Tái cơ cấu kinh tế, những bước đi chậm chạp

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

(Tài chính) Đã gần 3 năm kể từ Đại hội Đảng lần thứ XI, hơn 2 năm Hội nghị Trung ương 3 và gần 2 năm Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020.

Tái cơ cấu kinh tế, những bước đi chậm chạp
Những bước đi của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn khá chậm chạp. Nguồn: internet

Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã xác định năm nội dung hay định hướng chủ yếu của tái cơ cấu kinh tế bao gồm: Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu ngành kinh tế kĩ thuật và dịch vụ, và tái cơ cấu kinh tế vùng. 

Các nội dung trên gắn liền và kết nối với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, thực hiện đồng bộ thông qua một hệ thống chính sách nhất quán sẽ giúp nền kinh tế vượt ra khỏi những thách thức hiện nay đi vào thời kì phát triển bền vững mới.

Tuy nhiên, khi nhìn lại quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong hơn 2 năm nay, có thể thấy những bước đi còn khá chậm chạp, ngập ngừng, và do vậy kết quả còn rất khiêm tốn. Cho đến nay một số nội dung và giải pháp của tái cơ cấu kinh tế được ban hành và bước đầu thực hiện chủ yếu tập trung vào ba nhiệm vụ: Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu đầu tư công. Hai nội dung tái cơ cấu ngành kinh tế kĩ thuật và dịch vụ; tái cơ cấu kinh tế vùng thì chưa thấy bàn tới.

Như vậy ngay từ đầu, việc thực hiện “Đề án tổng thể” đã thiếu sự tổng thể và gắn kết; nguy cơ thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, hạn chế tác động qua lại và sự bổ sung cho nhau giữa 5 nội dung tái cơ cấu, hạn chế hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp chính sách rất dễ xảy ra.

Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, ý tưởng cơ bản là giảm đầu tư nhà nước, tăng đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư nói chung và đầu tư nhà nước nói riêng, đặt đầu tư xã hội trong mối quan hệ cân đối với các nhiệm vụ cơ bản của nền kinh tế. Nhìn lại một số việc đã làm trong khoảng hai năm qua, có thể thấy tỉ trọng đầu tư/GDP và tín dụng ngân hàng đã giảm đáng kể; tỉ trọng đầu tư của Nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm từ 51,8% thời kì 2001 – 2005, xuống còn khoảng 37% trong 9 tháng đầu năm nay.

Một số dự án đầu tư đã được đình hoãn, cắt giảm, nhờ đó phân bố vốn đã tập trung hơn. Song những việc này về cơ bản mang tính tình huống, ngắn hạn, chủ yếu xử lí thực trạng quyết định đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn trước những khó khăn của kinh tế vĩ mô và sự khan hiếm nguồn lực, hơn là bằng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư với những chủ đích rõ ràng.

Cũng chưa có bất cứ bằng chứng nào về sự chuyển dịch nguồn lực theo hướng giảm đầu tư nhà nước, tăng đầu tư tư nhân, mà dường như ham muốn đầu tư nhà nước vẫn còn rất lớn. Trong khi thể chế mới cho quản lí, phân bố và sử dụng vốn đầu tư nhà nước chưa được thiết lập, Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ chưa đủ tạo khung pháp lí cho tái cơ cấu đầu tư công, đã có không ít dấu hiệu cho thấy nguy cơ nới lỏng chính sách tài khóa, gia tăng vốn đầu tư nhà nước và từng bước khôi phục lại kiểu đầu tư dàn trải, phân tán. Như vậy, quá trình tái cơ cấu đầu tư công có nguy cơ chưa kịp bắt đầu đã bị cản trở.

Về tái cơ cấu DNNN, đã có khá nhiều chủ trương, định hướng lớn và các văn bản của Nhà nước liên quan được ban hành. Tuy nhiên, có thể thấy những việc đã làm còn rất ít và chậm so với yêu cầu, thể hiện rõ nhất ở tiến độ cổ phần hóa. Trong năm 2012 cả nước chỉ cổ phần hóa được 13 doanh nghiệp (bằng 14% kế hoạch) và trong 7 tháng đầu năm 2013 chỉ cổ phần hóa 16 DNNN.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã rà soát, phân loại và xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh; một số đã ban hành mới, bổ sung sửa đổi các quy chế quản lí nội bộ, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy và sắp xếp lại cán bộ, nhưng việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn rất khó khăn.

Quan trọng hơn, những yêu cầu rất cơ bản của tái cơ cấu DNNN gần như chưa được chạm tới. Quan niệm về vai trò và chức năng của DNNN nói chung và tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng vẫn không thay đổi; việc áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỉ luật thị trường đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hầu như chưa có chuyển biến, kể cả trong tư duy, quan niệm và hành động chính sách; chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc và thực tiễn quản trị tốt đối với DNNN, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, chủ yếu vẫn theo cách làm cũ.

Cách xây dựng đề án tái cơ cấu DNNN cũng có những điều chưa ổn. Việc Chính phủ chấp nhận cho các tập đoàn kinh tế, DNNN lớn tự xây dựng đề án tái cơ cấu của mình rồi trình Chính phủ phê chuẩn khó giúp có được những đề án cải cách mạnh mẽ, triệt để, do rất khó trông đợi các DNNN “tự lấy đá ghè chân mình”.

Mặt khác, tái cơ cấu DNNN không thể tách rời việc cải cách vai trò của các cơ quan nhà nước đang vừa đóng vai chủ sở hữu, vừa thực hiện chức năng quản lí nhà nước đối với các DNNN này. Tái cơ cấu DNNN cũng rất khó thực hiện được chừng nào còn cơ chế xin-cho hay xin – chia, đặc biệt trong đầu tư và chi tiêu công, trong phân bổ các nguồn lực mà Nhà nước nắm giữ hoặc chi phối.

Đề án Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được đưa ra khá sớm và phân chia thành 3 giai đoạn chính, bao gồm tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém, xử lí nợ xấu và tái cơ cấu toàn diện tất cả các ngân hàng thương mại. Đến nay đã đạt một số kết quả như bảo đảm được thanh khoản, an toàn của hệ thống đã được kiểm soát; nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống được đẩy lùi; các ngân hàng yếu kém đang được tái cơ cấu theo phương án phê duyệt.

Đề án xử lí nợ xấu đã được phê duyệt, Công ty Quản lí tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động, khởi động việc mua lại nợ của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, thông tin chính thức và đầy đủ về kết quả tái cơ cấu các ngân hàng thương mại còn ít và khó kiểm chứng. Ngân hàng Nhà nước công bố tổng số nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã giảm xuống, nhưng tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại và DNNN vẫn là những con số đáng hoài nghi.

Cuối cùng, những yếu tố quan trọng thúc đẩy và tạo điều kiện để tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đại hội lần thứ XI của Đảng đã lựa chọn phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế là ba đột phá chiến lược cho giai đoạn 2011 – 2020. Tuy nhiên, hơn nửa nhiệm kì Đại hội đã trôi qua, những kết quả trên các lĩnh vực đột phá này còn rất khiêm tốn. Vì vậy, những bước đi chậm chạp của quá trình tái cơ cấu kinh tế có thể hiểu được do đâu?