Chính sách thuế đối với người tham gia bảo hiểm nhân thọ

TS.Nguyễn Văn Thành

TCTC online - Bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò kinh tế - xã hội quan trọng đối với cá nhân và xã hội. Do vậy, việc dành những ưu đãi về thuế để khuyến khích việc mua bảo hiểm nhân thọ là cần thiết. Tuy nhiên, bất cứ ưu đãi về thuế nào đối với bảo hiểm nhân thọ cũng dẫn đến giảm nguồn thu thuế. Vấn đề đặt ra ở đây là có nên áp dụng chung chính sách ưu đãi thuế đối với tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng như với mọi loại hình bảo hiểm nhân thọ hay không?


Bảo hiểm nhân thọ ngày càng trở nên quan trọng tại các nước phát triển và các nước đang phát triển. Khi nền kinh tế tham gia vào tiến trình hội nhập, bảo hiểm nhân thọ sẽ có vai trò lớn hơn như một công cụ an toàn về mặt kinh tế. Tại Việt Nam, kể từ ngày mới triển khai thí điểm năm 1996 đến nay, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã được hưởng cơ chế miễn thuế doanh thu, sau đó là thuế giá trị gia tăng. Mặt khác, Luật thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã quy định những vấn đề liên quan đến chi phí mua bảo hiểm và việc nhận quyền lợi bảo hiểm nhân thọ. Những quy định này đã phần nào khuyến khích đông đảo người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, ưu đãi về thuế đối với bảo hiểm nhân thọ cũng dẫn đến giảm nguồn thu thuế. Vì vậy, vấn đề có hay không việc áp dụng chung chính sách ưu đãi thuế đối với tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng như với mọi loại hình bảo hiểm nhân thọ đang được đặt ra. Trong phạm vi nghiên cứu này chúng tôi chỉ tập trung làm rõ vai trò kinh tế xã hội của bảo hiểm nhân thọ và những chính sách thuế cụ thể áp dụng đối với người tham gia bảo hiểm (hay còn gọi là chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ) với mục đích vừa dành những ưu đãi cần thiết đồng thời hạn chế đến mức tối thiểu việc giảm nguồn thu thuế.

Ưu đãi về thuế đối với người tham gia bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam

Theo quy định tại Thông tư 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 8/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, phí bảo hiểm do người lao động đóng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ không được khấu trừ trước khi nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, tại điểm 7 và 12 Mục III Thông tư này quy định tiền lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được miễn thuế.

Như vậy, cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân được áp dụng đối với tất cả các loại hình bảo hiểm nhân thọ như bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm niên kim cũng như các loại hình bảo hiểm nhân thọ khác như bảo hiểm liên kết đầu tư. Quy định hiện hành cũng không giới hạn quy mô của một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể được hưởng cơ chế ưu đãi thuế.

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đều dành những ưu đãi về thuế đối với người tham gia bảo hiểm nhân thọ. Điều này cho thấy vai trò kinh tế - xã hội của bảo hiểm nhân thọ là rất đáng kể.

Vai trò kinh tế - xã hội của bảo hiểm nhân thọ

Có thể nói nền kinh tế càng phát triển thì vai trò của bảo hiểm nhân thọ như một công cụ bảo đảm an toàn về kinh tế ngày càng lớn. Bảo hiểm nhân thọ có thể:

 

(i) Thay thế chương trình an sinh của chính phủ

Theo một nghiên cứu của OECD, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đã làm giảm sức ép lên hệ thống phúc lợi xã hội tại nhiều nước (Consumer and Life Insurance (1987)). Do vậy, bảo hiểm nhân thọ đã được chính phủ các nước khuyến khích phát triển. Một nghiên cứu khác của Swiss Re khẳng định rằng bảo hiểm nhân thọ cá nhân có thể thay thế các chương trình do chính phủ tài trợ (A Comparison of Social and Private Insurance, 1970-1985, in Ten Countries” Sigma (1987)). Nghiên cứu này phân tích một nhóm 10 nước thuộc OECD cho thấy mối quan hệ nghịch biến giữa doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và chi tiêu an sinh xã hội.

