Đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII

PGS.,TS. Nguyễn Trường Giang - Bộ Tài chính

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19 - NQ/TW về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị quyết này khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các đơn vị sự nghiệp công lập trong nền kinh tế quốc gia và việc đổi mới cơ chế hoạt động trở thành yêu cầu bức thiết, cấp bách trong bối cảnh việc đảm bảo chi ngân sách nhà nước để duy trì hệ thống các đơn vị sự nghiệp, tác động tới điều chỉnh cơ cấu ngân sách theo hướng tăng chi thường xuyên và giảm chi đầu tư.

Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công

Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị đề cập tới nội dung đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập như Văn kiện Đại hội Đảng khóa XI, XII, Kết luận số 37/TB-TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị, Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) và Kết luận số 63 KL/TW ngày 27/5/2013 Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020…

Tuy nhiên, với nghị quyết 19 - NQ/TW, đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết riêng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập với đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, đội ngũ nhà giáo và các nhà văn hoá đã có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Số lượng đơn vị và nhân lực làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta rất lớn. Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập, sử dụng trên 2,4 triệu người làm việc.

Trong số các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp giáo dục, đào tạo có 41.800 đơn vị, chiếm 72,08% số lượng đơn vị và sử dụng 1.527 nghìn người làm việc (chiếm 62,54% về số lao động); Tiếp đó là các đơn vị sự nghiệp y tế có 6.160 đơn vị, chiếm 10,62% và sử dụng 402 nghìn người (chiếm 16,49% về số lao động). Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, tính đến cuối năm 2016, tổng giá trị tài sản do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý và sử dụng trên phạm vi cả nước chiếm 72,18% tổng giá trị tài sản công.

Bên cạnh những tác động tích cực như nâng cao số lượng, chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, việc đảm bảo chi ngân sách nhà nước (NSNN) để duy trì hệ thống các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đã tác động nhất định tới điều chỉnh cơ cấu ngân sách theo hướng tăng chi thường xuyên và giảm chi đầu tư. Giai đoạn 2006 - 2010, tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng tăng từ mức 52,5% tổng chi NSNN năm 2006 lên 58% năm 2010 và đến giai đoạn 2011- 2015 có xu hương tăng mạnh, bình quân chiếm khoảng 67% tổng chi NSNN.

Tương ứng, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bố trí trong dự toán NSNN bình quân giai đoạn 2011-2015 khoảng 18%, thấp hơn giai đoạn 2006-2010 (bình quân 24,4%). Phần lớn số lượng lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập đều hưởng lương từ nguồn NSNN, tạo áp lực rất lớn cho NSNN khi thực hiện đổi mới chính sách tiền lương.

Thực tế này cho thấy, cần tăng quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập, để cơ cấu lại NSNN, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công trong việc sử dụng tài sản, NSNN; nâng cao số lượng và chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, cải thiện đời sống cho người lao động như Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, nay được thay bằng Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công nghệ công lập. Trong đó, các văn bản quy định:

- Phân biệt rõ trách nhiệm của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, cụ thể, Nhà nước hỗ trợ NSNN đối với các dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Đối với những loại hình dịch vụ sự nghiệp công không thiết yếu, không nằm trong danh mục NSNN sẽ không hỗ trợ.

- Ban hành lộ trình tính giá cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo nguyên tắc thị trường, đặt mục tiêu đến năm 2020 các đơn vị sự nghiệp công tính đủ chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ công trong giá dịch vụ, tự cân đối được thu, chi. Điều này tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ thực sự trong việc tính toán các chi phí đầu vào, đầu ra theo cơ chế hoạt động của doanh nghiệp và có giải pháp thu hồi chi phí để tái đầu tư cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phát triển đơn vị sự nghiệp và đảm bảo đời sống cho người lao động.

- Chuyển đổi cơ chế cấp phát kinh phí cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo dự toán sang hình thức đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình dịch vụ, tiến tới đấu thầu trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Từng bước chuyển việc hỗ trợ các đối tượng chính sách trong sử dụng dịch vụ sự nghiệp công thông qua việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cung cấp dịch vụ bù giá cho các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công, sang việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng chính sách để mua dịch vụ sự nghiệp công theo giá thị trường tính đủ chi phí.

Đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII - Ảnh 1

Việc thay đổi này đã tạo điều kiện và buộc các đơn vị sự nghiệp công lập phải thay đổi phương thức hoạt động, đổi mới cơ chế tổ chức, hoạt động; Chấp nhận cơ chế cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch với các đơn vị cung cấp dịch vụ công khác; Các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập trên nguyên tắc chất lượng, hiệu quả theo cơ chế thị trường, trên cơ sở đó khuyến khích xã hội hóa, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, giảm nhẹ gánh nặng cho NSNN.

