Mạng trực tuyến – Ngành Giáo dục đào tạo cần triển khai ngay

PV.

Công tác tuyển sinh đại học năm 2015 vừa kết thúc. Biết bao “hỉ - nộ” quanh việc phải vất vả - ngược xuôi - thức đêm dậy mai - tốn kém - lo lắng - hy vọng - thất vọng… dù đó chỉ là mấy từ tóm tắt (không đủ lột tả hết) tình trạng của các sỹ tử và gia đình của họ trong cuộc mưu cầu học vấn…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng công tác tuyển sinh thời gian qua

Câu chuyện “chạy việt dã vào các trường” là một sự “quá đỗi ngạc nhiên” đối với những ai được sinh sống ở các nước phát triển, văn minh, được thừa hưởng nền giáo dục hiện đại. Việc tuyển sinh ở các nước đó đơn giản, nhanh chóng, không tốn kém, không tiêu cực. Bước chân vào các trường học ở các nước phát triển khá dễ dàng, nhưng học tập để đỗ đạt ra khỏi trường mới là quan trọng.

Ở ta, câu chuyện học để có bằng cấp, dựa vào bằng cấp để mưu cầu cuộc sống, tương lai… chưa có hồi kết. Ở nông thôn không nói làm gì nhưng ở các thành phố, ngay từ bậc tiểu học, việc lo cho con em vào học trường nào, ở đâu, lớp nào… là vấn đề khiến cha mẹ học sinh lao tâm khổ tứ suốt 12 năm trời. Rồi cú dốc sức cuối vào mấy tháng trời thi cử và lao đơn vào trường đại học, chưa nói đến chuyện ra trường sẽ thế nào, cứ biết họ sẽ thở phào nếu con em được vào trường học chứ không phải là vất vưởng ngoài vòng đại học và tương lai không biết ra sao…? Chính vì vậy, dù vất vả thế nào họ cũng cố gắng để lo cho con được vào một trường đại học, cao đẳng nào đấy.

Chưa nói đến các kỳ chuyển cấp, chỉ riêng kỳ tuyển sinh đại học năm 2015 có nhiều điểm mới. Các thí sinh được ghép hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng vào làm một để giảm áp lực thi cử và tránh gây lãng phí cho xã hội. Số điểm có được từ kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được dùng để xét tuyển vào đại học. Đổi mới như vậy Bộ Giáo dục và đào tạo kỳ vọng một sự tiết kiệm hiệu quả và đỡ áp lực cho cả học sinh và gia đình họ. Nhưng vấn nạn tuyển sinh đại học thì chưa hết đeo bám…

Bao chuyện cười ra nước mắt: có sỹ từ phải thuê xe cứu thương để chạy từ tỉnh ngoài về Hà Nội để kịp nạp đơn vào trường; Có sỹ tử chậm chân một phút đã phải òa khóc khi biết không còn chỗ nữa, dù thừa điểm; có sỹ tử không nạp đơn được ở Hà Nội phải chạy từ tỉnh nhà về Hà Nội rút đơn rồi chạy lộn về tỉnh nhà để nộp; có sỹ tử thừa điểm đỗ đại học nhưng lại không đủ điểm tốt nghiệp phổ thông; có sỹ tử đốt hết mấy giấy báo kết quả thi đại học và từ bỏ cổng trường đại học cao vời vợi để đi làm việc khác; có sỹ tử thừa điểm vào đại học nhưng lại chọn trường dạy nghề… đấy là chưa kế rất nhiều sỹ tử đủ điểm nhưng không có đủ điều kiện kinh tế để đi học… tóm lại, tất cả họ đều đã chạy quanh như trong trò chơi đèn kéo quân, đèn cù rất mệt mỏi và không ít tốn kém…

Vì sao lại có tình trạng đáng buồn như vậy. Đó là do chúng ta chưa có được chính phủ điện tử, các cơ sở giáo dục chưa cung cấp được dịch vụ trực tuyến cho người dân.

