Tái cơ cấu ngành: Thay đổi toàn diện

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Để thực hiện lộ trình tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt cần những giải pháp đột phá nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư xung quanh vấn đề này.

Tái cơ cấu ngành: Thay đổi toàn diện - Ảnh 1
Ông Đặng Huy Đông
Phó
ng viên: Thưa ông, trong Đề án tái cơ cấu kinh tế thì vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được các tập đoàn, DNNN thừa nhận là rất khó, nhất là với trường hợp Vinashin, Vinaline, bởi liên quan tới các khoản nợ nần, thua lỗ ?

Ông Đặng Huy Đông: Phải nói rằng sau khi tiếp nhận chuyển giao các DN này đã phải xử lý rất nhiều vấn đề phát sinh. Đặc biệt là nợ và nhân sự, giải quyết nhiều hợp đồng cũ với các đối tác... Trong đó có cả việc xử lý khối tài  sản đã đầu tư nhưng các DN nhận chuyển giao không có nhu cầu sử dụng.

Không chỉ khó khăn cũ tồn đọng chưa giải quyết, nhiều khó khăn mới đã phát sinh sau khi được chuyển giao. Vì chuyển giao nguyên trạng nên chủ mới phải nhận luôn cả tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng của DN cũ. Nhiều khoản nợ của các DN, dự án cũ chuyển từ Vinashin sang cho các DN rất lớn nhưng hồ sơ không đầy đủ.

Hầu hết các hạng mục công trình xây dựng và cơ sở thiết bị chuyển từ Vinashin còn dở dang nên chưa thể phát huy vào sản xuất, thậm chí có những dự án chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dẫn đến khó khăn trong thanh quyết toán. Đặc biệt đối với khoản chênh lệch giữa dự toán và giá trị thực chi. Thậm chí, có những DN, dự án không thể tiếp tục hoạt động được hoặc không đáp ứng yêu cầu tiếp tục tồn tại…

Trong báo cáo rà soát mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về thực hiện cổ phần hóa các Tập đoàn, DNNN công ích, có DN sau khi cổ phần hóa, vốn nhà nước vẫn chiếm trên 95% ?

Thực tế hiện nay, phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích mà nhiều DNNN buộc phải “ôm” đang rất khó cổ phần hóa hay thực hiện theo các hình thức đấu thầu, lựa chọn  DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ này… Mức hỗ trợ từ ngân sách cho các sản phẩm, dịch vụ này không đảm bảo tái đầu tư, nên khó hấp dẫn các nhà đầu tư, các DN ngoài nhà nước tham gia.

Đã đến lúc, các DNNN phải chủ động, tự nguyện đẩy nhanh kế hoạch cổ phần hóa hay thoái vốn bởi dù đã được duyệt nhưng sẽ khó hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đang không thuận cho các hoạt động thoái vốn, mua bán cổ phần. Đó là chưa kể, vốn phải thoái của các DNNN là rất đa dạng, không chỉ là chuyển nhượng cổ phần, phần góp vốn, mà cả bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án…

Thưa ông, nhiều lãnh đạo tập đoàn phàn nàn, Thông tư 117/2010/TT-BTC quy định việc thoái vốn các khoản đầu tư tài chính ngoài ngành phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn và không được thấp hơn giá thị trường... đang là rào cản khiến cho tốc độ tái cơ cấu ngày càng chậm chạp?

Đây cũng chính là lý do mà lãnh đạo của nhiều tập đoàn, Tổng công ty cho rằng, nếu không giải quyết kịp thời các vướng mắc nói trên, thì việc thoái vốn khó hoàn thành trước năm 2015…

Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 339/QĐ-TTg. Đề án có mục tiêu rộng lớn, bao quát nhiều mặt, hướng tới việc thay đổi toàn bộ mô hình tăng trưởng kinh tế, thể hiện quyết tâm tạo ra sự thay đổi căn bản và triệt để trong cách thức phát triển kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu ngành đầu tư công, các tổ chức tín dụng, các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

Chính vì công tác triển khai tái cơ cấu còn chậm nên Chính phủ chỉ đạo phải triển khai quyết liệt trong những tháng cuối năm 2013, thể hiện quyết tâm và tập trung sức lực đối với công tác tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt đối với khối DNNN, lĩnh vực ngân hàng và đầu tư công.

Việc giao DNNN yếu kém của tập đoàn này cho tập đoàn khác quản lý như trong thời gian vừa qua chưa phải là hình thức chuyển giao theo cơ chế thị trường.
Cho đến nay, hầu hết các tập đoàn,Tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Theo đó, các tập đoàn kinh tế sẽ dần rút khỏi việc đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng từ nay đến hết năm 2015.

Đến nay chỉ có PVN là thoái vốn hoàn toàn khỏi ngân hàng OceanBank. Còn các Tập đoàn khác vẫn chủ trương thoái vốn nhưng chưa bắt kịp tiến độ đề ra. Như tôi đã nói ở trên, điểm tắc nhất vẫn là không tìm được đối tác để thực hiện thoái vốn tại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành như tài chính, ngân hàng, bất động sản... Điều này đồng nghĩa tổng giá trị đầu tư ngoài ngành của PVN là 5.800 tỉ đồng (dù không cao so với vốn chủ sở hữu 304.000 tỉ đồng của tập đoàn), tiếp tục bị “treo”, không biết đến bao giờ mới thu hồi được.

Thưa ông, điểm mới lần này là một Tập đoàn làm ăn rất có lãi trong các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành nhưng vẫn phải thoái vốn đó là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)?

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm tài chính 2012 của Petrolimex, các ngành kinh doanh ngoài ngành khác mang về cho Tập đoàn này khoản lãi 978 tỉ đồng. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đặt ra là xây dựng Petrolimex thành tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam, giữ vai trò bình ổn thị trường xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu tập đoàn này phải thoái vốn các DN thành viên ngoài lĩnh vực kinh doanh chính có hiệu quả thấp, không mở rộng đầu tư ngoài ngành, tiến tới chấm dứt đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Lộ trình thoái vốn từ năm 2011 đến năm 2015.

Ngoài 4 lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán (nếu không phải là ngành kinh doanh chính, được giao) thì các tập đoàn, Tổng công ty phải thoái vốn. Các tập đoàn và tổng công ty phải trình Chính phủ đề án tái cơ cấu DN của mình. Trong đề án tái cơ cấu, thì các tập đoàn và Tổng công ty phải xây dựng phương án thoái vốn.

Còn thoái như thế nào, lúc nào cho đảm bảo hiệu quả nhất trong một giai đoạn thì các tập đoàn và Tổng công ty phải xây dựng đề xuất. Tức là DN phải xây dựng rõ kế hoạch và lộ trình thoái vốn. Trong đề án tái cơ cấu cũng phải báo cáo các khoản nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi để có phương án xử lý.

Xin cám ơn ông!