Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Điểm mới của Luật được nhìn nhận sẽ khắc phục tình trạng chỉ chọn đơn vị có giá bỏ thầu rẻ mà không tính đến chất lượng. Các quy định cũng đều được thiết kế theo hướng hỗ trợ nhà thầu trong nước nâng cao năng lực tham gia các dự án quốc tế lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Với 88,35% đại biểu có mặt tán thành, Dự thảo Luật Đấu thầu  (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 26/11. So với dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thảo luận, Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có một số nội dung thay đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu. Cụ thể:

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định về mua hàng dự trữ quốc gia sử dụng vốn Nhà nước phải được thực hiện theo các quy định của Luật Đấu thầu tại điểm e khoản 1 Điều 1.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu và chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 (về chỉ định thầu) của dự thảo Luật  theo hướng chỉ nên áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay hoặc bí mật quốc gia; sửa Luật theo hướng giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu đề nghị bổ sung quy định về chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân tự đề xuất, đăng ký dự án đầu tư để tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích và thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại khoản 4 Điều 22 của Luật.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, có ý kiến đề nghị giữ nội dung Điều 24 của Luật Đấu thầu hiện hành về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tiễn thời gian qua có những trường hợp nếu chỉ áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư sẽ không có lợi cho quốc gia như đối với các dự án dầu khí, dự án nhà máy điện hạt nhân…

Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Điều 27 quy định: trong trường hợp đặc biệt, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư lập phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý theo hướng ghép nội dung quy định về quy trình giải quyết kiến nghị và thời gian giải quyết kiến nghị thành một điều chung, trong đó, phân định rõ quy trình giải quyết các loại kiến nghị, gồm: Kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu, kiến nghị đối với kết quả lựa chọn nhà thầu và kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, kiến nghị đối với kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Có ý kiến đề nghị quy định bổ sung trường hợp lựa chọn nhà đầu tư khai thác vận hành công trình, vận hành các dự án tại các doanh nghiệp Nhà nước, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là các hình thức mới được triển khai và thực tế chưa có tính ổn định. Do vậy, chưa nên quy định trong Luật để tránh những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh.

Liên quan đến bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 6), có ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính giữa nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và trong trường hợp tập đoàn kinh tế Nhà nước, tổng công ty Nhà nước và các công ty con Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng  việc xác định tính độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính trong các trường hợp cụ thể đòi hỏi cần xem xét, đánh giá trên nhiều phương diện, theo các tiêu chí về vốn sở hữu, về nhân sự… Những nội dung này cần được quy định một cách chi tiết trong văn bản hướng dẫn và trong hồ sơ mời thầu.

Ngoài những nội dung trên đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu nhiều ý kiến cụ thể đối với các nội dung như: Kế hoạch và quy trình lựa chọn nhà thầu, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng với nhà đầu tư, trách nhiệm của các bên trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu; đồng thời, thực hiện rà soát, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản.