Khuyến khích nguồn lực toàn xã hội cho đầu tư phát triển

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 3/2013

Nhân dịp cả nước đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Quý Tỵ, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về triển vọng kinh tế năm 2013 và những việc cấp bách cần làm để nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững.

5,03% là mức tăng trưởng hợp lý

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những suy nghĩ của mình về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012?

Khuyến khích nguồn lực toàn xã hội cho đầu tư phát triển - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Năm 2012, Việt Nam ưu tiên thực hiện những mục tiêu rất quan trọng là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, với chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ. Điều đó khiến nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu đề ra, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong tiếp cận vốn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí thua lỗ, phá sản, việc làm và thu nhập của nhiều người lao động bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nước ta đang quyết tâm để tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, không phải cho trước mắt mà cho trung hạn và dài hạn. Chỉ khi nền kinh tế vĩ mô ổn định trong trung hạn và dài hạn mới có thể tiếp tục thu hút được đầu tư, tăng trưởng sản xuất bền vững, lúc đó mới tạo ra được nhiều công ăn việc làm hơn. Do vậy, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như đánh giá chung của Chính phủ thì tăng trưởng 5,03% là mức hợp lý trong điều kiện trong và ngoài nước như năm 2012.

Trong Nghị quyết đầu năm 2012, Chính phủ đã đưa ra 7 nhóm giải pháp lớn, trong đó tập trung vào nhóm giải pháp tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để tạo môi trường ổn định cho kinh tế Việt Nam, bảo đảm phát triển bền vững.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung vào nhóm giải pháp thứ hai là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, tình trạng đóng băng bất động sản, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Chỉ số lạm phát năm 2012 đạt 6,81% cũng là một thành quả lớn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Trong năm 2012, lạm phát cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp để chúng ta thực hiện hàng loạt các chính sách thắt lưng buộc bụng, thắt chặt chi tiêu. Song, lẽ ra chúng ta có thể để lạm phát cao hơn một chút, nếu ở mức độ 7,5% là phù hợp. Bởi vì, không phải chỉ mục tiêu duy nhất là kiềm chế lạm phát chặt chẽ như vậy, mà phải có bước đi thích hợp để giảm dần và tương thích với vấn đề phát triển, tạo các nhân tố cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế mới là nhiệm vụ lâu dài.

Hoàn toàn có thể đạt tăng trưởng 5,5% trong năm 2013

PV: Bộ trưởng đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Năm 2013, nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức từ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, vừa phải tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải tăng trưởng ở mức hợp lý. Bởi vì, nếu không tăng trưởng hợp lý, chắc chắn vấn đề an sinh xã hội (trong đó có vấn đề tạo việc làm và thu nhập cho người dân) sẽ không cải thiện được.

Mục tiêu tăng trưởng 5,5%, là thách thức trong điều kiện dự báo tình hình kinh tế thế giới không được cải thiện nhiều, thậm chí còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng này nếu cả nước tập trung giải quyết tốt những vướng mắc, yếu kém hiện nay của nền kinh tế gần như đã bộc lộ rõ nét trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Tôi tin rằng, năm 2013 Chính phủ sẽ có kinh nghiệm để tiếp tục duy trì và ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2013, mục tiêu đặt ra là chỉ số CPI thấp hơn mức thực tế của năm 2012, mà Thủ tướng công bố là khoảng 6%, đây là mục tiêu rất quyết liệt, không dễ làm. Trong điều hành kinh tế, còn có rất nhiều vấn đề mà năm tới phải tiếp tục hoàn thiện, chẳng hạn như điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ công phù hợp với giá thị trường.

Hiện nay, chúng ta đang có những nhu cầu phải tăng giá rất chính đáng. Ví dụ, giá dịch vụ y tế đã hơn 10 năm không tăng giá. Giáo dục cũng vậy, đặc biệt trong ngành giao thông, lúc nào đó phải có phí giao thông hợp lý nhất để đầu tư cho hạ tầng tốt lên và để hoàn vốn cho doanh nghiệp. Rồi giá than, giá điện đưa về cơ chế thị trường, vì không theo cơ chế thị trường thì không có cơ hội, nguồn lực để tái đầu tư, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Cho nên, việc tăng giá hợp lý theo cơ chế thị trường để giá dịch vụ phản ánh đúng bản chất của nó, đúng với quy luật giá cả và quy luật cung - cầu trên thị trường là một yêu cầu khách quan mà nền kinh tế phải hướng tới.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần có sự điều tiết, mà nhạc trưởng là Chính phủ. Nếu chỉ đạo điều hành chặt chẽ và phối hợp tốt giữa các bộ, ngành  thì có thể đạt được chỉ tiêu CPI khoảng trên dưới 6% trong năm 2013, mà vẫn có thể đáp ứng được một số yêu cầu về tăng giá theo lộ trình khi cần thiết và hợp lý. Từ đó, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng một cách tự nhiên.