(ii) Huy động tiết kiệm

Ngành dịch vụ tài chính đã khẳng định vai trò quan trọng của tiết kiệm trong phát triển kinh tế. Các nước có tỷ lệ tiết kiệm cao thường phát triển nhanh hơn. Các khoản tiết kiệm tài chính được giữ dưới dạng những tài sản tài chính như tài khoản tiền gửi, trái phiếu, cổ phiếu, và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng có những thuận lợi như các trung gian tài chính khác trong việc đưa các khoản tiết kiệm ra đầu tư trong nước. Công ty bảo hiểm có thể thúc đẩy hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả với những cách thức như sau:

- Giảm chi phí giao dịch khi gắn kết người có khoản tiết kiệm và người đi vay (công ty bảo hiểm với vai trò là trung gian tài chính). Hàng nghìn cá nhân định kỳ trả các khoản phí bảo hiểm tương đối nhỏ, một phần trong số đó tạo thành một khoản tiết kiệm. Công ty bảo hiểm sẽ đầu tư khoản tiết kiệm này dưới dạng cho vay và các khoản đầu tư khác.

- Tạo ra tính thanh khoản. Công ty bảo hiểm vay ngắn hạn và cho vay dài dạn. Khái niệm vay ở đây có nghĩa là họ sử dụng phí bảo hiểm do người tham gia bảo hiểm nộp để cho vay và đầu tư dài hạn. Công ty bảo hiểm nhân thọ luôn sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm hoặc cho vay theo hợp đồng bảo hiểm đối với khách hàng.

- Thúc đẩy hiệu quả kinh tế theo quy mô trong đầu tư. Một số dự án đầu tư tại các nước đang phát triển yêu cầu lượng vốn lớn. Những dự án này thường thúc đẩy việc chuyên môn hóa, cải tiến công nghệ, do vậy có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế. Thông qua việc thu phí bảo hiểm của đông đảo người tham gia bảo hiểm, công ty bảo hiểm có thể đáp ứng yêu cầu cung cấp tài chính cho các dự án trên, góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh tế.    

(iii) Tăng cường việc phân bổ vốn hiệu quả

Công ty bảo hiểm thu thập các thông tin liên quan để đánh giá doanh nghiệp hoặc dự án với tư cách là nhà đầu tư. Trong khi các nhà đầu tư cá nhân không thể có thời gian và khả năng thu thập cũng như xử lý thông tin, công ty bảo hiểm có điều kiện thuận lợi để thực hiện những công việc này. Trong quá trình tham gia đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm có thể giám sát hoạt động của đội ngũ quản lý dự án đầu tư, qua đó giảm thiểu rủi ro của dự án. Những hoạt động của công ty bảo hiểm góp phần tìm ra các dự án đầu tư triển vọng, những dự án được quản lý tốt, góp phần thúc đẩy việc phân bổ nguồn vốn hiệu quả.

Xây dựng một chính sách thuế hướng đến người tham gia bảo hiểm

Căn cứ vào những vai trò quan trọng của bảo hiểm nhân thọ đối với kinh tế - xã hội (như công cụ huy động tiết kiệm hay bảo vệ tài chính), chính phủ các nước có những chính sách thuế phù hợp nhằm khuyến khích các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mang nhiều tính bảo vệ (các sản phẩm bảo hiểm tử kỳ) hay các sản phẩm mang nhiều tính tiết kiệm (các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp hoặc niên kim). Để bảo đảm nguyên tắc công bằng trong chính sách thuế, những ưu đãi về thuế nên chỉ dành cho những người có thu nhập thấp như việc áp dụng giảm thuế thay vì khấu trừ thuế, việc áp dụng giới hạn tối đa mức phí bảo hiểm hoặc số tiền bảo hiểm được hưởng ưu đãi về thuế…

Chính sách thuế đối với bảo hiểm nhân thọ cũng phải phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế mỗi nước. Tại những nền kinh tế đang phát triển, thủ tục hành chính về quản lý thuế chưa thể theo kịp các nước đã phát triển vì vậy việc áp dụng chính sách thuế phức tạp sẽ khó vận dụng và giám sát trong quá trình thực thi.  

