Cải thiện môi trường đầu tư:

Cần nghe những lời nói thẳng

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Chậm trong cải cách thủ tục hành chính, thiếu nhân lực quản lý, hụt nguồn cung ứng nguyên phụ liệu… đang là những yếu tố làm cản dòng vốn của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.

Chính sách đi ngược lại mục tiêu nên ngành công nghiệp ôtô chưa phát triển. Nguồn: internet
Chính sách đi ngược lại mục tiêu nên ngành công nghiệp ôtô chưa phát triển. Nguồn: internet
TS. Daisuke Hiratsuka- Phó Chủ tịch thường trực Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) - cho biết, Nhật Bản đang có động thái chuyển một phần mạng lưới sản xuất của nước này ra khỏi Trung Quốc – nơi hiện đang tập trung nhiều nhất nguồn vốn FDI của Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ông Daisuke Hiratsuka, dù Việt Nam đang có nhiều lợi thế đón dòng đầu tư mới của Nhật Bản, song nói một cách thẳng thắn, đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam không phải là điểm đến duy nhất mà bên cạnh đó còn có Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia... Do vậy, trong quá trình tìm kiếm thêm thị trường đầu tư, Nhật Bản thường tìm kiếm quốc gia có chính sách đầu tư tốt và xem xét chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm đó, Đại sứ Nhật Bản Yasuaki Tazanaki - cho biết, Việt Nam hiện có thuận lợi khi gây được thiện cảm với các nhà đầu tư Nhật Bản, tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy không yên tâm. “Lo ngại nhất là vấn đề thể chế, cải cách mất rất nhiều thời gian. Nếu Việt Nam không cải cách, sẽ không thể thu hút vốn đầu tư Nhật Bản một cách bền vững được”- Đại sứ Nhật Bản nói.

Theo ông Yasuaki Tazanaki, trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải một số tác động không tốt, chậm trong cải cách thủ tục hành chính, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chậm và mất cân bằng cung - cầu một số sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là thị trường bất động sản. Ông Yasuaki Tanizaki cũng nhấn mạnh 3 vấn đề lớn Việt Nam cần tiếp tục khắc phục là cải thiện thể chế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Đề cập về những bất cập trong môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Motonobu Sato - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) – nhấn mạnh: Việt Nam đang thiếu nhân lực quản lý cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong khi đó, điện cung cấp không ổn định, thiếu hụt cơ sở hạ tầng, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, tính minh bạch chưa cao…

Tính riêng vài năm trở lại đây, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng rất nhanh. Năm 2012, có 317 dự án được cấp phép với vốn đăng ký 5,6 tỷ USD, chiếm tới 50% vốn FDI vào Việt Nam. 6 tháng đầu năm nay, Nhật có vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm gần 4 tỷ USD.

Ngoài ra, ông Sato nhận định Việt Nam đưa ra rất nhiều chiến lược về cải cách, nhưng thiếu đề cập về thời điểm hoàn thành. Nếu nền kinh tế không kịp thời cải cách thì trong các vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiếp theo và khi Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực vào năm 2018, câu hỏi được đặt ra là liệu Việt Nam có đủ khả năng tham gia hay không?.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, Việt Nam cần thay đổi và hoàn thiện chính sách hơn. Bộ trưởng Vinh cũng đưa ra một ví dụ điển hình là ngành công nghiệp ôtô tuy có chiến lược tham vọng nhưng chính sách lại đi ngược lại mục tiêu nên đã “kìm hãm và tiêu diệt” ngành công nghiệp non trẻ này của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đã đến lúc Việt Nam phải nghe những lời thẳng thắn và phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư bởi nếu không, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản sẽ không lựa chọn Việt Nam là điểm đến, mà sang các quốc gia lân cận.