Nâng cao chất lượng lao động gắn với thu hút đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh

ThS. Trần Thị Huyền Thanh - NCS Học viện Khoa học xã hội Việt Nam

Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua là một quyết sách quốc gia đột phá, kịp thời, được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, môi trường đầu tư của TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện để Thành phố tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và phát triển chung của cả nước.

Việc việc nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói chung và tại các khu công nghiệp nói riêng cho giai đoạn tới là hết sức quan trọng. Nguồn: Internet
Việc việc nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói chung và tại các khu công nghiệp nói riêng cho giai đoạn tới là hết sức quan trọng. Nguồn: Internet
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, tiềm năng từ cơ chế đặc thù này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển lực lượng lao động cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói chung và tại các khu công nghiệp nói riêng cho giai đoạn tới là hết sức quan trọng.
Thực trạng chất lượng lao động tại TP. Hồ Chí Minh

Theo báo cáo tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, dân số TP. Hồ Chí Minh tuy chiếm 9% dân số cả nước, song đóng góp gần 22% GDP và khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước. Tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh sau 30 năm đổi mới bình quân 10,7 %/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động của TP. Hồ Chí Minh gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại, trong đó 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn của Thành phố chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Trong bối cảnh đó, sự kiện Quốc hội ban hành Nghị quyết cơ chế đặc thù đánh dấu việc TP. Hồ Chí Minh chính thức bắt tay vào để thí điểm cơ chế đặc thù - một cơ chế được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, môi trường đầu tư của Thành phố, giúp TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh hơn, sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và phát triển chung của cả nước.

Đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế TP. Hồ Chí Minh phải kể đến hoạt động của các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN). Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA), đến ngày 29/9/2017, toàn Thành phố đã có 3 KCX và 16 KCN được thành lập với tổng diện tích 4.532ha. Trong đó, 17 KCX, KCN đã hoạt động thu hút 1.371 dự án đầu tư với số vồn gần 10 tỷ USD, tạo ra việc làm cho gần 290.000 lao động.

Sản phẩm công nghiệp trong các KCX, KCN chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh. Có thể nói, sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, các KCX, KCN tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được nguồn vốn lớn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp; Tạo kim ngạch xuất khẩu cho Thành phố; Thực hiện có kết quả thu hút công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến từ nước ngoài; Giải quyết việc làm cho người lao động Thành phố và các tỉnh lân cận; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần tăng thu ngân sách của Thành phố…

Cơ cấu đầu tư hiện nay trong các KCN cho thấy, các DN hoạt động đa dạng về ngành nghề, quy mô và trình độ công nghệ. Trong đó, các ngành nghề chiếm tỷ trọng cao: Dệt may (19,5%), Cơ khí (16,5%), Chế biến thực phẩm (10,5%)… Lực lượng lao động trong các KCN chủ yếu là lao động trẻ có độ tuổi trung bình từ 18 đến 25, lao động nhập cư chiếm trên 60% và tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 65% tổng số lao động.

Tính đến ngày 31/12/2016, các KCN đã thu hút 285.867 người làm việc, trong đó lao động nữ là 171.460 người (64,68%). Lao động làm việc trong DN có vốn đầu tư nước ngoài là 205.493 người (tỷ lệ 60%), trong DN Việt Nam là 80.275 người (tỷ lệ 40%), lao động từ các tỉnh 163.380 người (tỷ lệ 60,33%)…
Số lượng lao động đã qua đào tạo từ đại học, cao đẳng chỉ chiếm hơn 6,7%, nếu tính số lao động có trình độ từ trung học nghề đến đại học chiếm chưa tới 15,6%. Phần lớn lao động được tuyển dụng là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông chiếm tới khoảng 84%, do phần lớn các DN đều thâm dụng lao động và có công nghệ chưa tiên tiến. Nguồn nhân lực KCN TP. Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế như: lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ít trong khi nhu cầu công nhân có tay nghề cao tại các DN rất lớn.

Nói chung, sự hình thành các KCN đã tạo việc làm cho 285.867 lao động, đào tạo hơn 5.000 kỹ thuật viên và nhân viên quản lý đủ thay thế chuyên gia nước ngoài. Lao động KCN tiếp cận được với máy móc thiết bị tiên tiến, làm việc với các chuyên gia nước ngoài nên đã nâng cao được tay nghề, kỹ năng lao động, rèn luyện tác phong công nghiệp, phương pháp làm việc tiên tiến. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghiệp, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Định hướng phát triển nguồn lực tại các khu công nghiệp

Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm của Thành phố là 12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm và DN; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, đảm bảo hiệu quả cao, bền vững. Theo đánh giá của các chuyên gia, với cơ chế đặc thù hiện nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh thậm chí có thể cao hơn.

Nâng cao chất lượng lao động gắn với thu hút đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 1

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng và là yếu tố quyết định. Căn cứ vào số liệu thống kê từ các nguồn và số liệu khảo sát và ứng dụng phương pháp hệ số co giãn việc làm kết hợp với phương pháp kinh tế lượng cùng phương pháp chuyên gia, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh dự báo về nhu cầu nhân lực Thành phố giai đoạn 2017-2020 đến năm 2025 như sau:

Theo định hướng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, nhu cầu nhân lực giữa các khu vực cũng có sự dịch chuyển. Đến năm 2017, 2020 và 2025, cơ cấu kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần lượt là: Dịch vụ (65,19% - 65,68% - 67,84%) – công nghiệp, xây dựng (32,70% - 32,40% - 30,73%) và nông nghiệp (2,11% - 1,92% - 1,43%).

 Trong đó, đối với khu vực công nghiệp, TP. Hồ Chí Minh chủ trương phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy tái cấu trúc các ngành công nghiệp. Trong giai đoạn 2017-2020 đến năm 2025, Thành phố tập trung phát triển các KCN công nghệ cao, phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ và thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí; Điện tử - Công nghệ thông tin; Chế biến lương thực thực phẩm; Hóa chất – Nhựa cao su.

Dự báo giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030, nhu cầu nhân lực tăng trung bình một năm 1,70% và 1,91% lên khoảng 1.422 nghìn người vào năm 2017 (chiếm 32,70% tổng nhu cầu nhân lực), lên khoảng 1.494 nghìn người vào năm 2020 (chiếm 32,40%) và lên khoảng 1.642 nghìn người vào năm 2025 (chiếm 30,73%)

Giải pháp nâng cao chất lượng tại các khu công nghiệp

Nhằm nâng cao chất lượng lao động tại KCN TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn 2030, cần chú trọng một số nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, đối với nhóm giải pháp từ cơ quan quản lý Nhà nước.

- Ban quản lý các KCX và công nghiệp TP. Hồ CHí Minh xây dựng kế hoạch chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát quy hoạch các KCN, để làm cơ sở lập quy hoạch điều chỉnh phát triển các KCN đến năm 2025, định hướng năm 2030 theo chỉ đạo của UBND Thành phố; Trong đó, chú trọng đến việc xây dựng các công trình hạ tầng xã hội phục vụ người lao động nhập cư trong các KCN tại khu dân cư liền kề; hình thành Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cũng như lao động nhập cư đáp ứng nhu cầu của các DN.

Nâng cao chất lượng lao động gắn với thu hút đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 2

- Xem xét áp dụng một số ưu đãi về đất đai, vốn (kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội theo hình thức ODA, BT...) để khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng nhà ở cho công nhân; kêu gọi và yêu cầu các công ty kinh doanh hạ tầng KCX, KCN, các DN sử dung nhiều lao động có kế họach, lập dự án đầu tư nhà ở cho công nhân trong diện tích được quy hoạch cho từng khu. Vận động, khuyến khích các DN nhất là DN hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCX, KCN tự xây nhà hoặc tiếp tục hỗ trợ trực tiếp một phần tiền thuê nhà cho công nhân gắn với chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN và người lao động.

- Vấn đề xây dựng nhà lưu trú cho công nhân phải được quan tâm hàng đầu khi hình thành và phát triển các KCX, KCN. Đối với các KCN đang xây dựng hạ tầng hoặc còn đất trống, Ban quản lý các KCX và công nghiệp TP. Hồ CHí Minh cần thực hiện khảo sát nhu cầu nhà ở của người lao động, khi xác định được nhu cầu về nhà ở của người lao động là cần thiết thì làm việc với công ty hạ tầng để khuyến khích, hướng dẫn lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết chuyển một phần đất công nghiệp sang làm nhà ở cho công nhân. Đối với các KCN mới phải đưa vào quy hoạch khu nhà ở cho người lao động và công trình dịch vụ liền kề KCN. Công ty xây dựng hạ tầng KCN có trách nhiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu nhà ở cho người lao động. Các địa phương có công nhân ở trọ có trách nhiệm quản lý giá cả nhà trọ nhằm góp phần ổn định cuộc sống cho công nhân...