Trong chính sách thuế liên quan đến người tham gia bảo hiểm, một số vấn đề cơ bản cần được xem xét là chính sách thuế đối với phí bảo hiểm, chính sách thuế đối với quyền lợi bảo hiểm sinh kỳ, chính sách thuế đối với quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm tử vong.

(i) Chính sách thuế đối với phí bảo hiểm

Một số nước áp dụng miễn giảm thuế đối với phần phí bảo hiểm nhân thọ của một vài loại hình bảo hiểm nhất định. Có nhiều cách thức giảm thuế khác nhau nhưng về cơ bản có những điểm chung như sau:

- Quy định chỉ một số sản phẩm bảo hiểm được ưu đãi thuế. Khái niệm sản phẩm bảo hiểm đáp ứng yêu cầu ưu đãi về thuế bao gồm nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa hẹp, chỉ một số người tham gia bảo hiểm được hưởng ưu đãi như những cá nhân tham gia chương trình bảo hiểm hưu trí tại Mỹ và Canada. Theo nghĩa rộng, việc miễn giảm thuế sẽ được áp dụng chung với một số loại sản phẩm bảo hiểm nhất định ví dụ như ở Nhật Bản, khoản phí bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí cá nhân) đến 5000 yên được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế.   

- Về đối tượng cần xem xét chính sách ưu đãi, nhiều nước quy định đối tượng miễn giảm là chủ hợp đồng bảo hiểm và vợ/ chồng của người chủ hợp đồng. Một số nước quy định miễn giảm thuế đối với phí bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm trẻ em.

- Hầu hết các nước đều quy định mức trần phí bảo hiểm được miễn giảm là tỷ lệ trên thu nhập chịu thuế hoặc một số tiền cụ thể. Ví dụ ở Singapore, số phí bảo hiểm dưới mức 5000 đô la hoặc 7% số tiền bảo hiểm sẽ được khấu trừ trước khi tính thu nhập chịu thuế.

- Đối với các hợp đồng bảo hiểm cung cấp quyền lợi cho người lao động, thông thường các khoản phí bảo hiểm chủ lao động đóng cho người lao động không bị coi là thu nhập chịu thuế của người lao động. Tuy nhiên, chính sách thuế cũng giới hạn mức phí bảo hiểm tối đa được hưởng ưu đãi để hạn chế trường hợp người lao động thu nhập cao được hưởng quá nhiều quyền lợi bảo hiểm từ chủ lao động. Ví dụ ở Anh đối với những hợp đồng bảo hiểm chủ lao động đóng phí bảo hiểm tối đa tương đương từ 17,5% đến 40% thu nhập của người lao động tùy theo tuổi của người lao động thì người lao động không phải chịu thuế đối với khoản thu nhập này. 

(ii) Chính sách thuế đối với quyền lợi bảo hiểm trả lúc người được bảo hiểm còn sống

Quyền lợi chi trả khi người được bảo hiểm còn sống gồm lãi chia hợp đồng, quyền lợi tiền mặt, niên kiêm hưu trí và quyền lợi bảo hiểm cho người lao động.