- Nâng cao vai trò của cơ quan nhà nước trong việc ban hành các danh mục sự nghiệp công sử dụng NSNN, tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Tính đến cuối năm 2016, có 57.171 đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao cơ chế tự chủ tài chính theo các mức độ khác nhau, cụ thể như: (i) Tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư có 123 đơn vị, chiếm tỷ lệ 0,22%; (ii) Tự bảo đảm chi thường xuyên có 1.934 đơn vị, chiếm 3,38%; (iii) Tự đảm bảo một phần chi thường xuyên có 12.968 đơn vị, chiếm 22,68%; Số còn lại 41.146 đơn vị, chiếm 73,73% do NSNN đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động.

Tác động của đổi mới chính sách đến các đơn vị sự nghiệp công lập

Quá trình đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua đã đạt một số kết quả tích cực:

- Các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ tài chính, đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí NSNN giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; đồng thời, chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công (khám chữa bệnh, đào tạo...), phát triển nguồn thu;

- Tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp chủ động sử dụng nguồn lực tài chính, lao động, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao; Chủ động phân bổ nguồn tài chính của đơn vị theo nhu cầu chi tiêu đối với từng lĩnh vực trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực hiệu quả.

- Trên cơ sở mở rộng các hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu, cùng với nguồn kinh phí NSNN giao đã từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội; Tạo điều kiện cho người dân ngày càng có nhiều cơ hội được lựa chọn, tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng ngày càng cao.

- Từng bước giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của cơ quan quản lý cấp trên; Tăng cường phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về: mua sắm, sửa chữa, thanh lý tài sản; Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; Bước đầu rà soát lại chức năng nhiệm vụ của cơ quan hành chính đối với đơn vị sự nghiệp và từng bước xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các hoạt động sự nghiệp.

- Cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; Nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động sự nghiệp; Yêu cầu về công khai, minh bạch trong tổ chức sắp xếp công việc, nhân sự, chi tiêu tài chính được thực hiện; Tạo không khí đoàn kết, phấn khởi trong nội bộ đơn vị.

- Thu nhập bình quân của người lao động từng bước được cải thiện, việc chi trả thu nhập cho từng người lao động trong đơn vị do Thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ gắn với hiệu suất công tác, góp phần thu hút nguồn lao động có trình độ cao vào làm việc tại các đơn vị; Hạn chế nạn chảy máu chất xám của các đơn vị sự nghiệp công.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện nâng cao quyền tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn gặp một số tồn tại, hạn chế sau:

- Một số bộ, ngành quản lý ngành, lĩnh vực chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành đồng bộ với việc trao quyền tự chủ về tài chính.

- Tự chủ về bộ máy: Theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế. Tuy nhiên, thực tế các đơn vị chưa được tự quyết định biên chế, cơ quan chủ quản cấp trên vẫn giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho đơn vị, đã hạn chế tính tự chủ của đơn vị. Điều này dẫn đến có trường hợp giao nhiều biên chế, bộ máy cồng kềnh, trong khi nguồn thu của đơn vị không tăng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, thu nhập tăng thêm của cán bộ trong đơn vị… mà thực tế đơn vị chỉ cần ký hợp đồng thuê, khoán một số công việc không cần thiết bố trí biên chế thường xuyên.

- Việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định, tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng hoạt động sự nghiệp của đơn vị khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn nhiều lúng túng, chưa có hệ thống đánh giá kết quả hoạt động thích hợp với đặc thù của từng ngành.

- Một số đơn vị sự nghiệp công lập khi mở rộng hoạt động dịch vụ (liên doanh, liên kết trong hoạt động) còn chạy theo số lượng dịch vụ mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu.

- Thu nhập của người lao động giữa các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động (không khống chế thu nhập); Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động (tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương cấp bậc chức vụ); Đơn vị sự nghiệp do NSNN bảo đảm toàn bộ chi phí (tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương cấp bậc chức vụ) có sự chênh lệch lớn; Chưa phản ánh đúng sự đóng góp của người lao động vì chủ yếu do yếu tố về địa bàn, lĩnh vực hoạt động hoặc ưu đãi của cơ chế đem lại: Các đơn vị có thu nhập cao chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, nguồn thu chủ yếu từ phí do Nhà nước ban hành; một số đơn vị có ngành nghề độc quyền…

- Một số đơn vị khi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ còn mang tính hình thức, chưa quy định cụ thể, rõ ràng một số nội dung chi, mức chi, thiếu các biện pháp quản lý, tăng thu, tiết kiệm chi, vì vậy hạn chế tính chủ động và hiệu quả của quy chế chi tiêu nội bộ, nguyên nhân trình độ tham mưu của một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý tài chính - kế toán của đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế.

