Thay đổi đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước

Không nên bàn lùi

Theo daibieunhandan.vn

Có khó khăn, có thách thức, nhưng không nên bàn lùi trong việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước. Thay vào đó, cần xác định mô hình tổ chức, chức năng quyền hạn của cơ quan này để bảo đảm chủ trương tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chưa ai phải chịu trách nhiệm

Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. Theo số liệu mới nhất, tổng tài sản của 781 doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước là 3.105 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.233 nghìn tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5.408 nghìn tỷ đồng.

Thẳng thắn nhìn vào hiệu quả sử dụng nguồn vốn này trong những năm qua, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Doanh nghiệp, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Phạm Quốc Trung cho rằng, thực tế đã ghi nhận có sự thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật là do quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước không tốt.

Đặc biệt, “báo chí nêu rất nhiều vụ việc, nào là xơ sợi Đình Vũ, phân đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, ethanol Phú Thọ và nhiều nơi khác..., nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm”. Viện trưởng CIEM Trần Đình Cung thì nhấn mạnh, đây là hiện tượng, nhưng khá phổ biến. Nguyên nhân được chỉ ra là do pháp luật hiện hành về quản lý và giám sát quản trị doanh nghiệp nhà nước còn thiếu hoặc quy định chưa đủ rõ, chưa cụ thể ở một số nội dung.

Hiện nay, tổ chức bộ máy, cũng như cách thức, hình thức thực hiện chức năng chủ sở hữu trong nội bộ các cơ quan đại diện chưa có pháp luật điều chỉnh nên đang được thực hiện hết sức khác nhau. “Chúng tôi quan sát đa số việc đưa nhân sự dù rất giỏi trong quản lý nhà nước tới doanh nghiệp đều không thành công. Hành chính khác kinh doanh nên có tình trạng này. Vì thế, cần độc lập và chuyên trách”, ông Trung phân tích.

Phải thành lập cơ quan chuyên trách

Không thể phủ nhận, việc sử dụng bộ máy quản lý hành chính nhà nước để quản lý kinh doanh đã dẫn đến nhiều hạn chế. Bởi ở góc độ từ dưới nhìn lên, việc này tương đối tập trung, nhưng về mặt thể chế lại tương đối phân tán trong vấn đề chủ sở hữu. Đơn cử như Thủ tướng có 5 thẩm quyền quyết định, 2 thẩm quyền phê duyệt, song để Thủ tướng thực hiện các quyền này thì cũng cần hàng loạt các ý kiến từ các bộ, ngành liên quan...

Để khắc phục những vấn đề như vậy, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT) đang được giao xây dựng Dự thảo Nghị định mới về cơ quan đại diện chủ sở hữu theo hướng với tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn sẽ chuyển từ bộ quản lý ngành như hiện nay về một cơ quan chuyên trách.

Theo đó, cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện chủ sở hữu được đề xuất là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật. Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, có tên gọi dự kiến là ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nói như Thứ trưởng Đặng Huy Đông, thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, đồng nghĩa với việc xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các “bộ”. Thực tế, việc đề xuất xóa bỏ bộ chủ quản cũng không mới; hay nói cách khác, việc thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước là câu chuyện đã được bàn nhiều. Nhưng từ thực tiễn đến hoạch định chính sách có khoảng cách.

Theo Dự thảo của Bộ KH - ĐT, cơ quan đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh khác ngoài tập đoàn và tổng công ty sẽ chuyển về tổng công ty đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Đối với doanh nghiệp nhà nước địa phương, công ích, quốc phòng, an ninh vẫn do UBND cấp tỉnh, bộ quản lý ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm đại diện chủ sở hữu như hiện nay.

Đây là khó khăn, là thách thức, nhưng các bộ chủ quản không nên bàn lùi! Thay vào đó, đại diện CIEM cho rằng, cần xác định mô hình tổ chức, chức năng quyền hạn của cơ quan này để bảo đảm chủ trương tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước.

Theo đó, băn khoăn về mô hình tổ chức, cần xác định cơ quan này có thuộc Chính phủ hay không; và về thẩm quyền, cần xác định cơ quan này có phải cơ quan ngang bộ hay không, Thứ trưởng Đặng Huy Đông tán thành với CIEM khi đề xuất cơ quan này cần thuộc Chính phủ.

“Con số tài sản gần đây nhất mà tôi nhận được bao gồm cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại thì tài sản là 5 triệu tỷ, gấp hai lần GDP, nợ cũng khổng lồ, lên đến 1,3 triệu tỷ. Toàn là triệu tỷ cả, không phải nhỏ, vì thế, tầm của cơ quan đại diện chủ sở hữu phải xứng đáng”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định.