Một số vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam qua 30 năm đổi mới

ThS. NGUYỄN CHÂU GIANG, ThS. HOÀNG THỊ HOA - Đại học Thương mại

(Tài chính) Sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, nhằm đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp và sản phẩm…

Sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Nguồn: internet
Sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Nguồn: internet

Thành tựu từ hội nhập kinh tế quốc tế

Sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đạt được những thành tựu đáng chú ý sau:

Thứ nhất, quan hệ chính thức giữa Việt Nam với các quốc gia, tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế ngày càng phát triển cả bề rộng và bề sâu. Việt Nam cũng đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục; trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư ở Việt Nam và doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có dự án đầu tư ở trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang tích cực tham gia và phát huy vai trò thành viên trong các tổ chức kinh tế quốc tế hàng đầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ASEAN, APEC… Việt Nam cũng đã ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP)… Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB).

Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và ra khỏi danh sách các nước kém phát triển. Theo đó, nếu như tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 1986 - 1990 chỉ đạt 4,4%/năm thì bình quân thời kỳ 1991 - 2011 đạt 7,34%/năm. Đặc biệt, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,46% (là mức cao nhất trong vòng 11 năm trước đó). Từ năm 2008 trở đi, do ảnh hưởng từ những biến động của nền kinh tế thế giới, tăng trưởng GDP có xu hướng giảm. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2013 giảm xuống còn 5,6%. Tuy nhiên, năm 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã tăng cao trở lại, đạt 5,98% (cao hơn năm 2013 là 5,42%), đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc). Đây cũng là tiền đề để Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP năm 2015 đạt cao hơn năm 2014 (dự kiến đạt 6,2%).

Thứ ba, hoạt động xuất khẩu ngày càng được phát triển. Hiện cơ cấu ngoại thương ngày càng cải thiện, tỷ trọng nhóm hàng qua chế biến trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã tăng dần. Tốc độ tăng xuất khẩu gần như liên tục đạt 2 chữ số. Quy mô xuất khẩu bình quân đầu người tăng mạnh từ năm 2000 đến nay và trong năm 2013 đã đạt 1.450 USD, cao gấp gần 124 lần năm 1985. Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam đạt 150 tỷ USD, trở thành năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu lên tới 2 tỷ USD, cao hơn cả con số xuất siêu hai năm trước cộng lại. Hàng năm, Việt Nam đã có trên 20 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD và đứng thứ hạng cao trên thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ… Dự báo, hoạt động xuất khẩu sẽ còn triển vọng hơn rất nhiều khi 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký đang đi vào giai đoạn xóa bỏ thuế quan sâu và 5 FTA sắp được ký kết.

Thứ tư, môi trường kinh doanh được cải thiện, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Với ưu thế ổn định chính trị, lao động, vị thế địa kinh tế và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn vốn gián tiếp nước ngoài (FII). Đối với FDI, giai đoạn 1991 - 1997 đã diễn ra làn sóng FDI vào Việt Nam lần thứ nhất với 2.230 dự án và vốn đăng ký là 16,244 tỷ USD. Có nhiều thời điểm, mức tăng trưởng của vốn FDI đạt cao (năm 2007 có mức tăng trưởng 75,3%, năm 2008 là 42,6%...). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế các dự án FDI tại Việt Nam còn hiệu lực đến ngày 15/12/2014 có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 250.667,84 triệu USD với tổng số 17.499 dự án. Đối với FII, hiện nay, hàng loạt quỹ đầu tư nước ngoài đang đổ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo thống kê của Công ty Quản lý Quỹ chứng khoán Việt Nam (VFM), hiện có gần 30 quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn rót vào nội địa khoảng 2 tỷ USD.

Thứ năm, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN Việt Nam ngày càng tăng. Thống kê cho thấy, tổng lượng vốn đăng ký của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tuy chưa lớn (bình quân 1 năm đạt 887,5 triệu USD, bình quân 1 dự án đạt 23,9 triệu USD), song đã bằng gần 1/10 tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp mà Việt Nam thu hút từ nước ngoài). Bên cạnh đó, quy mô vốn đăng ký đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam đã tăng khá qua các thời kỳ (thời kỳ 2008-2013 lớn gấp 10 lần thời kỳ 1989-2007). Nếu tính bình quân năm, thì thời kỳ 2008-2013 lớn gấp 25,6 lần thời kỳ 1989-2007 (tương ứng 2.958 triệu USD/năm so với 93,7 triệu USD/năm). Bình quân lượng vốn đăng ký/dự án đã tăng (từ 7,1 triệu USD thời kỳ 1989-2007, lên 32,4 triệu USD thời kỳ 2008-2013)...

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã tăng cao trở lại, đạt 5,98 % (cao hơn năm 2013 là 5,42%), đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc). Đây cũng là tiền đề để Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP năm 2015 đạt cao hơn năm 2014 (dự kiến đạt 6,2%).

Một số vấn đề đặt ra

Trong quá trình gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức, trong đó, phải kể đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, DN và sản phẩm của nước ta còn thấp; Chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững… Để đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới, cần chú ý đến một số nội dung sau:

Một là, phải coi hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế, là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Nhân dân là chủ thể của hội nhập, người được hưởng thành quả và cũng là người chịu tác động trực tiếp từ hội nhập. Về phía DN, nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể là các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, qua đó giúp DN hiểu và vận dụng tối đa lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế trong kinh doanh, tự bảo vệ mình trong các tranh chấp thương mại quốc tế.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, đồng thời tiến hành rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa DN trong và ngoài nước. Các văn bản pháp quy hiện hành, cần cố gắng bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các DN đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới. Đặc biệt, công tác phối hợp trong việc ban hành chính sách về hội nhập kinh tế giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương cần triển khai một cách đồng bộ, tạo thuận lợi trong việc thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình đã đề ra.

Ba là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt cho các cơ quan hoạch định chính sách. Nhà nước, phát triển mạnh hệ thống đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường; tìm kiếm và đẩy mạnh xuất khẩu lao động tới các thị trường mới; ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bốn là, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của các ngành kinh tế. Tiến hành đánh giá mức độ cạnh tranh của các ngành, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh cho những ngành có lợi thế cạnh tranh và định hướng điều chỉnh sản xuất cho các ngành. Tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành của nền kinh tế thông qua việc cải thiện nguồn nhân lực, công nghệ... Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tránh phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu và những cú sốc khi giá nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế tăng, đồng thời tiết kiệm được một nguồn ngoại tệ lớn.