Một số suy nghĩ nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề

ThS. Bùi Thị Minh Ngọc - Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III

(Tài chính) Kiểm toán hoạt động là loại hình kiểm toán mới được phát triển trên thế giới trong thời gian gần đây. Sự phát triển này được bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ XX ở khu vực công và sau đó lan sang khu vực tư nhân. Có nhiều định nghĩa khác nhau về kiểm toán hoạt động, tuy nhiên nội dung của các định nghĩa này tập trung trình bày ở ba khía cạnh: đó là kiểm toán tính kinh tế (Economy), tính hiệu quả (Efficiency) và hiệu lực (Effectiveness),

Khâu khảo sát và thu thập thông tin để lập kế hoạch kiểm toán có vai trò rất quan trọng. Nguồn: internet
Khâu khảo sát và thu thập thông tin để lập kế hoạch kiểm toán có vai trò rất quan trọng. Nguồn: internet
Trong chiến lược hoạt động, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) đã chủ trương tăng cường loại hình kiểm toán hoạt động mà bước đầu thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề để đáp ứng tốt hơn với yêu cầu của Nhà nước, Chính phủ và nhân dân.  Kiểm toán chuyên đề được hiểu là cuộc kiểm toán chuyên sâu về một vấn đề cụ thể.

Mục tiêu kiểm toán chuyên đề ngoài kiến nghị xử lý tài chính còn đưa ra những khuyến nghị, tư vấn cho các nhà quản lý và đơn vị thụ hưởng về tình trạng sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí các nguồn lực quốc gia, chỉ ra nguyên nhân những yếu kém hạn chế của cơ chế chính sách và hệ thống quản lý với mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Vì vậy. việc lựa chọn chủ đề kiểm toán phải xuyên suốt, có tính liên kết hệ thống các cơ quan quản lý. Ngoài ra việc thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề còn đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Trong những năm qua số lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề được tăng dần trong kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN.

Từ năm 2007, KTNN đã thực hiện kiểm toán chuyên đề việc quản lý và sử dụng phí, lệ phí đường bộ 2 năm (2005-2006); năm 2008, kiểm toán chuyên đề việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản các Ban quản lý dự án một số bộ, ngành, địa phương; năm 2009, tiến hành 4 cuộc kiểm toán chuyên đề (kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng Quỹ dự trữ Quốc gia; kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 2006-2008; kiểm toán chuyên đề cấp bù lỗ các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu giai đoạn 2006-2008; kiểm toán đề án tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh). Đến năm 2012, số lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề là 12 cuộc...

Các cuộc kiểm toán chuyên đề đều có kết quả khá ấn tượng và được các cơ quan quản lý ghi nhận, mặt khác trình độ và kiến thức của các kiểm toán viên về kiểm toán hoạt động cũng được nâng cao. Bên cạnh đó, KTNN  cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định cho hoạt động kiểm toán chuyên đề. Tuy nhiên trong hoạt động kiểm toán chuyên đề còn có một số hạn chế như: một số cuộc kiểm toán chưa được khảo sát kỹ nên chưa xây dựng được các tiêu chí đánh giá hoạt động; hệ thống các chỉ tiêu đánh giá chưa đầy đủ và phù hợp nên các nhận định đánh giá và dẫn chứng tính thuyết phục chưa cao, quy trình kiểm toán chưa đầy đủ và đồng bộ, một số kết quả và chất lượng kiểm toán chưa đáp ứng đầy đủ mong muốn của các cơ quan quản lý và của người dân, số lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề chưa nhiều, còn nhiều vấn đề xã hội và dư luận bức xúc tuy nhiên chưa được lựa chọn kiểm toán…

Việc tăng cường và phát triển loại hình kiểm toán hoạt động nói chung và các cuộc kiểm toán chuyên đề là cần thiết, đáp ứng được đòi hỏi khách quan nâng cao hơn chất lượng giám sát việc quản lý và sử dụng tài sản và tài chính công của KTNN. Để nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề, xin đưa ra một số ý kiến sau:

Thứ nhất, trong chiến lược trung và dài hạn, KTNN cần quan tâm và tăng cường hơn số lượng cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động đồng thời cần nghiên cứu ban hành các văn bản quy định hướng dẫn về kiểm toán hoạt động, xây dựng các quy trình kiểm toán, quy định hồ sơ biểu mẫu, quy chế hoạt động cho các cuộc  kiểm toán chuyên đề.

Thứ hai, xác định các chuyên đề kiểm toán được lựa chọn: Đây là công việc của các đơn vị kiểm toán chuyên ngành và khu vực hàng năm. Trước hết việc đề xuất dựa trên định hướng mục tiêu chung của ngành, kế hoạch chiến lược kiểm toán từng giai đoạn và các thông tin tổng hợp thu thập được của các Bộ, ngành và lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách. Những thông tin này có được từ việc nghiên cứu các chủ trương đường lối phát triển của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Nghị quyết, Chỉ thị, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội như các vấn đề về y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nông dân, xây dựng nông thôn mới và những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc trong quản lý sử dụng tiền và tài sản quốc gia, tài nguyên khoáng sản, đất đai...

Mặt khác, nguồn thông tin  từ kết quả thẩm định dự toán của các Bộ ngành, địa phương được giao và quản lý cũng cần được quan tâm chú trọng. Trên cơ sở đó lấy ý kiến tư vấn của các cơ quan tham mưu của KTNN và xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN.

Việc xác định chuyên đề kiểm toán đặt trong mối quan chặt chẽ với mục tiêu và đối tượng, nhân sự và thời gian của các KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực. Chính vì vậy, trong kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán năm, các KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực nên lựa chọn những nội dung chuyên đề có tính xuyên suốt và liên kết với các cuộc kiểm toán khác trong năm.

Thứ ba, việc xác định mục tiêu và trọng yếu của từng chuyên đề. Đây là nội dung quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả của cuộc kiểm toán. Ngoài những mục tiêu chung của ngành, phải xác định rõ những vấn đề mang tính trọng yếu; đánh giá và ước lượng đúng rủi ro kiểm toán để lựa chọn nhân sự và phương pháp kiểm toán phù hợp. Chính vì vậy khâu khảo sát và thu thập thông tin để lập kế hoạch kiểm toán có vai trò rất quan trọng.

Mỗi cuộc kiểm toán chuyên đề đều có đặc thù riêng xuất phát từ nội dung quản lý khác nhau, cách thức quản lý khác nhau. Trong công tác khảo sát cần thu thập đầy đủ các thông tin về nội dung chuyên đề do các đầu mối quản lý báo cáo, trường hợp cần thiết phải đi khảo sát thực địa để lấy số liệu và minh chứng cho các nội dung xác định trọng yếu, ngoài ra cần phải thu thập đầy đủ và hệ thống các văn bản liên quan đến chuyên đề cần kiểm toán.

Đối với từng cuộc kiểm toán chuyên đề cần xây dựng đề cương khảo sát cụ thể, chi tiết, trong đó cần thiết  phải xây dựng  hệ thống các tiêu chí để đánh giá (các biểu bảng và các tiêu chí). Các tiêu chí xây dựng có thể dựa vào hệ thống tiêu chuẩn, định mức có sẵn (do Nhà nước ban hành hoặc đơn vị quy định) hoặc phải tự xây dựng để chứng minh cho các nội dung nhận định trọng yếu kiểm toán; các chỉ số đánh giá, so sánh phải tương đồng về chỉ tiêu.  

Việc xây dựng các tiêu chí này trường hợp cần thiết nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực của chuyên đề được lựa chọn. Các tiêu chí này phải được áp dụng thống nhất trong toàn Đoàn kiểm toán và có thể điều chỉnh trong quá trình thực hiện kiểm toán. Các tiêu chí được xây dựng phù hợp và đầy đủ không chỉ giúp cho triển khai kiểm toán chi tiết của các tổ kiểm toán thống nhất, theo đúng mục tiêu mà còn giúp cho công tác kiểm toán tổng hợp được thuận lợi.

Kế hoạch kiểm toán phải nêu được cụ thể các phương pháp kiểm toán theo nội dung kiểm toán và có hướng dẫn cụ thể và thống nhất thực hiện trong các tổ kiểm toán.

Thứ tư, lĩnh vực hoặc nội dung được lựa chọn kiểm toán chuyên đề mang tính điển hình và tồn tại ở nhiều cơ quan, đơn vị và có thể được thực hiện bởi nhiều đơn vị kiểm toán (KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực) do đó sự phối kết hợp chặt chẽ trong hoạt động kiểm toán phải được đảm bảo. Vì vậy, cần quy định thống nhất về mục tiêu, phương pháp, nội dung kiểm toán; thống nhất các nhận định và xử lý tài chính.

Việc thiết kế mẫu biên bản kiểm toán và báo cáo kiểm toán cần phù hợp với mẫu biểu do ngành qui định; ngoài ra cần bổ sung thêm mẫu biểu, kết cấu mẫu biểu phù hợp với yêu cầu của từng cuộc kiểm toán chuyên đề, nhất là các chỉ tiêu, mẫu biểu liên quan đến việc đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của việc quản lý sử dụng các nguồn lực kinh tế, tài chính. Sự phối hợp và thống nhất này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo Đoàn kiểm toán và công tác tổng hợp kết quả kiểm toán.

Cuối cùng yếu tố quyết định đến kết quả và chất lượng của các cuộc kiểm toán chuyên đề đó là con người. Căn cứ vào mục tiêu, nội dung kiểm toán đã xác định cần lựa chọn các kiểm toán viên phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm tính chuyên sâu cho hoạt động kiểm toán. Việc bố trí nhân lực phải đồng đều giữa các Tổ kiểm toán để có các đánh giá, kết luận, kiến nghị xác đáng cùng hướng tới việc thực hiện mục tiêu kiểm toán và phù hợp với thực tế hoạt động của đơn vị.

Trước khi triển khai kiểm toán phải tổ chức tập huấn để kiểm toán viên nắm bắt được các thông tin cần thiết của cuộc kiểm toán; nhận thức rõ nhiệm vụ phải thực hiện; nắm bắt và hiểu rõ mục tiêu và nội dung cuộc kiểm toán, phương pháp tiến hành từng nội dung kiểm toán cũng như hướng xử lý các sai sót, vi phạm của đơn vị… để thực hiện một cách thống nhất trong đoàn kiểm toán. Việc chỉ đạo và kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán phải được thực hiện nghiêm túc. Quản lý chặt chẽ hoạt động của Đoàn kiểm toán và các Tổ kiểm toán thông qua hình thức báo cáo và các văn bản chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Đoàn; đồng thời với việc thực hiện tốt các quy định quy chế Đoàn kiểm toán của kiểm toán viên.

Chế độ trao đổi thông tin báo cáo phải được duy trì thường xuyên giữa Trưởng đoàn với các Tổ tr­ưởng, giữa Tổ trư­ởng với các kiểm toán viên và giữa các Tổ kiểm toán để bảo đảm thống nhất trong hoạt động kiểm toán, phổ biến kịp thời những thay đổi về nội dung kiểm toán, cách thức tiến hành kiểm toán cũng như kinh nghiệm kiểm toán mà các kiểm toán viên thu thập được trong quá trình kiểm toán.

 Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ các kiểm toán viên chuyên nghiệp, có đạo đức nghề nghiệp, có tâm huyết mới đáp ứng được yêu cầu các cuộc kiểm toán chuyên đề và kiểm toán hoạt động. Do đó, KTNN sớm xây dựng chương trình và  kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển  kiểm toán hoạt động. Việc đào tạo và bồi dưỡng cần liên tục cả trong nước và ngoài nước, tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm…

Bài đăng trên Báo Kiểm toán