Nâng tầm đổi mới

PGS., TS. Đỗ Đức Định

Trong thời kỳ đổi mới gần ba thập kỷ qua, Việt Nam đã thực sự đạt được những thành quả đáng phấn khởi: đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra từ nửa cuối thập kỷ 1970 đến nửa đầu thập kỷ 1980. Chuyển nền kinh tế từ thiếu thốn nghiêm trọng hầu hết các loại nhu yếu phẩm, nhất là lương thực, thực phẩm, sang xuất khẩu lương thực, nông sản và một số loại hàng hóa tiêu dùng khác. Tăng tốc độ GDP từ 3 - 4%/năm lên 5 - 8%/năm. Tỷ lệ đói nghèo giảm từ trên 70% xuống dưới 10%; nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 100USD năm 1986 lên gần 2.000USD năm 2014.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đạt được những thành công đó trước hết là nhờ Việt Nam đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt từ cơ chế quản lý nặng tính kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp, hành chính, mệnh lệnh, sang quản lý dựa trên pháp luật, tăng tính thị trường. Đã giải quyết được nhiều vấn đề xã hội bức xúc, khơi dậy sự tham gia rộng rãi của cộng đồng vào tiến trình phát triển. Đã phát huy được các lợi thế so sánh theo chiều rộng về tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động giá rẻ. Đã mở cửa, khơi thông các kênh hội nhập quốc tế và khu vực.

Tuy vậy, những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có nhiều dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là do các nút thắt đã, đang hình thành và lớn dần, cản trở tiến độ đổi mới. Đó là những lợi thế so sánh theo chiều rộng có xu hướng cạn dần, trong khi những lợi thế theo chiều sâu chưa phát triển. Tình trạng bất bình đẳng thu nhập, vùng, miền tăng nhanh. Nợ công ngày càng lớn. Năng lực hội nhập và năng lực cạnh tranh chưa đáp ứng được các nhu cầu ngày càng sâu rộng của xu thế toàn cầu hóa.

Gỡ nút thắt

Nếu cách đây 30 năm, để khởi động và triển khai công cuộc đổi mới, cụm từ được nhắc đến nhiều là “cởi trói”, thì trong 20 năm tới để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công cuộc đổi mới, ưu tiên hàng đầu có lẽ là cần “tháo gỡ những nút thắt” đang cản trở con đường tiến tiếp của đất nước. Từ những kinh nghiệm rút ra trong gần 30 năm qua, chúng ta có thể xác định bốn loại vấn đề cơ bản cần được giải quyết.

Vấn đề cốt lõi nhất, đóng vai trò quan trọng, là xây dựng thể chế chính trị dân chủ đi đôi với thể chế kinh tế thị trường thực thụ. Đối với Việt Nam, trong thời kỳ vừa qua chúng ta đã coi trọng đổi mới kinh tế, nhờ đó đã có những bước tiến lớn về cơ chế kinh tế, xét cả về nhận thức, thực tiễn và quy định pháp luật, đã khắc phục đáng kể những nhược điểm của hệ thống kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, hành chính, mệnh lệnh, đã thừa nhận vai trò của sở hữu tư nhân trong mối tương quan giữa các khu vực kinh tế với quốc doanh đóng vai trò chủ đạo. Trong thời kỳ mới, để nền kinh tế phát triển năng động và hiệu quả hơn, tốc độ tăng trưởng cao hơn, cần nâng cao vai trò của khu vực tư nhân tương xứng với đóng góp và hiệu quả ngày càng tăng của nó trong nền kinh tế, hướng khu vực công vào những lĩnh vực mang tính xã hội, công ích cao, nhất là việc bảo đảm an ninh, quốc phòng và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội mà khu vực tư làm kém hiệu quả.

Thứ hai là phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh động từ chiều rộng sang chiều sâu. Thực tế cho thấy, những lợi thế về phát triển theo chiều rộng dựa trên đất đai, tài nguyên thô và lao động giá rẻ cạn dần. Các ngành sản xuất sản phẩm thô, gia công, lắp ráp cũng đang giảm dần. Do vậy, chúng ta cần tăng cường phát triển các lợi thế thuộc những tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng với nguồn nhân lực chất lượng cao và các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, nhưng không nên quá thiên lệch vào một loại ngành nào. Cần có sự kết hợp giữa kinh tế công xưởng với kinh tế văn phòng và dịch vụ, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để cung cấp đủ việc làm cho lực lượng lao động trẻ, đông đảo, tránh thất nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành áp dụng công nghệ hiện đại như tài chính, ngân hàng, thương mại, hay công nghệ tiên tiến như thông tin - viễn thông, sinh học, nano, theo hướng kinh tế tri thức.

Thứ ba là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn cần đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng thông qua việc thực hiện các chính sách bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sống trong lành, hướng tới phát triển bền vững. Tăng trưởng kinh tế cao và công nghiệp hóa nhanh là kỳ vọng, một thành công của đất nước, nhưng đi kèm với nó luôn là những tác động bất lợi về môi trường, phân hóa xã hội, chênh lệch thu nhập, giàu, nghèo, vùng, miền, đòi hỏi những nỗ lực lớn mới có thể khắc phục được.

Thứ tư là mở rộng hội nhập quốc tế một cách toàn diện cả về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ… theo nguyên tắc bảo đảm độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định để phát triển. Đến nay có thể khẳng định trong các lĩnh vực đổi mới, việc mở cửa hội nhập là nhanh và thành công hơn hẳn nhiều lĩnh vực khác, vượt xa so với những dự kiến ban đầu khi nhiều người trong chúng ta vẫn thường đắn đo, cân nhắc giữa “mở hé”, “mở vừa”, hay “mở toang”? Rõ ràng chúng ta ngày càng mở cửa, hội nhập rộng rãi thông qua việc ký hàng chục hiệp định, thỏa thuận hợp tác, liên kết song phương, đa phương. Đáng chú ý là Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định hợp tác, liên kết Việt Nam - ASEAN, đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, và đang khẩn trương kết thúc đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là những nỗ lực lớn mà chúng ta đã thực hiện để tranh thủ các cơ hội do tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa mang lại.

Hướng tới mô hình thị trường xã hội bền vững

Bốn vấn đề nêu trên cho thấy tuy Việt Nam đã được nâng bậc từ nước có mức thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, nhưng mới đạt mức trung bình thấp. Nói cách khác là từ nước nghèo lên cận nghèo, chưa bền vững, rất dễ bị tái nghèo, dễ rơi vào những bẫy tái thu nhập thấp, bẫy thu nhập trung bình, bẫy nợ, bẫy tham nhũng, lãng phí, bẫy phân chia nhóm lợi ích…

Để tránh tái nghèo, cần quyết tâm giải quyết tốt bốn vấn đề nêu trên, tháo gỡ những nút thắt, những tắc nghẽn trên con đường đổi mới, đưa đổi mới tiến lên một tầm cao mới, sau những bước đi ban đầu từ nền “kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”, trải qua “cơ chế kinh tế thị trường”, rồi “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tiến tiếp lên mô hình thị trường xã hội bền vững vừa nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao vừa thực hiện công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sống trong lành.