Doanh nhân Việt: Giấc mơ “Made in Vietnam”

Theo laodong.com.vn

“Hiện giờ, giấc mơ “Made in Vietnam” đang nằm trong tay doanh nghiệp FDI. Các doanh nhân Việt Nam đang loay hoay xung quanh giấc mơ này”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.

Hiện nay một số tập đoàn lớn trên thế giới đang có xu hướng thay thế người lao động bằng máy móc tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới, công nghệ nano, in 3D…
Hiện nay một số tập đoàn lớn trên thế giới đang có xu hướng thay thế người lao động bằng máy móc tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới, công nghệ nano, in 3D…

Giấc mơ hàng “Made in Vietnam” trong tay doanh nghiệp FDI

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay một số tập đoàn lớn trên thế giới đang có xu hướng thay thế người lao động bằng máy móc tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới, công nghệ nano, in 3D… với chi phí ngày càng giảm. 

Mới đây, Tập đoàn công nghệ, đầu tư hàng đầu Foxconn vừa quyết định sử dụng 6 vạn tay máy công nghiệp cho việc thiếu công nhân bản địa ở Trung Quốc và việc Nike, Adidas quyết định trở lại đầu tư tại California - Hoa Kỳ và CHLB Đức để gần với các trung tâm thiết kế, nghiên cứu và thị trường tiêu dùng là những dấu hiệu cho chuyển dịch công nghệ và đảo chiều của thương mại quốc tế đối với các sản phẩm công nghiệp.

Điều đó đồng nghĩa với việc các quốc gia có lợi thế về lao động giá rẻ như Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh, người lao động mất việc làm.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đó, Giám đốc ILO Việt Nam, ông Chang Hee Lee nhận định “Các doanh nghiệp Việt Nam nằm ở điểm cuối thấp trong chuỗi giá trị sản xuất, công nghệ lạc hậu. Nếu VN không cải thiện năng suất lao động thì khó có thể cạnh tranh.

Các doanh nghiệp và chính phủ cần nỗ lực cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trong khu vực. Sự hội nhập toàn cầu đưa ra thách thức về tiêu chuẩn lao động quốc tế”.

“Hiện giờ, giấc mơ “Made in Vietnam” đang nằm trong tay doanh nghiệp FDI. Các doanh nhân Việt Nam đang loay hoay xung quanh giấc mơ này.

Nhìn vào rổ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chúng ta tự hào vì không chỉ có da giày, dệt may, nông sản mà còn có điện tử, điện thoại… Nhưng phải chăng đó là sự hoành tráng bề ngoài, khi mà những công đoạn của ngành điện tử tại Việt Nam phần nhiều là thấp nhất của chuỗi sản xuất, sử dụng lao động đơn giản.

Ngành điện tử hay dệt may cũng không khác nhau mấy. Mở rộng ra cả ngành công nghiệp, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở công đoạn là khai thác tài nguyên và lắp ráp”, ông Lộc cho biết.

“Người Việt không nên trở thành kẻ làm thuê…”

Trao đổi với PV Báo Lao Động sáng ngày 11/10, ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Tuyên Quang cho biết: “Cần tuyên truyền quảng bá rộng rãi để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, như vậy, mới có cầu khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa.

Các doanh nghiệp sản xuất mà không tiêu thụ được thì phá sản. Khi đó các doanh nghiệp sẽ không thể làm chủ mà chỉ còn nước làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài trên chính đất nước của mình”.

Làm thế nào để hàng hóa “Made in Vietnam” xây dựng được thương hiệu đủ sức cạnh tranh từ kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán ngay tại thị trường trong nước và xuất khẩu? Theo ông Thập, “Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới, nâng cao môi trường công nghệ để sản xuất sản phẩm tốt, giá thành hạ thì mới có thể cạnh tranh được.

Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam không phải ở Châu Âu, Châu Mỹ hay Trung Quốc mà chính tại các nước láng giềng Đông Nam Á. Mọi người cứ sợ hàng hóa Trung Quốc nhưng tôi nghĩ cái sợ chính là hàng hóa Thái Lan vì hàng hóa của họ có mẫu mã, kiểu giá đẹp, giá cả hợp lý. Đặc biệt là khi cộng đồng ASEAN cho hiệu lực thì hàng hóa các nước láng giềng sẽ tràn vào Việt Nam”.

Ông Nguyễn Hữu Thập cho rằng, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ biết sản xuất và bán hàng hóa chứ không biết giá trị thương hiệu là gì. Giá trị thương hiệu của doanh nghiệp rất lớn, để xây dựng được thương hiệu thì sản phẩm cần có thị phần lớn trên thị trường, có chỗ đứng và người tiêu dùng tin dùng.

Các doanh nghiệp cần đầu tư vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm để dần xây dựng hàng hóa Việt Nam, khuyến khích người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.