Đến lúc chấm dứt những siêu dự án “trên giấy”!

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Câu chuyện tỉnh Bình Định vừa quyết chấm dứt thu hút dự án lọc hoá dầu của Tập đoàn PTT (Thái Lan) vào Khu kinh tế Nhơn Hội là một điển hình của những siêu dự án tỷ đô thiếu khả thi, chỉ mới nằm “trên giấy” nhưng các cơ quan quản lý phải “lao tâm khổ tứ” rất nhiều. Như khuyến cáo từ trước của giới chuyên gia, bài học cảnh giác từ những dự án “không tưởng” là không thừa.

Việc Bình Định vừa quyết chấm dứt thu hút dự án lọc hoá dầu của Tập đoàn PTT (Thái Lan) là một điển hình của những siêu dự án tỷ đô thiếu khả thi. Nguồn: baodautu.vn
Việc Bình Định vừa quyết chấm dứt thu hút dự án lọc hoá dầu của Tập đoàn PTT (Thái Lan) là một điển hình của những siêu dự án tỷ đô thiếu khả thi. Nguồn: baodautu.vn

Nhìn từ vụ chấm dứt siêu dự án lọc dầu “trên giấy” ở Khu kinh tế Nhơn Hội, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng (Viện Kinh tế và Quản lý TP. Hồ Chí Minh) cho rằng đây là bài học thấm thía về thu hút đầu tư và tính khả thi của các siêu dự án tỷ đô mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng như các địa phương cần phải lưu ý trong hiện tại và tương lai.

Thà muộn còn hơn không

“Thà chấm dứt muộn màng còn hơn cứ dây dưa khi đã nhìn rõ cái bánh vẽ chỉ là ảo tưởng”, nhiều nhận định tỏ ra hoan nghênh thái độ rất kiên quyết của tỉnh Bình Định khi quyết định chấm dứt siêu dự án này.

Cách đây 4 năm, khi mới công bố quyết định đầu tư, siêu dự án Lọc hóa dầu (Victory) Nhơn Hội do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan (PTT), đối tác chiến lược Saudi Aramco (Saudi Arabia) và các đối tác khác làm chủ đầu tư, đã gây chú ý của dư luận với diện tích 2.000ha, tổng mức đầu tư cam kết trên 28 tỷ USD, công suất 20 triệu tấn một năm.

Khi hoạt động, nó được dự kiến đóng góp 30 – 40% vào GDP tỉnh Bình Định và sẽ đóng góp 3-4% GDP cả nước. Dự án còn được kỳ vọng góp phần giải quyết việc cho khoảng 30.000 lao động trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp.

Về phía tỉnh Bình Định, dù dư luận còn đang bàn cãi về siêu dự án này, vẫn quyết tâm “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư với việc cam kết gấp rút bàn giao hơn 1.400ha mặt bằng sạch. Để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh này còn kiến nghị Chính phủ đưa Khu kinh tế Nhơn Hội vào danh mục khu kinh tế trọng điểm, áp cơ chế ưu đãi vốn đầu tư công trình hạ tầng cấp bách…

Thế nhưng, từ năm 2012 cho đến nay, siêu dự án này vẫn chỉ dừng lại ở những quy hoạch trên giấy và con số khủng được điều chỉnh từ 28 – 30 tỷ đã giảm dần xuống 22 tỷ USD và gần đây tiếp tục giảm xuống 20 tỷ USD. Nhưng rốt cuộc, UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa nhận được hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký cho siêu dự án này.

Trong khi đó, để phục vụ cho siêu dự án lọc dầu, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển hàng không, Thủ tướng cũng đã phê duyệt việc nâng cấp sân bay Phù Cát (huyện Phù Cát, Bình Định).

Trách nhiệm thuộc về ai?

Lãnh đạo Bình Định cho biết gần hai tháng trước, địa phương này cũng đã ra “tối hậu thư” cho nhà đầu tư là Tập đoàn PTT về tiến độ của siêu dự án lọc dầu này.

Trong đó nhấn mạnh, nếu đến cuối tháng 6/2016, PTT không có động thái cải thiện tích cực thì Tỉnh buộc phải yêu cầu rút lui, dừng dự án. Đến thời điểm này, phía PTT vẫn chưa có hồi âm gì về yêu cầu của tỉnh Bình Định.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng chia sẻ thêm, với các siêu dự án tỷ đô tương tự như dự án Lọc hóa dầu (Victory) Nhơn Hội, tiến độ đầu tư phải phù hợp với những cam kết đã được thoả thuận giữa nhà đầu tư và phía Việt Nam. Trách nhiệm trước tiên trong việc theo dõi tiến độ đầu tư này phải thuộc về Bộ Kế hoạch & Đầu tư và chính quyền địa phương.

Theo ông Dũng, trong vấn đề pháp lý, nhất là Luật Đầu tư, khi đề cập đến nhà đầu tư nước ngoài, cần phải có những điều chỉnh thêm để đưa các siêu dự án tỷ đô “trên giấy” vào vòng kiểm soát của luật để không ảnh hưởng, gây thiệt hại đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, không chỉ siêu dự án Lọc hóa dầu (Victory) Nhơn Hội “tan vỡ” sau thời gian dài tỉnh Bình Định chờ đợi mà thời gian qua đã có một loạt các siêu dự án tỷ đô “trên giấy” khác ở khắp cả nước cũng có một kết quả “chấm dứt” như vậy.

Điển hình gần đây nhất là siêu dự án thép hàng tỷ USD được khởi công năm 2007 nhưng đến nay hàng trăm ha đất vẫn bỏ hoang gây khó khăn cho người dân lẫn doanh nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).

Vào tháng 6/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết có đầy đủ điều kiện để ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án này với phía công ty TNHH Guang Lian. Dự án thép Guang Lian Dung Quất ban đầu được cấp giấy chứng nhận năm 2006, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn ban đầu 556 triệu USD.

Sau đó, dự án này nhiều lần điều chỉnh quy mô, công suất thiết kế lên 4,5 tỷ USD, công suất 7 triệu tấn. Nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã giải tỏa, bàn giao 337 ha đất.

Đến tháng 7/2015, Guang Lian đã gửi văn bản lên tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận không thể thu xếp được nguồn tài chính tiếp tục thực hiện dự án. Công trình do đó đã dừng hoạt động từ giữa năm 2014 đến nay.

Tính đến tháng 9/2014, dự án mới đầu tư được 42 triệu USD, trong đó ngân sách nhà nước đã tạm ứng 175 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng sạch.

Nói như chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, phải làm rõ trách nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài trong các siêu dự án lỡ dở như thế này, thậm chí phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho Nhà nước.