Cũng là tuyển sinh, cũng chỉ cần thi tốt nghiệp THPT và xét điểm tuyển đại học, nhưng ở các nước phát triển, học sinh có thể enroll (đăng ký) các trường đại học mà mình muốn (thông thường thí sinh được đăng ký 5-9 trường đại học), sau khi có kết quả thông báo điểm tốt nghiệp và so sánh với điểm tuyển của các trường, thí sinh sẽ lựa chọn và tự động rút ra khỏi danh dách các trường không đủ điểm hoặc không phải là ưu tiên nhất để nạp hồ sơ (cũng nạp trực tuyến) vào trường mình đủ điều kiện và ưa thích. Hồ sơ yêu cầu được ghi rõ ràng, chi tiết, cụ thể… để thí sinh dễ dàng chuẩn bị và tất cả diễn ra trên mạng trực tuyến của các trường đại học trên cả nước, không ai phải đáp máy bay, tàu hỏa, ô tô đi đâu một bước, không tốn kém công sức, tiền của…

Chưa nói đến khía cạnh về cơ chế thi tuyển, tổ chức thi cử có phù hợp hay chưa, cần phải cải tiến gỡ rối ở đâu… chỉ tính đến vấn đề mà nền dịch vụ công của chúng ta cần hướng đến để không chỉ trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc… mà cả trong các lĩnh vực hoạt động hành chính khác, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, người dân có thể được sử dụng tiện ích của khoa học, của công nghệ cao, đó là đưa dịch vụ internet vào cuộc sống. Nếu chúng ta vẫn chưa có dịch vụ trực tuyến, thì sau nay, dù có đổi mới cách nào cũng sẽ vẫn xảy ra những hiện tượng rối ren - khóc - cười khi người dân sử dụng dịch vụ công, như khi đăng ký chọn trường đại học vừa qua.

Chúng ta có thừa khả năng triển khai ứng dụng, tại sao chưa?

Hiện, các mạng mua bán trực tuyến đã nở rộ và tạo mọi điều kiện thuận tiện cho người mua: lựa chọn hàng hóa, dịch vụ - thanh toán qua mạng - vận chuyển hàng tới tận tay - hậu mãi, bảo hành… tất cả chỉ qua một cú “click” là xong. Đến những việc khó khăn hơn, đòi hỏi tập trung công sức, tiền của và công nghệ cao như đóng thuế, khai hải quan qua mạng… Chính phủ cũng đã triển khai đến được từng người dân, từng doanh nghiệp. Cao hơn nữa là vừa đây, để đẩy mạnh hội nhập khu vực, xuất phát từ nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư và kinh doanh, đảm bảo vị thế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã xác định việc phải nhanh chóng cải cách các thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn hội nhập, trong đó, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đã được Chính phủ chính thức thông qua và có những chỉ đạo hết sức quyết liệt.

Vậy tại sao trong lĩnh vực giáo dục chúng ta chưa quyết liệt đổi mới, cải cách, từ đầu tư đến tư duy… để có một nền giáo dục hiện đại và xây dựng nhân sinh quan đúng đắn cho người dân về tri thức? Phải chăng chúng ta còn nghiêng về phát triển kinh tế hơn trong khi con người mới là yếu tố quan trọng nhất cho mọi sự phát triển?

Có rất nhiều điều cần bàn, có rất nhiều việc phải làm, nhưng một việc trong tầm tay có thể làm ngay, đó là tiến hành tin học hóa ngành giáo dục đào tạo, xây dựng mạng dịch vụ tin học trực tuyến trên mọi lĩnh vực và liên kết trên toàn quốc... để con em chúng ta và gia đình họ có thể sử dụng thuận tiện, để giảm gánh nặng chi phí, thời gian, công sức và biết bao vấn nạn xảy ra khi mùa tuyển sinh đến.

Không thể phủ nhận, kỳ tuyển sinh đại học năm 2015 là một kỳ tuyển sinh mới mẻ lần đầu tiên được áp dụng, mang tính đột phá, có nhiều yếu tố tịch cực, là một cuộc “cách mạng giáo dục”. Tuy nhiên, để phát huy đầy đủ hiệu quả như mong muốn, chúng ta phải chuẩn bị một hạ tầng công nghệ thông tin tốt nhất để hỗ trợ thí sinh ngay tại địa phương, để họ không cần đi lại vất vả, tốn kém, gây nên hiện tượng rối như vừa qua.