Đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo

Huyền Trang

Thời gian qua, nhiều chuyên gia dự báo rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có tín hiệu tích cực. Nắm bắt cơ hội, khắc phục khó khăn kịp thời là việc cần làm ngay của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Nhiều chuyên gia dự báo rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có tín hiệu tích cực. Nguồn: internet
Nhiều chuyên gia dự báo rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có tín hiệu tích cực. Nguồn: internet

Triển vọng đi kèm thách thức

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) dự báo, cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới có nhiều triển vọng lạc quan khi Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm hơn 47% xuất khẩu gạo thế giới và đóng góp 87% vào tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này trên toàn cầu trong 10 năm tới. Theo cơ quan này, nhu cầu nhập khẩu gạo toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên với mức tăng bình quân 1,5%/năm; lượng tiêu thụ gạo toàn cầu được dự báo sẽ đạt 500 triệu tấn trong 10 năm tới, tăng 10% so với hiện nay và đạt khoảng 535 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó, châu Á chiếm khoảng 2/3 tổng cầu về gạo của thế giới vào năm 2030.

Hiện nay, nhu cầu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam cũng đang có những tín hiệu hồi phục tích cực. Cơ hội cho gạo xuất khẩu gạo ngày càng được mở rộng thị trường khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, liên minh thuế quan. Cùng với đó, sự đầu tư của doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, sự phát triển của khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến... sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng lạc quan, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, giá gạo xuất khẩu bình quân trong 7 tháng qua chỉ đạt 429,07 USD/tấn, giảm 5,33% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu gạo của Việt Nam phải cạnh tranh với nguồn cung gạo dồi dào trên thế giới. Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 35,21% thị phần trong 7 tháng với 1.330.000 tấn, đạt 524,7 USD. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường này có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Các thị trường khác cũng có xu hướng giảm là Philippines, Singapore. Bên cạnh đó, việc mở thêm thị trường mới cũng gặp nhiều khó khăn do các thị trường mới đều là thị trường cao cấp và việc mở rộng thị trường mới phải đi kèm với bảo đảm được chất lượng.

Đón đầu cơ hội

Để đón đầu triển vọng xuất khẩu, trước hết, Việt Nam cần thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với giảm thiểu tác động môi trường. Thực hiện quy hoạch vùng sẽ tập trung các giống chất lượng cao hướng tới xuất khẩu là chính, các vùng còn lại sẽ tập trung vào sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa. Bên cạnh đó, cần có những chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng chuyên canh; hình thành liên kết lâu dài giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp nòng cốt và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu là nòng cốt để tạo ra chuỗi giá trị gạo xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu gạo chất lượng cao của mình trên thị trường quốc tế. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị khép kín, tham gia với nông dân từ canh tác, sản xuất cho đến tiêu thụ và xuất khẩu. Tiếp theo đó, các doanh nghiệp cần nhân rộng mô hình hiệu quả và tạo ra liên kết chuyển giao kỹ thuật cho cả vùng để tạo ra quy mô lớn và bền vững.

Bên cạnh đó, cần nâng cao cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, tránh để tình trạng manh mún, lạc hậu, mỗi doanh nghiệp, hộ nông dân làm riêng lẻ, không đồng nhất như hiện nay. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng kho dự trữ lúa gạo, đầu tư về khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo sao cho phù hợp, tránh tình trạng cung vượt cầu, chú trọng tới các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, đồng thời tích cực mở rộng, phát triển ở các thị trường mới giàu tiềm năng nhằm nâng cao sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu.