Bình ổn hàng hóa Tết: Mở rộng đối tượng được hỗ trợ vốn

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Điểm mới trong chương trình bình ổn năm nay là hỗ trợ vốn cho nhà sản xuất, doanh nghiệp (DN) lưu thông, vận tải và nhà phân phối, thay vì trước kia chỉ hỗ trợ vốn cho các nhà phân phối.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết tại buổi tọa đàm trực tuyến “Bình ổn thị trường: Tháo gỡ khó khăn cung-cầu trong dịp Tết”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, hiện có hơn 50 địa phương báo cáo đã chuẩn bị chương trình bình ổn thị trường Tết, với số lượng DN tham gia chương trình và điểm bán cũng đông đảo hơn.

Bên cạnh đó, chương trình đã lồng kết với chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để có thể mở rộng đối tượng thụ hưởng không chỉ ở các thành phố lớn, khu vực trung tâm mà còn hướng tới các vùng nông thôn, biên giới và khu công nghiệp, khu chế xuất. Thời gian bán hàng trước trong và sau Tết cũng tăng lên, do vậy tâm lý dự trữ hàng hóa trong dân cũng không còn nhiều. Nhiều DN cam kết bán hàng giáp 30 Tết và mở cửa sau Tết sớm hơn.

“Trước kia chỉ có hỗ trợ vốn cho các nhà phân phối, nhưng năm nay chương trình đã có điểm mới là hỗ trợ cho cả nhà sản xuất, DN lưu thông, vận tải và nhà phân phối. Đặc biệt, các DN tham gia chương trình bình ổn không nhận ứng vốn với lãi suất bằng 0 như trước, mà đã có các hợp đồng vay vốn thương mại với phía ngân hàng. Ngoài ra, các địa phương đã chú ý phối hợp với nhau trong việc cân đối, lưu thông hàng hóa, tạo ra sự liên kết mới”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết.

Bà Lê Thị Ngọc Đào – Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, chương trình bình ổn năm 2013 của thành phố được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với sự tham gia của 64 DN trong đó 49 DN sản xuất và 5 DN tín dụng, trong đó có 9 nhóm mặt hàng với 350 mặt hàng trong danh mục bình ổn. Ngoài ra còn có thêm nhóm hàng phục vụ khai giảng, sữa, thuốc chữa bệnh cũng được thành phố đưa vào trong năm nay. Hiện nguồn hàng bình ổn dịp Tết chiếm 30-40% nhu cầu. Riêng mặt hàng thiết yếu như thịt gia cầm, thịt gia súc, trứng gia cầm chiếm 60% nhu cầu của thị trường, có thể chi phối thị trường hàng hóa.

Ông Chu Xuân Kiên – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, trong nội đô, ngoài các siêu thị và cửa hàng tiện ích, Hapro còn cam kết với TP. Hà Nội và Bộ Công thương sẽ có khoảng từ 10-15 điểm bán 24/24h trong dịp Tết để phục vụ người dân.