Chuyên gia đánh giá các phiên chất vấn Bộ trưởng

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Theo đánh giá chung của một số chuyên gia, câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội rất thẳng thắn, đi đúng vào các vấn đề đang được dư luận quan tâm. Các Bộ trưởng cũng đã làm khá “tròn vai” khi trả lời trực diện, cụ thể, không né tránh, tuy có thể vẫn chưa đáp ứng được hết các kỳ vọng của đại biểu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiến kế nhiều giải pháp bảo đảm an toàn nợ công

Đánh giá cao phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính, GS. Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đặc biệt quan tâm đến vấn đề nợ công. Ông Đạt cho rằng, để đánh giá được đầy đủ tính an toàn của nợ công, ngoài chỉ tiêu tổng nợ công/GDP, cần xem xét thêm nhiều chỉ tiêu khác như tổng nợ công/thu ngân sách Nhà nước, nghĩa vụ nợ/thu ngân sách nhà nước, nợ nước ngoài/dự trữ ngoại hối,... Về cơ bản, tại thời điểm hiện tại, các chỉ tiêu này đang nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội.

“Nợ công của chúng ta đã và đang ngày càng tiến sát hơn tới ngưỡng giới hạn an toàn cho phép”, ông Đạt phân tích “ngưỡng mà chúng ta đang đi đến là được tính sau khi xem xét tính bền vững thông qua việc nhìn nhận chi tiết hơn xu hướng của các chỉ tiêu đánh giá nợ công, cấu trúc kỳ hạn và lãi suất của các khoản nợ công và gắn với triển vọng của nền kinh tế trong những năm tới”.

Do vậy, theo ông Đạt, thời gian tới, một trong những nội dung quan trọng để đảm bảo tính an toàn của nợ công là phải tăng cường kỷ luật tài khóa, không để tình trạng bội chi thực tế vượt kế hoạch, đồng thời bội chi phải dùng để đầu tư chứ không phải dùng cho chi thường xuyên.

Trong trả lời chất vấn của Bộ trưởng cũng có nội dung liên quan đến tình hình đảo nợ. Theo ông Đạt, đảo nợ cũng là một biện pháp tái cơ cấu nợ công. Tuy nhiên, tính bền vững của nợ công chỉ được cải thiện trong quá trình đảo nợ nếu các khoản vay mới có lãi suất thấp hơn, và đặc biệt là phải có kỳ hạn dài hơn.

Theo ý kiến của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính trả lời rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu, nhưng không có nghĩa là những vấn đề đề cập đến đã giảm căng thẳng. Nợ công và đầu tư là hai vấn đề gắn liền với nhau mà hiện nay nguồn đầu tư giảm, chất lượng đầu tư không cao, vấn đề thực thi không tốt nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nợ công.

Theo ông Thiên, nợ công an toàn là xét trong điều kiện nền kinh tế đang khỏe mạnh. Nhưng khi nền kinh tế đang có vấn đề nghiêm trọng, gặp nhiều khó khăn thì lại là không an toàn.

“Ta đang tiến dần đến khái niệm theo thông lệ quốc tế nhưng không hoàn toàn, nhiều đại biểu thắc mắc về chi phí nợ công đã theo tiêu chuẩn quốc tế chưa? Có nhiều chỉ số đánh giá về việc này cao hơn khiến người dân lo lắng về các khoản nợ. Liệu có đưa được khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công không?…Việc này nên được giải thích rõ ràng, giải trình minh bạch”, ông Thiên nhận định.

Do vậy, theo ông Thiên, vấn đề cấp bách hiện nay chính là sửa luật. Có khung pháp lý tốt thì cơ chế vận hành của Chính phủ mới tốt và các vấn đề khác mới an toàn được. Hiện đã có Hiến pháp mới, vì vậy cần có sự đồng bộ trong các Luật. Nếu cần có thể tổ chức một kỳ họp riêng để giải quyết dứt điểm. Quốc hội cần sửa các nhóm luật như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách… cho đồng bộ và căn bản.

Còn giải pháp mà PGS., TSKH. Võ Đại Lược đưa ra để cải thiện tình hình nợ công, trước tiên là cần giảm bớt chi tiêu công, giảm biên chế để đảm bảo nợ được thu hẹp lại.

