Cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập

Hải Nam

(Taichinh) - Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) gồm 10 nước thành viện sẽ có hiệu lực với 5 trụ cột chính: Một nền sản xuất và thị trường thống nhất; thuế suất hàng hóa hầu như bằng 0; thị trường dịch vụ thống nhất và thị trường đầu tư thống nhất; dịch chuyển vốn đầu tư tự do giữa các nước thành viên; lao động có tay nghề được tự do chuyển dịch trong 10 nước thành viên. Tất cả các cam kết này đòi hỏi Việt Nam phải có bước phát triển vượt bậc về thể chế kinh tế thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ kết quả cải cách…

Năm 2014 là năm đánh dấu sự cải cách thể chế mạnh mẽ bằng việc Quốc hội thông qua một loạt các luật quan trọng như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Đầu tư công...

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, đến nay, nhờ sự chỉ đạo tích cực và quyết liệt của Chính phủ, các mục tiêu của năm 2014 đã bước đầu có những kết quả đáng khích lệ. Nhìn chung, các chỉ tiêu về thuế quan, tiếp cận điện, thương mại qua biên giới, khởi sự doanh nghiệp... đã cắt giảm 1/3, thậm chí là 2/3 thời gian so với trước kia. Điều này cho thấy, sự tiến bộ vượt bậc của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Đến nay, nước ta đã giảm được tới gần 400 giờ nộp thuế; giảm thời gian cấp điện cho doanh nghiệp từ 115 ngày còn 18 ngày; thủ tục hải quan đã áp dụng cơ chế thông quan điện tử, một cửa quốc gia, kết nối 3 bộ thành lập cơ sở dữ liệu chung... Kết quả này đã nhanh chóng có tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, VCCI đang tiến hành điều tra hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với thủ tục thuế, VCCI thực hiện khảo sát 460.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành. Còn đối với thủ tục hải quan, VCCI khảo sát 33.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên tại 34 cục hải quan. Nội dung khảo sát tập trung vào vấn đề tiếp cận thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính, sự phục vụ của công chức, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính trong hai lĩnh vực này…

Kết quả khảo sát sẽ phản ánh thực trạng hoạt động cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế, hải quan và đưa ra các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đối với hai cơ quan này. Đây cũng là cách để xây dựng bộ công cụ đánh giá, giám sát cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị nỗ lực cải cách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông Tuấn cho biết, kết quả khảo sát ngành Thuế sẽ được công bố vào tháng 5/2015, còn ngành Hải quan sẽ công bố vào tháng 7/2015.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, thời gian qua, ngành Tài chính đang có sự thay đổi tư duy mạnh, có nỗ lực cao trong cải cách thủ tục thuế, hải quan, thường xuyên tổ chức đối thoại lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp về các quy định của ngành. Giai đoạn 2015 - 2016, ngành Tài chính chắc chắn sẽ thực hiện được các mục tiêu của Chính phủ đã đưa ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP.

Đến quyết tâm chinh phục mục tiêu cao hơn

Trong Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đề ra mục tiêu cụ thể là trong 2 năm phải đưa nền kinh tế Việt Nam vươn đến mức trung bình của ASEAN- 6. Mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016, trong đó xác định yêu cầu đến hết năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt và vượt mức này (rút ngắn thời gian nộp thuế không quá 121,5 giờ/năm; nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm; thực hiện thủ tục kinh doanh tối đa 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 36 ngày; thời gian hàng hóa nhập khẩu qua biên giới tối đa là 13 ngày với hàng hóa xuất khẩu; 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu... ); và đến hết năm 2016, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam thiểu phải đạt mức trung bình của nhóm ASEAN-4 đối với một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Vai trò chủ đạo của doanh nghiệp

Để đổi mới thể chế có hiệu quả, bên cạnh sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước còn cần có sự tham gia tích cực, chủ động của doanh nghiệp. Trong quá trình hình thành tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia rất tích cực thông qua vai trò của VCCI và các hiệp hội ngành hàng. Các cơ quan này thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại để các doanh nghiệp có cơ hội kiến nghị và những góp ý cụ thể vào từng điều, từng khoản có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trên thực tế, rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp đã được tiếp thu trong quá trình xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật. Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế cho biết thêm, sau đợt tổng rà soát lớn nhất ý kiến doanh nghiệp đối với 16 luật liên quan kinh tế, Quốc hội đã ban hành và sửa đổi hầu hết 16 luật này. Đặc biệt, có đến 60 - 70% kiến nghị của doanh nghiệp đã được thực thi.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế cho rằng, trong thời gian qua, ý thức xây dựng văn bản pháp luật của một số bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa cao, mặc dù các chính sách này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ. Khi VCCI gửi công văn xuống các hiệp hội xin ý kiến doanh nghiệp để soạn thảo các văn bản pháp luật, số doanh nghiệp tham gia phản hồi rất ít và dường như không quan tâm.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các doanh nghiệp bằng các hoạt động thực tiễn của mình cần tiếp tục phát hiện và kiến nghị với cơ quan hữu quan những khó khăn, vướng mắc của mình trong quá trình thi hành các văn bản pháp luật để từ đó các cơ quan này xem xét sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển vững mạnh.

Để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng các văn bản pháp luật, vai trò cầu nối của các hiệp hội ngành hàng là hết sức quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ dành nhiều nguồn lực để tăng cường năng lực cho các hiệp hội, tạo tiền đề hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, để doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, quan trọng không phải chỉ có các đạo luật tốt, thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn đòi hỏi những thay đổi tích cực từ thực tiễn. Do đó, các cơ quan làm luật và thực thi luật cần lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp nhiều hơn, tăng cường đối thoại, gỡ vướng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục phát hiện, kiến nghị và đề xuất lên các cơ quan chức năng để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.