Chất lượng thặng dư thương mại

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức gần 2 tỷ USD - cao hơn nhiều so với hai năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Nguồn: internet
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Nguồn: internet

Sau hơn một thập kỷ thâm hụt cán cân thương mại triền miên, sự đảo chiều suốt 3 năm qua đã tạo nên kỳ tích xuất khẩu của nước ta. Đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều những sản phẩm xuất khẩu mới với hàm lượng công nghệ cao hơn như điện thoại, đồ điện và điện tử… bên cạnh những hàng hóa xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày, dầu thô, gạo, cà phê, thủy sản, đồ gỗ…

Thậm chí, kim ngạch xuất khẩu điện thoại đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu nhóm hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu cao nhất với hàng chục tỷ USD từ cơ hội một số tập đoàn xuyên quốc gia lựa chọn Việt Nam làm một trong những cứ điểm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch mạnh trong thời gian tới khi hàng loạt dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quy mô hàng tỷ USD đầu tư vào sản xuất hàng xuất khẩu đi vào hoạt động. Khi đó, tỷ trọng của khu vực có vốn FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ không dừng lại ở con số 2/3 như hiện nay. Cơ cấu thị trường sẽ tiếp tục được đa dạng, một mặt tích cực thâm nhập những thị trường then chốt và khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… mặt khác mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường ASEAN, Nga, Hàn Quốc, châu Phi… Đóng góp vào thành tích thặng dư cán cân thương mại còn có sự tăng chậm lại của tổng kim ngạch nhập khẩu đi đôi với chuyển dịch cơ cấu hàng hóa nhập khẩu khi tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng chiếm chưa đến 7%, còn nhập khẩu máy móc, thiết bị dụng cụ chiếm hơn 1/3 và nguyên vật liệu chiếm gần 60%.

Tuy vậy, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia của Bộ Tài chính cho rằng, chất lượng thặng dư cán cân thương mại còn không ít hạn chế. Đáng lo nhất là khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nhập siêu triền miên với quy mô lên tới hàng chục tỷ USD. Giá trị gia tăng từ hàng xuất khẩu không cao do chủ yếu vẫn dừng ở trình độ gia công, lắp ráp. Thêm vào đó, kim ngạch xuất khẩu tăng vọt ở một số nhóm hàng còn mang tính bị động, phụ thuộc vào chiến lược và kế hoạch của một vài tập đoàn xuyên quốc gia trong khi thiếu sự chủ động ngay từ khâu kêu gọi đến phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án FDI lớn. Chiến lược xuất nhập khẩu thiếu linh hoạt nên lúng túng khi phải đối phó với những biến động của thị trường thế giới, chẳng hạn khả năng giá dầu thô sụt giảm mạnh trong năm 2015 hay lộ trình mở cửa thị trường trong nước và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp quốc tế theo các cam kết hội nhập song phương và đa phương.

Cuối cùng, trình độ của cơ quan quản lý chưa theo kịp yêu cầu phát triển thương mại của đất nước. Điển hình như liên tục 3 năm liền dự báo cán cân thương mại thâm hụt 6 – 12% so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi thực tế không những không thâm hụt mà còn thặng dư cả tỷ USD. Hay, nội dung các đàm phán và cam kết thương mại chưa được xây dựng dựa trên phân tích, đánh giá và dự báo tác động tới các doanh nghiệp và thị trường trong nước. Thậm chí, một số bộ phận đáng kể doanh nghiệp không biết gì về các cam kết thương mại có liên quan, hoặc lúng túng trong triển khai phát triển công nghiệp phụ trợ, thay thế nhập khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước thềm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN và thực thi các hiệp định thương mại đã, sắp ký kết, những hạn chế của thặng dư cán cân thương mại cần sớm được khắc phục nếu không muốn nền sản xuất của nước ta trở thành gia công toàn diện.