- Công tác báo cáo về tình hình triển khai và kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu, nhiều bộ, ngành địa phương báo cáo chậm so với thời gian quy định, số liệu báo cáo không đầy đủ.

Giải pháp đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Giáo dục nghề nghiệp; Y tế; Văn hóa, thể thao, du lịch; Thông tin truyền thông, báo chí. 

Thứ hai, tăng cường quản lý biên chế.

- Nhà nước chỉ giao biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có vai trò phục vụ công tác quản lý nhà nước; Xác định số lượng, nhu cầu, phân loại viên chức theo vị trí việc làm; Đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên.

- Nhà nước không giao biên chế và kinh phí theo biên chế cho các đơn vị sự nghiệp công cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Chi phí lao động đối với các đơn vị này được tính toán căn cứ vào các định mức kinh tế kỹ thuật về nhân công và kết cấu trong giá cung cấp dịch vụ

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế tài chính.

- Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng Nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời cần gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN, giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích luỹ.

- Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát NSNN. NSNN bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, khám chữa các bệnh phong, lao, tâm thần...) và đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

- NSNN chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; Chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Thứ tư, phân định rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao với hoạt động kinh doanh dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập: Các bộ, ngành tập trung hoàn thành việc xây dựng danh mục sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc ngân sách tỉnh, thành phố theo nguyên tắc: Đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước bảo đảm kinh phí; Đối với các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện; Đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia; Đối với các dịch vụ khác thì đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế xã hội hoá, huy động sự tham gia cung ứng của các thành phần kinh tế.

Thứ năm, căn cứ vào danh mục sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan nhà nước được giao quản lý NSNN trong cung cấp dịch vụ công tiến hành rà soát lại việc cấp kinh phí NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng quản lý theo hướng: 

- Đối với các đơn vị sự nghiệp cung cấp các sản phẩm dịch vụ công không nằm trong danh mục sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thì cắt giảm, tiến tới không giao dự toán chi NSNN. Các đơn vị này cần tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ vào giá dịch vụ và duy trì hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối, lấy thu, bù chi.

Các đơn vị đã bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyền quyết định số lượng người làm việc, tiền lương theo kết quả hoạt động, được Nhà nước hỗ trợ về thuế, phí để tăng cường năng lực tài chính và khả năng tự cân đối. Đối với những đơn vị sự nghiệp công lập không tự cân đối cần sắp xếp lại, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân hoặc giải thể.

- Đối với các đơn vị sự nghiệp cung cấp các sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công nằm trong danh mục sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN: Thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công; Tiêu chí phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập; Tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị theo ngành, lĩnh vực; Nội dung Nhà nước đặt hàng cũng cần quy định rõ số lượng, chất lượng và đơn giá đặt hàng.

Các đơn vị sự nghiệp được Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ được quyền tự chủ trong việc sử dụng kinh phí Nhà nước đặt hàng trong tổ chức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phần kinh phí tiết kiệm được sử dụng để bổ sung thu nhập cho người lao động và trích quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong đơn vị.

Thứ sáu, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng ngành, lĩnh vực:

- Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc: (i) Pháp luật chuyên ngành không quy định việc thành lập tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập; (ii) Trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu); (iii) Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; (iv) Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả; (v) Đẩy mạnh xã hội hoá, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần;

- Căn cứ Quyết định 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần và Quyết định 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và xây dựng kế hoạch cụ thể về số lượng danh mục, lộ trình chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần.

Thứ bảy, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường và thúc đẩy xã hội hoá trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công:

- Xác định các dịch vụ sự nghiệp công do NSNN phải bảo đảm, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Các dịch vụ công khác không sử dụng kinh phí NSNN, xác định giá theo cơ chế thị trường, đơn vị được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích luỹ để thu hút nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;

- Có chính sách khuyến khích ưu đãi về đất đai, thuế, phí, tín dụng… tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị ngoài công lập, nhà đầu tư tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công;

- Có chính sách đối xử bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập trong việc cung cấp dịch vụ công; Các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của Nhà nước.           

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ;

2. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP  ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

3. Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần;

4. Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.