Nâng chất cho giáo dục cần sự mới mẻ, bứt phá

Là người đã từng có nhiều năm gắn bó với môi trường giáo dục đại học, tâm huyết với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, PGS., TS. Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội chia sẻ: “Để chất lượng giáo dục đi lên, một trong những yếu tố là sự cải thiện về các điều kiện giáo dục. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nêu việc các cấp, các ngành có liên quan đã và đang cố gắng cải thiện từ cơ sở vật chất, đến số lượng, chất lượng giáo viên, chương trình sách giáo khoa, đánh giá và thi cử... nhưng đây là những vấn đề quen thuộc của ngành Giáo dục mà chưa thấy điều gì thật sự mới mẻ, bứt phá”.

Tuy nhiên, ghi nhận một điểm mới mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đề cập được, đó là năng lực, ông Hiền nhận định “có lẽ cái mới về chất lượng mà Bộ trưởng nói lên hôm nay là năng lực mà tất cả các cấp giáo dục cần phải đạt tới”.

Nhưng năng lực đó cụ thể như thế nào thì Bộ trưởng chưa nêu rõ, bởi đây là một vấn đề còn mới nên cần thời gian để làm và rút kinh nghiệm. “Tôi hy vọng vấn đề mấu chốt này sẽ phải đề cập tới một cách sâu sắc và toàn diện nhất trong Đề án Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục của Bộ để trình Quốc hội trong kỳ họp tới”, ông Hiền nói.

Quan tâm đến điểm nóng hiện nay là vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp, trong đó là sự thay đổi vị trí của môn ngoại ngữ, PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh cho rằng các câu hỏi của đại biểu Quốc hội rất thú vị, xác đáng, đặt ra những vấn đề sát với thực tế.

Những năm trước, ngoại ngữ là một trong 3 môn thi bắt buộc nhưng năm nay đã được chuyển thành môn tự chọn. Thậm chí trước khi đưa ra phương án thi chính thức, môn ngoại ngữ còn được xem xét là môn khuyến khích, ai muốn thi thì thi. Theo trả lời của Bộ trưởng, do việc học ngoại ngữ ở nước ta ở nước ta hiện nay không giống nước nào, học sinh học hết phổ thông vẫn không giao tiếp được. Do đó, nếu đề ra môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì sẽ gây thiệt thòi cho học sinh, nhất là học sinh vùng sâu vùng xa. Theo quan điểm của ông Cương, đứng trên thực tế việc học ngoại ngữ hiện nay, nhận định này là đúng đắn.

Nghiêng về quan điểm, đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng gắn với việc đổi mới hình thức thi, tuyển sinh, ông Cương nhấn mạnh, “tôi tán thành giải pháp nhập kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi đại học thành một. Căn cứ vào kết quả thi, các trường phổ thông xác định học sinh có đủ điều kiện tốt nghiệp hay không, các trường đại học cũng căn cứ vào kết quả này, cùng kết quả học trong 3 năm phổ thông để xét tuyển vào đại học”.

Liên hệ câu nói của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong một cuộc trao đổi với báo chí cuối tháng 9/2013 “Tôi coi thực hiện để án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn” với phiên chất vấn trước hội trường Quốc hội ngày hôm nay (11/6), TS. Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, vị tư lệnh ngành Giáo dục đã chuẩn bị khá kỹ kế hoạch cho chiến dịch này.

Theo ông Phương: “Trước Quốc hội, Bộ trưởng đã mô tả rõ hơn các phần của chiến dịch lớn đã bắt đầu được triển khai, điều chưa được thể hiện rõ trong các văn bản khác. Và rõ ràng chiến dịch này bao quát rộng hơn là chỉ đổi mới sách giáo khoa và chương trình phổ thông như nhiều người vẫn nghĩ. Và hàng loạt các thay đổi gần đây trong chỉ đạo hoạt động giáo dục của Bộ cũng được xác định là những bộ phận khác nhau của kế hoạch thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện, từ sách giáo khoa, chương trình, giáo viên thi cử, kiểm tra và đánh giá, kiểm định, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên... Có nhiều điểm đổi mới lần đầu tiên được công bố cho xã hội biết”.

Ông Phương ghi nhận, Bộ trưởng đã thắng thắn thừa nhận chất lượng đào tạo ở các cấp độ khác nhau còn thấp và sẽ có những biện pháp về quản lý “siết lại” để cải thiện tình hình. “Dường như Bộ trưởng cũng đã tìm ra chìa khoá để giải quyết chuyện học sinh phổ thông ngồi nhầm lớp – dạy học theo công nghệ giáo dục”.