Đâu là điểm tựa vững chắc cho kinh tế Việt Nam?

Hoàng Bảo

(Tài chính) "Cơ sở theo đuổi mục tiêu tăng trưởng hiện nay chưa thực sự chắc chắn", nhấn mạnh điều này, Theo TS. Trần Đình Thiên cho rằng, nền kinh tế hiện vẫn còn dựa nhiều vào vốn, tín dụng thì tăng thấp, tổng cầu còn rất yếu, nợ xấu chưa được giải tỏa và đang có chiều hướng tăng lên.

Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào khuyến cáo: Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế một cách bền vững. Nguồn: internet.
Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào khuyến cáo: Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế một cách bền vững. Nguồn: internet.

Vẫn dựa nhiều vào vốn

Báo cáo triển vọng thị trường của VPBank cho thấy, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây được đánh giá tăng cao hơn so với kỳ vọng. GDP quý 3/2014 đã tăng cao hơn so với kỳ vọng. Tổng sản phẩm quốc nội ước tính đã tăng 6,19%, cao hơn so với mức 5,42% trong quý 2/2014 và 5,09% trong quý 1/2014. GDP tăng mạnh trong quý 3 đã giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 5,62%, cao hơn so với mức 5,14% trong cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu nhập siêu trong tháng 9 cũng cho thấy nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị đang tăng trở lại. Điều này cho thấy, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi… Tuy nhiên, theo phân tích của TS. Trần Đình Thiên, không dễ gì tươi hồng và đơn giản như vậy. "Sự phục hồi của nền kinh tế vẫn còn rất mong manh", nhấn mạnh điều này, TS. Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: Tăng trưởng ở khu vực công nghiệp đã tốt hơn, nhưng ai là người đóng góp cho điều đó? Tăng trưởng xuất khẩu cũng vậy, lực lượng nào đóng góp nhiều nhất?

Câu trả lời vẫn khu vực doanh nghiệp FDI. Tỷ trọng đóng góp của khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 60 - 65% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sự chênh lệch đóng góp ngày càng lớn. Thực tế là khi giá trị xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng tăng mạnh thì sự đóng góp của khu vực sản xuất nội địa ngày càng giảm xuống. Như vậy có nghĩa là khu vực doanh nghiệp nội địa - một trong những trụ cột của nền kinh tế là doanh nghiệp hiện vẫn đang rất yếu, số lượng doanh nghiệp phá sản và đóng cửa năm 2014 rình rập tăng lên. Trong khi, nợ xấu chưa giải tỏa được, tín dụng tăng thấp, tổng cầu còn rất yếu.

"Mức tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay đã chứng tỏ cơ sở tăng trưởng là chưa được vững chắc. Dù đã hơn năm 8 năm gia nhập WTO song Việt Nam chưa chuẩn bị tốt năng lực cho một cuộc hội nhập thật sự. Đó là một bài học đắt giá và sự phục hồi nền kinh tế còn rất mong manh”, TS. Trần Đình Thiên nhận định.

“Tăng trưởng” hay “Ổn định”?

Thời gian qua, dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng theo đánh giá chung sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân và nội địa vẫn yếu. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn “khó xử” và đứng trước lựa 2 lựa chọn theo đổi “tăng trưởng” hay duy trì “ổn định”.

Theo TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài, để tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo, trước mắt cần rà soát lại đầu tư công và phải làm sao để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn. Nếu giải quyết được các vấn đề về vốn, năm 2015 chúng ta sẽ tăng trưởng cao hơn.

Cùng chung quan điểm, TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cần có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp nội địa phát triển chứ không thể dựa mãi vào các doanh nghiệp FDI. Và để làm được điều đó, Chính phủ cần phải giải quyết 3 yếu tố: Thứ nhất, cần phải chuyển đối nhanh mô hình tăng trưởng sang hiện đại hóa. Thứ hai, cần phải tôn trọng thị trường. Thứ ba, cần tiếp tục có những cải cách hành chính, cải cách quan hệ phục vụ doanh nghiệp, phục vụ thị trường…

“Tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng rủi ro thì vẫn lớn”, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào khuyến cáo: Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế một cách bền vững.

"Nếu việc duy trì ổn định là mục tiêu tiếp theo trong năm tới, việc duy trì đà tăng trưởng sẽ dễ dàng hơn", nhìn nhận vấn đề này, ông Barry Weisblatt, Giám đốc Khối phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng phân tích: Nếu Việt Nam theo đuổi “tăng trưởng”, Chính phủ sẽ buộc phải gia tăng đầu tư công, hệ lụy là sự gia tăng nợ công, Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu tài trợ hoạt động đầu tư, dẫn tới chèn lấn tín dụng doanh nghiệp, tăng lãi suất cho vay trong khi tín dụng tăng chậm lại. Kết quả là lợi nhuận doanh nghiệp giảm.

Còn nếu Việt Nam lựa chọn duy trì sự “ổn định” thì tăng trưởng GDP sẽ được kìm hãm ở mức dưới 6%/năm, giá trị tiền đồng sẽ được đảm bảo. Để tiếp tục duy trì mức ổn định, Chính phủ Việt Nam chỉ cần tập trung vào việc giảm nợ công thông qua các hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy đầu tư tư nhân và thương mại. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp trong năm 2015 - điều kiện giúp gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.