- Lãi chia hợp đồng:

Lãi chia hợp đồng bảo hiểm là phần hoàn lại cho chủ hợp đồng do giả định tính phí bảo hiểm cao hơn thực tế. Như vậy phần phí bảo hiểm được hoàn lại chính là số phí bảo hiểm chủ hợp đồng đã nộp trước đó, do vậy không phải là thu nhập chịu thuế. Riêng phần lãi chia hợp đồng do doanh nghiệp bảo hiểm đạt kết quả đầu tư tốt hơn mức dự kiến thì có thể coi thuộc thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, do khoản thu nhập tăng thêm này không lớn nên thông thường các nước không đánh thuế trên khoản thu nhập này và coi đây là một ưu đãi nhỏ để khuyến khích mua bảo hiểm nhân thọ.

 - Quyền lợi tiền mặt hợp đồng bảo hiểm:

Lãi đầu tư trong giá trị tiền mặt hợp đồng có thể tính thuế như một khoản thu nhập của chủ hợp đồng. Tuy nhiên, rất ít nước áp dụng loại thuế này do khó khăn về quản lý hành chính cũng như việc nhìn nhận được giá trị xã hội của các khoản tiền tiết kiệm bảo hiểm nhân thọ.

Như một biện pháp dung hòa giữa việc đơn giản hóa và tính trung lập, thông thường thuế sẽ chỉ áp dụng khi hợp đồng bảo hiểm đáo hạn hay khi hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ. Phần phí bảo hiểm dành cho mục đích tiết kiệm sẽ là cơ sở để tính thuế. Phần phí bảo hiểm rủi ro tử vong sẽ không phải chịu thuế.

Ví dụ khi tính thuế đối với một hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp tại thời điểm đáo hạn, số thu nhập chịu thuế là số chênh lệch dương giữa quyền lợi tiền mặt đáo hạn cộng với lãi chia hợp đồng và tổng số phí bảo hiểm đã đóng. 

Một số nước tính thuế trên giá trị tài sản của cá nhân. Thuế này sẽ được tính hàng năm căn cứ vào giá trị ròng của cá nhân (tài sản trừ trách nhiệm), trừ những khoản tài sản cần thiết cho cuộc sống của cá nhân đó. Bảo hiểm nhân thọ thường được miễn loại thuế này.

- Quyền lợi niên kim hưu trí:

Niên kim hưu trí là một công cụ để người dân có thể tiết kiệm tiền dành lúc về hưu. Chính sách thuế liên quan niên kim hưu trí có ảnh hưởng quan trọng đến mức độ hấp dẫn của công cụ này đối với người dân. Chính sách thuế sẽ áp dụng với mức độ khác nhau căn cứ vào thời kỳ tích luỹ niên kim hay thời kỳ chi trả niên kim.

Trong thời kỳ tích lũy niên kim, nếu chính phủ khuyến khích tiết kiệm cá nhân thông qua chính sách thuế, cơ chế giảm thuế đối với phí bảo hiểm niên kim cũng như việc hoãn nộp thuế đối với lãi đầu tư trong niên kim.

Trong thời kỳ chi trả niên kim, mỗi khoản chi trả niên kim bao gồm phần gốc và phần lãi đầu tư. Phần lãi đầu tư được hoãn nộp trong thời kỳ tích luỹ niên kim sẽ tính vào thu nhập chịu thuế. Thêm vào đó, nếu khoản phí bảo hiểm niên kim được miễn thuế trong thời kỳ tích luỹ niên kim thì cũng sẽ tính vào thu nhập chịu thuế tại thời điểm chi trả niên kim.

Như vậy, việc tính thuế cần được cân nhắc đảm bảo người sở hữu niên kim được hưởng những ưu đãi về thuế. Các nền kinh tế chuyển đổi cần nắm được những lợi ích từ việc khuyến khích tham gia niên kim hưu trí (3).  

