Gian nan xử lý nợ đọng xây dựng

Huyền Thu

(Tài chính) 42.000 tỷ đồng là số nợ đọng xây dựng cơ bản giảm được trong năm nay do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh công bố trước Quốc hội ngày 19/11. So với con số 85.000 tỷ đồng được báo cáo vào cuối năm 2012 thì đây là một kết quả rất ấn tượng.

Nợ đọng xây dựng trong năm nay đã giảm mạnh. Nguồn: internet
Nợ đọng xây dựng trong năm nay đã giảm mạnh. Nguồn: internet

Những con số “nóng”

Theo báo cáo mới đây, các địa phương nổi cộm nhất về vấn đề nợ nần là Ninh Bình với khoản nợ gần 4.000 tỷ đồng, Hà Giang nợ gần 4.000 tỷ đồng và Đà Nẵng cũng gánh nợ đọng gần 3.000 tỷ đồng.

Tại thủ đô Hà Nội, đến tháng 10/2013, nợ đọng xây dưng cơ bản là 1.980 tỷ đồng, riêng nợ trong xây dựng nông thôn mới là 1.195 tỷ đồng, tại 639 dự án. Việc nợ đọng trên đã gây ra tình trạng không lành mạnh về tài chính, ảnh hưởng đến cân đối thu chi ngân sách.

Ông Ngô Văn Quý, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, nguyên nhân do nhu cầu 3 năm 2011 - 2013 đầu tư theo phân cấp của 29 quận huyện khoảng 43.000 tỷ đồng, trong khi 3 năm qua chỉ bố trí 19.700 tỷ đồng. Mặt khác tình hình khó khăn về kinh tế, bất động sản đóng băng, nguồn thu từ quỹ sử dụng đất hụt so với dự toán đầu năm.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, nợ đọng xây dựng ở thành phố đang là vấn đề “nóng”, đáng quan tâm. Năm 2008 con số nợ đọng xây dựng cơ bản gần 2.000 tỷ đồng nhưng đến tháng 10/2010 thành phố đã xóa xong số nợ này. Từ đó đến nay con số nợ lại tăng, đến giữa năm 2013 đã là hơn 3.200 tỷ đồng, đây là điều đáng lo ngại. Trong đó 3 huyện Ba Vì, Đan Phượng, Phú Xuyên đều có số nợ xây dựng cơ bản trên 300 tỷ đồng.

“Nếu chúng ta không nhận thức đầy đủ về nợ xây dựng cơ bản thì rất khó xử lý. Tôi cho rằng chúng ta có thể xử lý được và chúng ta đã có kinh nghiệm khi năm 2010 đã xử lý hơn 2.000 tỷ đồng. Chúng ta hoàn toàn có thể chữa được “bệnh” này, chỉ có điều chúng ta có quyết tâm hay không thôi”, bà Thanh nói.

Kiên quyết đẩy lùi nợ đọng

Theo giải thích của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư thì ưu tiên thứ nhất phải là dành cho những công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng mà thiếu vốn phải ưu tiên thanh toán trước. “Chúng tôi ý thức được rằng nợ xây dựng cơ bản sẽ gây ra nhiều tác hại, trước hết là cho doanh nghiệp gặp khó khăn, thứ hai là liên đới đến nợ xấu ngân hàng, cho nên chúng ta phải kiên quyết giải quyết tốt vấn đề này”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế năm 2014 được đánh giá là sẽ tiếp tục khó khăn, xử lý được nợ đọng xây dựng cơ bản góp phần làm giảm nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng để kích hoạt tăng trưởng. Bên cạnh đó, xử lý nợ đọng này là một nội dung quan trọng của tái cơ cấu đầu tư công và lập lại kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời là một trong các giải pháp để ổn định tài chính vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.

Mặc dù nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm mạnh nhưng đây vẫn là một trong những “điểm nghẽn” cần tiếp tục được khai thông trong thời gian tới. Để đảm bảo xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản vào năm 2015 như lộ trình đã đề ra, cần kiên quyết thực hiện các quy định như: Các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao, không được làm vượt vốn; các bộ, ngành, địa phương không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện khi dự án chưa được bố trí vốn; chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn.

Đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo đúng hợp đồng đã ký theo quy định của Luật Đấu thầu, tránh tình trạng nợ đọng chiếm dụng vốn của nhà thầu. Bên cạnh đó, không được bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới chưa được thẩm định nguồn vốn, phê duyệt quyết định đầu tư và quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư không đúng theo văn bản thẩm định nguồn vốn của các cấp có thẩm quyền. Cần có quy định các bộ, ngành, địa phương chỉ được bố trí vốn cho các dự án mới sau khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng.

Về dài hạn, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và kế hoạch đầu tư. Trong đó, tập trung rà soát lại quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố; chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để làm cơ sở đề xuất nhu cầu đầu tư trung hạn, hàng năm sát với nhu cầu thực tế, tập trung có hiệu quả.

Trong xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đảm bảo tập trung có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng theo tiến độ thực hiện của dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình để sớm đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư.