Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Cần nhiều giải pháp quyết liệt

PV.

Bức tranh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực như hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN có nhiều cải thiện; vốn chủ sở hữu tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn và doanh thu đạt 10 - 15%, nộp Ngân sách nhà nước (NSNN) tăng 27%/năm, đóng góp khoảng 30% thu NSNN, 32% GDP.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng tốc toàn diện để cán đích

Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, tình hình sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2011 - 2015 về cơ bản đã đạt được một số kết quả.

Về tình hình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo kế hoạch, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện thoái gần 25.219 tỷ đồng đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm là chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Tổng kết năm 2014, tổng số các khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nói trên đã giảm 4.258 tỷ đồng; đầu tư thêm trên 1.401 triệu đồng. Khoản đầu tư thêm là do các đơn vị ghi nhận cổ tức được chia bằng cổ phiếu, DN hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài DN tương ứng với số tiền cổ tức được chia.

Tình hình thoái vốn cũng đạt nhiều con số cụ thể, năm 2012, thoái vốn 348 tỷ đồng, thu được 356 tỷ đồng; Năm 2013, thoái được 874 tỷ đồng, thu được 745 tỷ đồng; Trong giai đoạn 2014 - 2015, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Năm 2014, thoái được 4.184 tỷ đồng, thu được 4.292 tỷ đồng; 2 quý đầu năm 2015, thoái được 7.522 tỷ đồng, thu được 11.161 tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách.

Tính từ đầu năm đến 19/8/2015, các đơn vị đã thoái được 4.229 tỷ đồng, nâng tổng số vốn thoái được lên trên 8.487 tỷ đồng. Tổng giá trị vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm giảm 684,5 tỷ đồng do một số đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án tái cơ cấu. Như vậy, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp đến cuối năm 2015 là 17.470 tỷ đồng. Để hoàn thành con số này trong 3 tháng nữa là một thách thức rất lớn.

Nhìn chung, DNNN đã và đang triển khai phương án sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý điều hành, đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên, đi đôi với việc tái cơ cấu lao động, triển khai nghiên cứu, bổ sung các chính sách và mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp sau tái cơ cấu.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế đẩy nhanh tái cơ cấu

Thời gian qua, hệ thống cơ chế chính sách đã cơ ban được ban hành đồng bộ cho việc thực hiện tái cơ cấu DNNN theo hướng đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước đối với DN trong tình hình mới, đồng thời thúc đẩy và tạo điều kiện cho các DN thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh và điều kiện thị trường.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hơn nữa, quá trình cổ phần hóa của các DN phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán. Chính vì thế, Chính phủ và cơ quan quản lý cấn có những quyết sách đáp ứng tình hình mới.

Cụ thể là, để giải quyết các khó khăn trước mắt, các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã và đang được Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi cho các DN thực hiện.

Theo đánh giá từ phía Bộ Tài chính, Nhìn lại hệ thống chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã và đang tích cực hoàn thiện.

Theo đó, ngay từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/201l/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Năm 2013, Nghị định này được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế thực hiện.

Năm 2014, nhận thấy những khó khăn của quá trình triển khai, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN,…

Mới đây nhất, đầu tháng 6/2016, trong Nghị quyết của phiên họp Chính phủ tháng 5/2015, Chính phủ đã lưu ý 9 nhóm nội dung trọng tâm để kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đưa ra xin ý kiến và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 về hướng dẫn bán cổ phần theo lô; đồng thời hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Các văn bản này có hiệu lực sẽ tháo gỡ được những khó khăn cho hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN.

Bên cạnh việc đưa ra các chính sách tháo gỡ kịp thời, theo Bộ Tài chính cần triển khai các giải pháp gấp rút để đạt được mục tiêu tái cơ cấu DNNN theo đúng kế hoạch năm 2015, cụ thể:

Một là: Các bộ, ngành và DN cần thực hiện quyết liệt việc chỉ đạo sát sao tiến độ hoàn thành cổ phần hóa các DN còn lại theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2015.

Hai là: Các bộ, ngành và địa phương cũng cần công khai danh sách và tiến độ cổ phần hóa các DN, đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh tại DN.

Ba là: Các đơn vị phải đẩy mạnh hơn nữa việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành một cách chặt chẽ, có hiệu quả, có kế hoạch thoái vốn cụ thể cho từng tháng, từng khoản đầu tư ngoài ngành.

Bốn là: Phải coi kết quả của việc thực hiện đề án tái cơ cấu của từng DN là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Hội đồng thành viên, Ban lãnh đạo DN và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.