Xiết chặt hình thức chỉ định thầu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Chỉ định thầu được coi là hình thức đấu thầu kém cạnh tranh nhất, nhưng hiện vẫn chiếm trên 2/3 tổng số gói thầu hàng năm ở nước ta. Cho ý kiến vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Sáu, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị hạn chế các hình thức áp dụng chỉ định thầu, đồng thời, có các chế tài cụ thể để khắc phục tình trạng nhà đầu tư xé nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu nhằm trục lợi bất chính, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Xiết chặt hình thức chỉ định thầu
Chỉ định thầu được coi là hình thức đấu thầu kém cạnh tranh nhất, nhưng hiện vẫn chiếm trên 2/3 tổng số gói thầu hàng năm ở nước ta. Nguồn: internet

Thời gian qua, hình thức chỉ định thầu được sử dụng phổ biến hơn cả trong hoạt động đấu thầu ở nước ta, kéo theo một loạt những tiêu cực phát sinh. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số lượng gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, bao gồm cả đầu tư phát triển và chi thường xuyên năm 2011 là 70%, năm 2012 là 73% so với tổng số gói thầu.

Điều đáng nói, đây là hình thức đấu thầu kém cạnh tranh nhất, chứa đựng nhiều nguy cơ phát sinh tiêu cực nhất trong hoạt động đấu thầu. Thực tế, nhiều chuyên gia đã chỉ ra, các gói thầu chất lượng kém, thời gian thi công kéo dài, tổng mức đầu phải hiệu chỉnh nhiều lần… là hệ quả của các tiêu cực phát sinh từ hình thức chỉ định thầu.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu này đã quy định cụ thể 6 trường hợp chỉ định thầu và 1 trường hợp chỉ định thầu giao Chính phủ quy định. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về điều kiện, quy trình, tiêu chí áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư; quy định rõ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác đối với gói thầu khi có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác dù gói thầu đó thuộc trường hợp chỉ định thầu và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu nhằm thể hiện quản lý chặt chẽ việc chỉ định thầu, tránh chỉ định thầu tràn lan.

Nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với việc dự thảo Luật quy định cụ thể các hình thức chỉ định thầu. Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà (TP. Hà Nội), về hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dự thảo Luật quy định áp dụng chỉ định thầu với trường hợp “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển; gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu dưới 200 triệu đồng” là đúng nguyên tắc.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể để bảo đảm ngăn chặn hiện tượng xé nhỏ gói thầu, chia giai đoạn đầu tư để lạm dụng chỉ định thầu, trúng thầu như thực tế đã xảy ra nhiều thời gian gần đây.

Quy định chỉ định thầu được áp dụng hạn chế trong việc cung ứng một số loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ trong những điều kiện nhất định, hoàn cảnh, tình huống nhất định. Tuy nhiên, trong 2, 3 năm qua, có đến hơn 70% các gói thầu được thực hiện bằng hình thức này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) nhận định, con số này thể hiện rõ rằng các quy định hiện hành về đấu thầu còn nhiều sơ hở, chưa chặt chẽ, dẫn đến tạo khe hở cho cả chủ đầu tư và nhà thầu lách luật để vận dụng, phát sinh ra các tiêu cực gây lãng phí và thất thoát tài sản nhà nước. Tán thành với cách quy định cụ thể các hình thức chỉ định thầu, đại biểu cho rằng cần phải quy định chặt chẽ các vấn đề liên quan đến điều kiện, thủ tục, trình tự, thẩm quyền trong việc thẩm định quyết định, nhất là đối với các gói thầu liên quan đến xây dựng cơ bản mà vận dụng trường hợp khẩn cấp và cấp bách. Trong đó, cần quy định thêm tiêu chuẩn về thời gian thực hiện gói thầu.

Thực tế, nhiều trường hợp áp dụng chỉ định thầu vận dụng trường hợp bất khả kháng là khẩn cấp và cấp bách nhưng lại kéo dài thời gian thi công trong quá trình thực hiện, không thể hiện rõ tính chất cấp bách của dự án.

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Sỹ Cương, thực tế thì các chủ đầu tư luôn thích áp dụng hình thức chỉ định thầu bởi đây là hình thức có thể dễ dàng phát sinh tiêu cực. Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này sau khi được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến góp ý đã được hoàn thiện nhiều. Các quy định về đấu thầu, chỉ định thầu cũng được quy định cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ.

Tuy nhiên, để có thể khắc phục được hết các bất cập trong hoạt động đấu thầu những năm qua, làm lành mạnh và minh bạch hóa hoạt động đấu thầu, việc triển khai hướng dẫn, thực thi luật và giám sát triển khai luật cũng hết sức quan trọng. Trong đó, việc tăng cường đấu thầu cạnh tranh, chuyển hoạt động đấu thầu về một cơ quan độc lập, chuyên nghiệp thực hiện sẽ thúc đẩy sự chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu của nước ta.