- Các chương trình bảo hiểm quyền lợi người lao động:

Các khoản phí bảo hiểm do chủ lao động đóng cho nhân viên khi tham gia bảo hiểm nhân thọ và y tế thường không bị coi là khoản thu nhập chịu thuế của người lao động. Người lao động chỉ chịu thuế khi nhận quyền lợi từ các hợp đồng bảo hiểm này. Lý do của việc quy định này là vì khoản phí bảo hiểm chủ lao động đóng được tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và người lao động chưa phải nộp thuế đối với khoản phí bảo hiểm được chủ lao động đóng hộ.

Đối với niên kim hưu trí do cá nhân tự mua cũng nên áp dụng những chính sách thuế ưu đãi thống nhất với chương trình niên kim do chủ lao động đóng góp để đảm bảo sự công bằng giữa những người dân. Ví dụ ở Canada mọi người dân đều có quyền tham gia chương trình niên kim hưu trí cá nhân và được khấu trừ phần phí bảo hiểm tối đa là 18% thu nhập hoặc 13.500 đô la Canada. Những người lao động đã được hưởng quyền lợi niên kim hưu trí do chủ lao động đóng góp không được hưởng ưu đãi về thuế khi tham gia chương trình niên kim hưu trí cá nhân.  

 (iii) Chính sách thuế đối với quyền lợi bảo hiểm tử vong

Chủ hợp đồng bảo hiểm mua bảo hiểm nhân thọ nhằm giảm thiểu khó khăn về tài chính đối với những người phụ thuộc khi anh ta chết. Xét về động cơ mua bảo hiểm nhân thọ, điển hình là nhu cầu tài chính rất lớn của những người phụ thuộc, rất ít nước đánh thuế thu nhập đối với quyền lợi bảo hiểm tử vong. Điều này có nghĩa là lãi đầu tư trong giá trị tiền mặt và khoản chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm trả khi tử vong và giá trị tiền mặt nếu có sẽ không phải chịu thuế. Tuy nhiên, các chính phủ vẫn quy định quyền lợi bảo hiểm tử vong chịu thuế tài sản và thừa kế. Ví dụ tại Nhật Bản, áp dụng thuế thừa kế đối với người nhận thừa kế quyền lợi bảo hiểm tử vong. Mỗi người nhận thừa kế được khấu trừ tối đa 5 triệu yên vào thu nhập chịu thuế, phần còn lại sẽ chịu mức thuế suất từ 10% đến 50%.  

Từ những nội dung nghiên cứu ở trên, có thể nói bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò kinh tế xã hội quan trọng đối với cá nhân và xã hội do vậy việc dành những ưu đãi về thuế để khuyến khích việc mua bảo hiểm nhân thọ là cần thiết. Để bảo đảm công bằng với những người có thu nhập thấp, việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản phí bảo hiểm nhân thọ cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể áp dụng giới hạn tối đa được hưởng ưu đãi thuế theo tỷ lệ phần trăm trên thu nhập và số tiền nhất định tùy thuộc mỗi loại quyền lợi bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, việc đưa ra quy định cần phù hợp với khả năng quản lý giám sát của ngành thuế và tương quan áp dụng với các ngành khác trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như chứng khoán hay ngân hàng. Việc xem xét cho phép chủ lao động tính phần phí bảo hiểm tham gia bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm y tế cho người lao động vào chi phí của doanh nghiệp là phù hợp nhằm khuyến khích những chủ lao động này, đặc biệt là những doanh nghiệp tư nhân chăm lo hơn quyền lợi của nhân viên.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Organization for Economic Cooperation and Development, Consumer and Life Insurance (1987).

2. Swiss Re, “ A Comparison of Social and Private Insurance, 1970-1985, in Ten Countries” Sigma (1987).

3. Centre for Co-operation with the Economies in Transition, Policy Issues in Insurance- Investment, Taxation, Insolvency, OECD (1996)

4. United Nations Conference on Trade and Development, Establishing Life Insurance Tax Policy in Developing Countries, UNCTAD, Geneva (1985)

5. PriceWaterhouseCoopers, International Comparison of Insurance Taxation (2007)