mạng lưới dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa. Đến cuối năm 2014, cả nước có 1.465 cơ sở dạy nghề, gồm: 173 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề và 991 trung tâm dạy nghề.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được đầu tư tập trung, đồng bộ theo các nghề trọng điểm. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và từng bước hội nhập quốc tế, ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người học nghề.

Cơ chế liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh về nông, lâm, ngư nghiệp, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động.

Đặc biệt, đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được khẳng định, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập; có trên 30% người lao động sau học nghề đã tìm được việc làm mới hoặc đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác sau học nghề.

Ngoài hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách liên quan đến lao động thì đào tạo nghề, thị trường lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm... cũng rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2015 và một số năm tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Chúng ta cần đánh giá, so sánh hiệu quả giữa hệ thống trường công, trường tư như thế nào, từ đó xây dựng lộ trình, hướng sắp xếp căn bản hệ thống dạy nghề một cách thiết thực, tiết kiệm nhất”. Vì sao các trường nghề tư thục phải đầu tư cả về cơ sở vật chất mà có những trường làm rất tốt, trong khi đó, trường công của chúng ta có cơ sở vật chất, giáo viên được tạo điều kiện nhưng hoạt động không hiệu quả? “Phải nhìn thẳng vào sự thật, tập trung rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường nghề, trung tâm dạy nghề và sàn giao dịch việc làm theo hướng không thể tiếp tục bao cấp tràn lan, không hiệu quả. Cùng với đó là đẩy mạnh giao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường nghề công lập, triển khai đề án xây dựng trường nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, công nhận bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân thực hành...”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để nâng chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, hệ nghiên cứu, hàn lâm thì phải đầu tư lâu dài vào những nhà khoa học đầu ngành, hệ thống phòng thí nghiệm...Thế nhưng hệ thống trường nghề, thực hành có thể tập trung đổi mới rất nhanh khi gắn với doanh nghiệp, có thể thấy ngay hiệu quả. “Việt Nam dẫn đầu trong Kỳ thi tay nghề ASEAN 2014 nhưng chất lượng lao động của ta vẫn còn khoảng cách với các nước ASEAN. Điều này buộc chúng ta phải phấn đấu đưa chất lượng nguồn nhân lực tiến tới thứ bậc giống như trong thi tay nghề ASEAN, đây là nhiệm vụ dài hơi nhưng phải nỗ lực thực hiện”.

Cơ chế đối với cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, Nghị định quy định rõ về thời gian, vốn đầu tư, điều kiện cơ sở vật chất để hoạt động đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đó, thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày cho phép thành lập. Trong trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn, nhưng không quá 70 năm.

Nghị định cũng quy định rõ về thời gian, vốn đầu tư, điều kiện cơ sở vật chất để hoạt động đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, về vốn đầu tư, Nghị định nêu rõ, dự án đầu tư thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư xin mở phân hiệu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất là 60 triệu đồng/người học (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ số lượng người học quy đổi toàn phần thời gian tại thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất.

Dự án đầu tư thành lập trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài; dự án đầu tư xin mở phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất là 100 triệu đồng/người học (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất, nhưng không thấp hơn 100 tỷ đồng.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định trên.

Nghị định cũng nêu rõ điều kiện về cơ sở vật chất như diện tích đất xây dựng, số phòng học, hội trường, phòng làm việc, khu hành chính, thư viện, ký túc xá, trang thiết bị dạy học... Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động từ 20 năm trở lên tại Việt Nam phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phải được UBND cấp tỉnh đồng ý về việc giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Còn nếu đăng ký hoạt động dưới 20 năm không phải xây dựng cơ sở vật chất riêng, nhưng phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận thuê trường, lớp, nhà xưởng, các diện tích phụ phù hợp và ổn định trong thời gian ít nhất là 5 năm.