Trước thực trạng đó, bức tranh kinh tế năm 2013 sẽ còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng là sự ổn định về kinh tế vĩ mô, sự quyết liệt của các chương trình tái cơ cấu (tái cơ cấu nền kinh tế; tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trước hết là các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại).

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh 3 khâu đột phá, tiếp tục có những chính sách thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế, như: giải quyết nợ xấu, giảm lãi suất cho vay phù hợp với tiến độ giảm lạm phát. Khi đó, các doanh nghiệp có thể có được một nguồn sinh khí mới nhờ tiếp cận với dòng vốn mới của năm 2013, cầu tiêu dùng được kích thích trở lại.

Bên cạnh đó, năm 2013, vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ bản chỉ còn 175.000 tỷ đồng, thấp hơn 5.000 tỷ đồng so với năm 2012, nếu tính theo cả trượt giá thì còn thấp hơn nữa. Ngoài ra, trái phiếu Chính phủ cũng tương đương năm 2012. Bởi vậy, cần gấp rút triển khai các cơ chế, chính sách để huy động mạnh các nguồn vốn khác, ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển.

Hiện nay, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn này bằng cách thúc đẩy tổng đầu tư toàn xã hội tăng lên. Nếu tiếp tục để mức tổng đầu tư/GDP giảm xuống dưới 30% như năm 2012, chắc chắn tình hình đạt mức tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra sẽ gặp khó khăn.

Với sự quyết tâm trong điều hành của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, tôi tin rằng trong năm 2013 nền kinh tế nước ta sẽ vượt qua được khó khăn và có những khởi sắc bước đầu.

Cùng với thu hút, cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

PV: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm gì để tháo gỡ một số nút thắt để nền kinh tế phát triển bền vững hơn?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong bối cảnh đầu tư từ ngân sách bị cắt giảm mạnh hơn những năm trước, Chính phủ đang tập trung tìm mọi cách để tăng tổng đầu tư toàn xã hội, thông qua 3 kêch chính, gồm: Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tín dụng cho doanh nghiệp; khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nền kinh tế thông qua các hình thức BOT, PPP…; đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ODA, FDI.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập chung tháo gỡ một số nút thắt sau:

Thứ nhất, sau hình thức đầu tư BOT, BTO, BT… (được coi là mô hình PPP truyền thống), đầu tư PPP theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg là hình thức đầu tư hiện đại nhưng là mới đối với Việt Nam, Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở Hợp đồng dự án.

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này còn nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp. Do là phương thức mới, chưa có tiền lệ nên cơ chế quản lý, áp dụng khi ban hành bộc lộ nhiều quy định chưa phù hợp. Văn bản hướng dẫn cụ thể thiếu nên các dự án được đề xuất cũng không triển khai được hoặc không khả thi. Ngay tư duy về triển khai PPP cho thấy chưa thực sự khác biệt, hấp dẫn hơn so với các mô hình đầu tư truyền thống khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là đầu mối sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung tổng thể các cơ chế về việc thu hút, quản lý, sử dụng vốn xã hội, trong đó có các văn bản điều chỉnh về PPP với những vấn đề còn tồn tại, bất cập nổi cộm. Ưu tiên vốn cho việc triển khai các dự án PPP, cho vấn đề đào tạo cán bộ chuyên gia, thuê tư vấn về mô hình này để đảm bảo thành công của các dự án.

Thứ hai, về thu hút FDI. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguồn vốn này chưa thể phục hồi mạnh trong năm 2013. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến vốn đăng ký sẽ đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 10,5 - 11 tỷ USD, tương đương với mức của năm 2012.

Để đạt được mục tiêu thu hút FDI đề ra, năm 2013 Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút FDI giai đoạn 2011-2020, nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, có sức cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để hỗ trợ thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, Bộ sẽ cải tiến phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và theo đối tác. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan quản lý, xây dựng quy trình thẩm tra đối với các dự án có quy mô lớn, tác động mạnh, tính lan tỏa cao, bởi có những vấn đề trong thu hút FDI mà địa phương không bao quát hết được.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!