Thanh lọc doanh nghiệp nhà nước bằng sự trừng phạt của thị trường

Theo nld.com

(Tài chính) Chương trình tái cơ cấu kinh tế đã được triển khai gần 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa đạt được nhiều kết quả. TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, trao đổi về vấn đề này

Phóng viên:Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được trong việc tái cơ cấu kinh tế ?

 Thanh lọc doanh nghiệp nhà nước bằng sự trừng phạt của thị trường - Ảnh 1

TS. Nguyễn Đình Cung,
quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương

TS. Nguyễn Đình Cung: Việc tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế từ tăng trưởng nhờ đầu tư khai thác tài nguyên sang mô hình tăng trưởng nhờ năng suất và năng lực cạnh tranh. Sau hơn một năm nhìn lại và so sánh với tiêu chí này, vẫn chưa thấy sự thay đổi phương thức tăng trưởng. Ít nhất, tái cơ cấu phải đưa nền kinh tế qua được bước ngoặt.

Cụ thể là đằng sau sự tăng trưởng là thay đổi cơ chế, tái cơ cấu đầu tư công và quản lý DN nhà nước (DNNN) chứ không phải phục hồi tăng trưởng bằng tăng đầu tư công, tăng phát hành trái phiếu theo mô hình tăng trưởng nhờ đầu tư. Nhưng đến nay chưa thấy được bước ngoặt này như kỳ vọng.

Hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế DNNN này vẫn chưa có sự cải thiện, nguyên nhân vì sao, thưa ông ?

Đến nay đã có 68 tập đoàn, tổng công ty (TCT) được phê duyệt đề án tái cơ cấu; 101 phương án sắp xếp đổi mới DN của các bộ, ngành đã được thông qua. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu khu vực này còn rất chậm, cần phải xác định rõ chậm so với tiêu chí nào.

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi chỉ phân tích một nguyên nhân chính là thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, TCT, mục tiêu phải hoàn thành vào năm 2015 nhưng quá trình triển khai đang vướng mắc ngay từ quan niệm. Thoái vốn thực chất là phân bố lại nguồn lực theo cơ chế thị trường trên phạm vi toàn quốc và nền kinh tế, nhằm chuyển những nguồn lực của nhà nước hiện đang nằm “chết” ở đâu đó, hoặc sử dụng không hiệu quả, sang những lĩnh vực đầu tư có hiệu quả. Nhưng cách làm hiện nay là thoái vốn để cắt lỗ, chỉ bán những khoản đầu tư ngoài ngành đang lỗ mà lại đòi bán với giá cao, trong khi nếu có cho không thì chưa chắc đã có người lấy.

Theo ông, cần có giải pháp gì để tháo gỡ nút thắt này?

Tôi cho rằng cần thay đổi tư duy, sửa đổi những quy định, tạo khung pháp lý phù hợp để các tập đoàn, TCT thực hiện được việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo lộ trình đề ra. Đó là có hướng dẫn cụ thể về sử dụng giá thị trường của vốn làm tiêu chí đo lường mức độ bảo toàn vốn; các loại vốn có thể thoái vốn, phương thức thoái vốn tương ứng; khách hàng tiềm năng, điều kiện và giới hạn đối với người mua (nếu có); thẩm quyền và quy trình ra quyết định thoái vốn.

Bên cạnh đó cần có cơ chế định giá đối với các loại vốn cần thoái…

DNNN vẫn được sử dụng làm công cụ điều tiết thị trường, điều tiết nền kinh tế, tư duy này sẽ dẫn đến hạn chế gì, thưa ông?

Quan niệm và cách làm này không phù hợp với vai trò nhà nước nói chung và DNNN nói riêng trong nền kinh tế. Trong trường hợp này không phải nhà nước áp đặt luật chơi cho DN mà trái lại, DN áp đặt luật chơi lên thị trường, gây méo mó và bất bình với các chủ thể khác. Chủ trương áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với các tập đoàn, TCT nhà nước đã được tuyên bố từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng khiến khu vực DNNN khó hoạt động hiệu quả. Khi gặp khó khăn cứ cố cứu DN thông qua miễn, giảm thuế, giảm nợ sẽ khó tái cấu trúc được DNNN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

DNNN phải hoạt động theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu, khi sa lầy vào nợ nần phải thay người đứng đầu chứ không phải tìm cách giải cứu. Phải để nguyên tắc thị trường trừng phạt mới mong thanh lọc được.