Nâng cao chất lượng lao động gắn với thu hút đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 3

- Yêu cầu hàng đầu khi thu hút đầu tư vào các KCX, KCN đối với dự án mới là sử dụng công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám – công nghệ cao, kim ngạch xuất khẩu lớn, quy mô vốn đầu tư lớn, thân thiện với môi trường; Tập trung thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ cho 04 ngành công nghiệp trọng yếu, ngành nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Kiên quyết từ chối các dự án sử dụng nhiều lao động, công nghệ kỹ thuật lạc hậu. Với các DN hiện hữu: Hỗ trợ đẩy mạnh đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ cao, tiến hành đào tạo lại lao động phù hợp cho dự án theo yêu cầu. Đối với các DN có nhu cầu di đời đến những địa phương khác, cần có sự hỗ trợ chuyển dịch lao động. Tiến hành giải quyết lao động thất nghiệp nếu họ không đi về tỉnh, mặt khác tổ chức đào tạo, đào tạo lại lao động giới thiệu cho các dự án mới.

Nâng cao chất lượng lao động gắn với thu hút đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 4

 - Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm và Hỗ trợ DN (JESC) thuộc HEPZA và chất lượng đào tạo của Trường Bán công công nghệ và quản trị DN (CTIM). JESC thực hiện khảo sát và tổng hợp nhu cầu nguồn nhân lực theo chuyên ngành của DN, kết nối với CTIM, các trường đại học, cao đẳng – trung cấp nghề trên địa bàn để đào tạo và cung cấp theo yêu cầu của DN; Làm tốt công tác phát hiện và dự báo nhu cầu lao động của DN; Đổi mới chương trình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của DN, không đào tạo theo chương trình cố định…

- Cần có chính sách thu hút sinh viên các trường Đại học, cao đẳng trung cấp nghề làm việc tại DN các KCX, KCN Thành phố đáp ứng lao động những ngành mũi nhọn Thành phố và tham gia chương trình đào tạo cán bộ quản lý xuất thân từ công nhân của Thành phố. Điều chỉnh nâng lương tối thiểu sát với giá cả thị trường để đảm bảo thu nhập của người lao động, hạn chế các vụ ngừng việc tập thể liên quan đến thu nhập người lao động.

Thứ hai, đối với nhóm giải pháp từ phía các DN.

- Các DN cần tự điều chỉnh, cải thiện quan hệ lao động sao cho người lao động thấy tương lai của họ, việc nâng cao tay nghề của họ gắn với sự phát triển của DN; Thực hiện đúng các chính sách pháp luật lao động, khắc phục những yếu tố có thể dẫn đến tranh chấp lao động làm cho người lao động mất động lực phấn đấu; Xây dựng chính sách ưu đãi thích đáng cho người lao động có tay nghề cao, trình độ quản lý cao như hỗ trợ kinh phí học tập nghiên cứu nâng cao tay nghề, chuyên môn…; Thực hiện thang bảng lương hợp lý khuyến khích người lao động hăng say làm việc và cống hiến cho DN.

- Cải thiện môi trường làm việc, tăng giá trị lao động, giảm thiểu tối đa tình trạng tăng ca, sắp xếp giờ nghỉ ngơi, tránh để công nhân làm việc lâu dưới áp lực lớn, dễ xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

- Tham gia cùng các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo, kiểm tra chất lượng và tham gia giảng dạy. Phối hợp với nhà trường tổ chức các khóa học ngắn hạn, các khóa bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp, ý thức về xã hội, ý thức của người lao động và các lớp về pháp luật lao động. Hỗ trợ chi phí đào tạo cho nhà trường và chi phí tuyển dụng cho các đơn vị điều phối, cung ứng lao động...

Thứ ba, đối với nhóm giải pháp từ phía người lao động.

- Người lao động chủ động học tập nâng cao nhận thức đáp ứng tốt công tác chuyên môn hiện tại, cơ hội thăng tiến trong tương lai. Nắm bắt những quy định cơ bản về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động. Nâng cao ý thức trách nhiệm về pháp luật của bản thân để tránh những thiệt thòi trong hợp đồng lao động…

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 98-NĐ/CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Thành lập các tổ chức Đảng, Đoàn thể trong DN khu vực ngoài nhà nước với tư duy: vai trò của tổ chức chính trị - xã hội tại DN như là một “nguồn lực” quan trọng trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

- Công đoàn các KCX, KCN Thành phố phối hợp với Ban Quản lý và các ban ngành Thành phố tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện chính sách lao động và vệ sinh, an toàn lao động tại các DN. Vận động DN chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động để tạo điều kiện cho người lao động gắn bó lâu dài với DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2011), Kỷ yếu Hội thảo khoa học đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các KCN và KCX ở Việt Nam, ngày 25/6/2016;

2. UBND TP. Hồ Chí Minh (2011), Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 14/5/2011 của UBND TP. Hồ Chí Minh) về kế hoạch thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015;

3. UBND TP. Hồ Chí Minh (2013), Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

4. Ban quản lý các KCX – công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (2017), Báo cáo tổng kết 25 thu hút đầu tư tại các KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh.